Bầu cử Thái Lan: Phe đối lập đồng ý liên minh sau thắng lợi lịch sử

Sáu đảng đối lập ở Thái Lan, nổi bật nhất là đảng Tiến bước (Move Forward) và đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đồng ý liên minh để đảm bảo khả năng thành lập chính phủ mới.

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng đối lập Tiến bước của Thái Lan gặp gỡ báo chí sau cuộc bầu cử hôm 14/5. Ảnh: Reuters

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng đối lập Tiến bước của Thái Lan gặp gỡ báo chí sau cuộc bầu cử hôm 14/5. Ảnh: Reuters

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng đối lập Tiến bước của Thái Lan, hôm nay tuyên bố giành chiến thắng khi đảng của ông giành được 151 ghế Hạ viện sau cuộc tổng tuyển cử hôm 14/5.

Ông Pita thông báo đã liên lạc với các đảng đối lập và tìm cách thành lập liên minh 6 đảng, trong đó có Pheu Thai, đảng xếp thứ hai với 141 ghế tại Hạ viện.

Đại diện của đảng Pheu Thai sau đó xác nhận gia nhập liên minh với đảng Tiến bước để thành lập chính phủ mới. Ngoài Pheu Thai và Tiến bước, liên minh này còn có các đảng Prachachat, Thai Sang Thai cùng đảng Thái Lan Tự do. Các lãnh đạo Pheu Thai kỳ vọng, liên minh gồm 309 ghế tại Hạ viện đủ để xây dựng chính phủ ổn định.

Lãnh đạo đảng Tiến bước, ứng cử viên thủ tướng Pita Limjaroenrat (bên trái); Ứng cử viên thủ tướng Đảng Pheu Thai, bà Paetongtarn Shinawatra; và ông Srettha Thavisin. Ảnh: AFP

Lãnh đạo đảng Tiến bước, ứng cử viên thủ tướng Pita Limjaroenrat (bên trái); Ứng cử viên thủ tướng Đảng Pheu Thai, bà Paetongtarn Shinawatra; và ông Srettha Thavisin. Ảnh: AFP

Ông Pita tuyên bố sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan, đồng thời khẳng định Thượng viện chắc chắn sẽ tôn trọng kết quả bầu cử. "Đất nước sẽ phải trả một cái giá khá đắt nếu kết quả bầu cử không được công nhận hoặc thành lập một chính phủ thiểu số," ông Pita nói tại cuộc họp báo hôm 15/5.

Kết quả chính thức về tổng số ghế trong Hạ viện của các đảng ở Thái Lan dự kiến được công bố trong vài tuần tới. Tuy nhiên, việc một đảng hoặc liên minh giành đa số ghế tại Hạ viện không đồng nghĩa lãnh đạo của họ sẽ trở thành thủ tướng Thái Lan.

Quốc hội Thái Lan sẽ họp vào tháng 7 tới, trong đó 500 nghị sĩ mới được bầu của Hạ viện sẽ cùng 250 thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự chỉ định lựa chọn thủ tướng mới và thành lập chính phủ.

Mỗi đảng muốn đề cử ứng viên thủ tướng cần có tối thiểu 25 ghế tại Hạ viện. Thủ tướng mới của Thái Lan sẽ phải có ít nhất 376 phiếu ủng hộ tại lưỡng viện. Trong khi đó, 250 thượng nghị sĩ Thái Lan do chính quyền quân sự chỉ định nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu cho ứng viên thân thiện với quân đội.

Để nắm chắc phần thắng, bên cạnh việc thành lập liên minh cầm quyền, đảng Tiến bước hy vọng thuyết phục được một số thượng nghị sĩ thân quân đội quay sang ủng hộ mình.

Nhận định với tờ Thai Enquirer, nhà phân tích chính trị Ken Mathis Lohatepanont cho biết: “Hiện tại, khả năng Thượng viện có sẵn sàng ủng hộ đảng Tiến bước hay không vẫn chưa rõ ràng”.

Đảng Pheu Thai từng trải qua "kịch bản cay đắng" trong cuộc bầu cử năm 2019. Họ giành được số ghế cao nhất ở Hạ viện nhưng không thể thành lập được chính phủ cầm quyền. Ông Prayuth, cựu tư lệnh lục quân Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính năm 2014, cuối cùng vẫn được bầu làm thủ tướng nhờ đàm phán lập liên minh 19 đảng, dẫn đầu bởi đảng Palang Pracharath do quân đội chống lưng.

Saowanee T. Alexander, giáo sư tại Đại học Ubon Ratchathani, nhận định kết quả gây chấn động của cuộc tổng tuyển cử lần này cho thấy người dân Thái Lan mong muốn thay đổi thực chất sau 9 năm phe quân đội nắm quyền dưới những hình thức khác nhau.

Mặc dù vậy, giáo sư Alexander cảnh báo chính trường Thái Lan hiện nay vẫn "rất khó đoán" khi Ủy ban Bầu cử nắm giữ quyền lực lớn và có thể đơn phương xoay chuyển cục diện.

Ủy ban Bầu cử sau vài tuần nữa mới công bố kết quả kiểm phiếu chính thức và thống kê số ghế mỗi đảng giành được ở Hạ viện. Trong cùng thời gian đó, họ sẽ xử lý khiếu nại từ ứng viên đảng Palang Pracharath, được nộp ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử, cáo buộc ông Pita Limjaroenrat không công khai đầy đủ tài sản khi tranh cử.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bau-cu-thai-lan-phe-doi-lap-dong-y-lien-minh-sau-thang-loi-lich-su.html