Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Phép thử quan trọng đối với Tổng thống Erdogan
Tổng tuyển cử Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một trong những sự kiện được chú ý nhất trong năm 2023 đối với quốc tế và Thổ Nhĩ Kỳ khi kết quả bỏ phiếu không chỉ quyết định chính sách đối nội và đối ngoại của nước này, mà có thể còn ảnh hưởng đến an ninh khu vực châu Âu và Trung Đông.
Sau hai thập kỷ cầm quyền, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang đứng trước một phép thử lớn, trong bối cảnh mức độ tín nhiệm dành cho Tổng thống Erdogan cùng Đảng Công lý và phát triển (AKP) bị ảnh hưởng nặng nề bởi một số tín hiệu thiếu lạc quan trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong chính sách đối ngoại. Là một nhà chính trị dày dặn kinh nghiệm, cùng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ bởi quyền lực và các thể chế điều hành nhà nước, liệu Tổng thống đương nhiệm Erdogan có thể vượt qua những thách thức, để tiếp tục hiện thực hóa những tham vọng còn dang dở?
Các gương mặt sáng giá
Bốn ứng cử viên đang vận động cho cuộc bầu cử tổng thống năm nay gồm đương kim Tổng thống Erdogan và ông Kemal Kilicdaroglu lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) được hỗ trợ bởi sáu đảng đối lập tạo nên Liên minh Quốc gia, lãnh đạo Đảng Tổ quốc trung dung Muharrem Ince và ứng cử viên cánh hữu của Liên minh Tổ tiên Sinan Ogan. Nhưng đến thời điểm này, đây là cuộc chạy đua sít sao giữa Tổng thống Erdogan và ứng cử viên đối lập chính Kemal Kilicdaroglu.
Nhân khẩu học của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử này. Hầu hết các tỉnh bị trận động đất hồi tháng 2 tấn công đều là thành trì của ông Erdogan và Đảng AK của ông. Nhưng người đứng đầu Hội đồng bầu cử tối cao (YSK) Ahmet Yener cho biết vào tháng trước rằng ít nhất 1 triệu cử tri ở các vùng bị động đất dự kiến sẽ không bỏ phiếu trong năm nay trong bối cảnh phải di dời.
Người đứng đầu Hội đồng bầu cử tối cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào tháng trước, gần 5 triệu cử tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu, hầu hết trong số họ chỉ biết đến Erdogan với tư cách là nhà lãnh đạo. Các cuộc khảo sát cho thấy trong vòng bầu cử đầu tiên, cử tri có nhiều khả năng ủng hộ ông Kilicdaroglu hơn ông Erdogan. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Kilicdaroglu là 42,6% và ông Erdogan là 41,1%. Nếu ông Ince rút khỏi cuộc đua tổng thống, nhiều cử tri có khả năng sẽ chuyển sang Kilicdaroglu hơn là Erdogan.
Ông Kilicdaroglu, 74 tuổi, đang nắm lợi thế và có thể giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu vòng hai, sau một chiến dịch toàn diện hứa hẹn các giải pháp cho cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Ông đã cam kết quay trở lại các chính sách kinh tế chính thống và hệ thống quản trị nghị viện, độc lập cho một cơ quan tư pháp mà các nhà phê bình cho rằng Erdogan đã sử dụng cứng rắn và có phần êm đẹp hơn trong quan hệ với phương Tây. Ngay cả khi thắng thế, Kilicdaroglu vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc duy trì một liên minh đối lập bao gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người theo chủ nghĩa Hồi giáo, những người theo chủ nghĩa thế tục và những người theo chủ nghĩa tự do.
Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử quốc hội, Đảng AK của ông Erdogan thường dẫn trước trong các cuộc thăm dò, với đa số phiếu bầu. Và ngay cả khi ông Kilicdaroglu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, một số nhà phân tích cho rằng ông Erdogan có thể không trao lại quyền lực cho người kế nhiệm một cách dễ dàng và nếu ông Erdogan thua với tỷ số cách biệt nhỏ, thì điều đó sẽ mở ra khả năng ông sẽ phản đối kết quả.
Bát sát hạch dễ dàng đối với đương kim Tổng thống Erdogan?
Trận động đất kinh hoàng ở 11 tỉnh phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2 vừa qua và cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng là hai thách thức lớn nhất đối với ông Erdogan trước cuộc bầu cử vào cuối tuần này. Kết quả của cuộc đua tổng thống có thể được quyết định trong cuộc bỏ phiếu chung cuộc vào ngày 28/5.
