Bầu cử Tổng thống Hàn trước giờ G: Cuộc đua sát sao và kết quả khó đoán trước
Người dân Hàn Quốc tiếp tục chiến dịch đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử tổng thống chính thức (9/3).
Theo AP, 4 ứng cử viên sáng giá trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hàn Quốc năm nay là ông Lee Jae-myung của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền, ông Yoon Suk-yeol của đảng đối lập chính Sức mạnh quốc dân (PPP) , ông Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân trung lập và bà Sim Sang-jeung của đảng Công lý. Cả 4 ứng cử viên đã thực hiện chiến dịch tranh cử, trong đó có 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình theo quy định của Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc.
Các cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy, ông Lee Jae-myung, cựu thống đốc tỉnh Gyeonggi và ông Yoon Suk Yeol – người từng làm việc với tư cách là công tố viên cấp cao năm 2016-2017 được xem là hai ứng cử viên hàng đầu vào vị trí tổng thống trong thời gian tới. Người chiến thắng sẽ nhậm chức vào tháng 5 năm nay và đảm nhận nhiệm kỳ tổng thống 5 năm với tư cách là nhà lãnh đạo đứng đầu của nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới.
Một số nhà chỉ trích cho biết cả hai ứng viên tranh cử ghế tổng thống Hàn Quốc lần này đều chưa đưa ra được chiến lược rõ ràng đối phó với thách thức từ Triều Tiên và chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Họ bày tỏ hoài nghi về cách cả hai ứng viên xử lý các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng cũng như cách giải quyết vấn đề bất bình đẳng kinh tế và giá nhà đất tăng cao.
Giáo sư Jang Seung-Jin từ Đại học Kookmin cho rằng, cả hai ứng viên hàng đầu chưa đưa ra được kế hoạch thuyết phục về cách dẫn dắt Hàn Quốc.
Cuộc bầu cử diễn ra khi Hàn Quốc đang đối mặt với số ca mắc gia tăng do biến thể Omicron. Ngày 9/3, giới chức y tế Hàn Quốc đã ghi nhận số ca kỷ lục 342.446 ca mắc mới.
Sau khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào 6 giờ sáng nay, các cử tri đã đeo khẩu trang xếp hàng dài tại một số điểm bỏ phiếu. Những người bị nhiễm Covid-19 sẽ tham gia bỏ phiếu sau.
Trong tổng số 52 triệu dân, khoảng 44 triệu người dân Hàn Quốc từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện bỏ phiếu lần này. Gần 16 triệu phiếu bầu đã được thực hiện sớm từ tuần trước. Trang web Bầu cử quốc gia Hàn Quốc thông báo tỷ lệ cử tri đi bầu khoảng 8,2% sau 3,5 tiếng bắt đầu bỏ phiếu từ ngày 8/3.
Tham gia cuộc bỏ phiếu lần này, bà Jeong Eun-yeong, một người dân Seoul 48 tuổi cho biết đã rất phân vân để đưa ra lựa chọn.
"Chúng tôi cần một nhà lãnh đạo cống hiến thực sự cho đất nước để cải thiện cuộc sống cho người dân, đặc biệt là những người ở tầng lớp lao động", bà Jeong Eun-yeong nói.
Giải quyết vấn đề Triều Tiên
Giới quan sát cho rằng, trong khi hai ứng viên là ông Lee và ông Yoon đều chia sẻ một số định hướng chính sách kinh tế và phúc lợi, nhưng vấn đề liên quan đến Triều Tiên hay chính sách ngoại giao khác vẫn chưa thể hiện nổi bật rõ ràng.
Theo AP, trong chiến dịch tranh cử, ứng viên Lee đã kêu gọi miễn trừ các trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên để các dự án kinh tế liên Triều có thể hồi phục và bày tỏ hy vọng Hàn Quốc có thể làm trung gian hòa giải giữa Bình Nhưỡng và Washington liên quan đến khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Về phần mình, ông Yoon cho biết sẽ có phản ứng nghiêm khắc đối với chương trình hạt nhân Triều Tiên cũng như tìm các thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên với Washington và Tokyo.
Hiến pháp của Hàn Quốc quy định một tổng thống chỉ có nhiệm kỳ 5 năm nên Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in sẽ không tham gia tái tranh cử.
Tổng thống Moon đã chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2017 và bổ nhiệm ông Yoon làm người đứng đầu Văn phòng Công tố Quận Trung tâm Seoul. Hai năm sau, ông Moon bổ nhiệm ông Yoon lên làm trưởng công tố viên.
Một số ý kiến phê bình cho rằng ông Yoon vẫn còn thiếu kinh nghiện trong chính trị đảng, chính sách đối ngoại và các vấn đề nhà nước quan trọng khác. Phản ứng với điều này, ứng viên Yoon khẳng định sẽ để cho các quan chức xử lý các công việc nhà nước đòi hỏi chuyên môn. Trong khi đó, ông Lee một cựu luật sư nhân quyền, người từng tham gia vào chính trường địa phương năm 2005 đã xây dựng hình ảnh là người cứng rắn và có nền tảng vững chắc đảm bảo việc hoàn thành công việc chính trị trong suốt chiến dịch tranh cử.
Hiện tại, vẫn chưa thể phân định ai sẽ là người có khả năng cao chiến thắng cuối cùng. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu, đặc biệt là tỷ lệ cử tri theo độ tuổi, và các tác động khách quan khác khiến giới phân tích chưa thể đưa ra phỏng đoán sớm và nếu có chiến thắng thì người thắng cuộc có lẽ cũng chỉ nhờ tỷ lệ chênh lệch hết sức sít sao.
Một số chuyên gia nhận định cho dù ai chiến thắng thì đều sẽ phải nỗ lực không ngừng để thu hẹp các khoảng cách chia rẽ giữa phái bảo thủ và tự do. "Cho dù ai chiến thắng đi chăng nữa, chắc chắn một trọng trách quan trọng không thể thiếu là hàn gắn các chia rẽ đó", ông Shin Yul – Giáo sư chính trị tại Đại học Myongji, Seoul cho biết./.