Ông Erdogan đang phải đối mặt với một bài kiểm tra khó khăn trong cuộc bầu cử này vì sự phẫn nộ của công chúng đối với lạm phát gia tăng và cách ông xử lý trận động đất khiến hơn 50.000 người thiệt mạng, san bằng các thành phố và khiến hàng triệu người mất nhà cửa. Các đối thủ chính trị của ông nói rằng chính phủ phản ứng chậm chạp và việc họ không thực thi các quy định về xây dựng là nguyên nhân khiến số người chết tăng cao.
Một số thậm chí còn chỉ ra hành vi sai trái của chính phủ sau trận động đất năm 1999 ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ gần thành phố Izmit khiến khoảng 18.000 người thiệt mạng, nói rằng các loại thuế áp đặt từ thảm họa đó đã bị sử dụng sai và làm trầm trọng thêm tác động của trận động đất năm nay. Các đảng chính trị đối lập đã tận dụng sự tức giận của công chúng đối với việc chính phủ để hạ thấp uy tín và ảnh hưởng của ông Erdogan trước bầu cử.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng không nên đánh giá thấp ông Erdogan, chỉ ra sức hấp dẫn lâu dài của ông đối với các cử tri tôn giáo thuộc tầng lớp lao động và trung lưu, những người từ lâu đã cảm thấy xa lạ với chính sách thế tục và phương Tây trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chính sách dân tộc chủ nghĩa của Erdogan, thường là lập trường đối đầu với phương Tây và các động thái nâng cao vị thế của đạo Hồi ở nước này tiếp tục gây được tiếng vang trong giới ủng hộ bảo thủ. Họ chỉ ra sự bùng nổ kinh tế trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông đã giúp nhiều người thoát nghèo, đồng thời nói thêm rằng những thành công trong quá khứ của ông là bằng chứng về khả năng xoay chuyển tình thế của ông.
Nhiều người cũng chỉ ra các dự án cơ sở hạ tầng lớn đã bắt đầu trong nhiệm kỳ của ông - đường cao tốc, cầu, sân bay, bệnh viện và nhà ở cho người thu nhập thấp. Bản thân ông Erdogan đã thừa nhận rằng có những thiếu sót trong những ngày đầu của trận động đất hồi tháng 2 nhưng khẳng định tình hình đã nhanh chóng được kiểm soát.
Kể từ đó, ông đã tập trung chiến dịch tái tranh cử của mình vào việc tái thiết các khu vực bị động đất tàn phá, hứa hẹn sẽ xây dựng 319.000 ngôi nhà trong năm. Ông Erdogan đã công bố một loạt biện pháp chi tiêu nhằm mang lại sự cứu trợ tạm thời cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát, bao gồm tăng lương tối thiểu và lương hưu, ban hành các biện pháp cho phép một số người nghỉ hưu sớm và hỗ trợ người tiêu dùng về điện và khí đốt tự nhiên. Ông cũng tập trung vào lĩnh vực quốc phòng, đẩy mạnh sản xuất máy bay không người lái và máy bay chiến đấu, đồng thời chế tạo tàu đổ bộ mà chính phủ mô tả là “tàu sân bay không người lái đầu tiên trên thế giới”.
Mức độ tác động lên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ và an ninh quốc tế
Cuộc bầu cử là sự cạnh tranh gay gắt giữa các ứng cử. Tuy nhiên, cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong trật tự. Nhưng dù bên nào thắng cử thì sẽ có những bất ổn, biểu tình, phản đối sau khi có kết quả. Tình hình sẽ phức tạp hơn nếu ông Erdogan và các đảng phái ủng hộ ông thất bại. Ông Erdogan được dự báo sẽ phản đối hoặc kháng cáo kết quả đó. Điều này khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào tình trạng bất ổn chính trị, nó cũng ảnh hưởng tới khu vực nói chung vì Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quan trọng, tích cực trong tình hình Syria, đàm phán Astana, đàm phán Nga - Ukraine, vấn đề lương thực từ Ukraine qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Trung Đông, châu Phi.
Thổ Nhĩ Kỳ đang dần nối lại quan hệ với các nước láng giềng và khu vực. Nếu ông Erdogan thất bại thì những thành quả này có thể sẽ phải xem xét lại. Ngoài ra, ông Erdogan cũng cứng rắn với phương Tây nên nếu phe đối lập thắng cử thì chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thân thiện hơn với phương Tây và Mỹ.
Cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong tuần này được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử khi quốc gia này đang đứng trước ngã rẽ trước muôn vàn biến động khó lường của tình hình thế giới nói chung và khu vực nói riêng. Giới chuyên gia chính trị quốc tế chỉ ra rằng, đường lối lãnh đạo của Tổng thống đương nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang gặp phải sự bất đồng ngày càng lớn trong nội bộ đất nước. Vì vậy, cuộc bầu cử này sẽ là cuộc đua gay gắt nhất trong 2 thập kỷ ông Erdogan kinh qua chức thủ tướng rồi đến tổng thống./.