Bầu cử Tổng thống Iran: Thêm vòng knock-out, thắng lợi thuộc về ai?

Với việc không có số phiếu quá bán, cuộc bầu cử Tổng thống Iran sẽ phải bước vào vòng đấu loại trực tiếp giữa hai ứng cử viên Saeed Jalili và Masoud Pezeshkian. Một người theo đường lối bảo thủ, cứng rắn và một người chủ trương cải cách với quan điểm ôn hòa hơn.

Cuộc “so găng” Jalili - Pezeshkian

Người dân Iran đã tham gia cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống mới vào thứ Sáu (28/6) sau khi cố Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ tai nạn máy bay trực thăng hôm 19/5. Các cử tri lựa chọn từ một nhóm 4 ứng cử viên, bao gồm Mohammad Baqer Ghalibaf - Chủ tịch Quốc hội Iran; Mostafa Pourmohammadi - cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia; Masoud Pezeshkian - cựu Bộ trưởng Y tế và Saeed Jalili - cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân nổi tiếng.

Hai ứng cử viên Saeed Jalili và Masoud Pezeshkian sẽ bước vào vòng bầu cử thứ hai diễn ra ngày thứ Sáu này. Ảnh: New York Times

Hai ứng cử viên Saeed Jalili và Masoud Pezeshkian sẽ bước vào vòng bầu cử thứ hai diễn ra ngày thứ Sáu này. Ảnh: New York Times

Theo thông tin được người phát ngôn của Cơ quan bầu cử Iran Mohsen Eslami công bố hôm 29/6, tổng cộng có 24,5 triệu người đi bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 40% số cử tri của cả nước. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ứng cử viên Massoud Pezeshkian nhận được 10,4 triệu phiếu bầu (tương đương 42,45%), trong khi ông Saeed Jalili thu về 9,5 triệu phiếu (38,61%).

Theo Hiến pháp Iran, nếu không ứng cử viên nào giành được 50% + 1 phiếu, cuộc bầu cử tổng thống nước này sẽ phải bước vào vòng 2, vòng đấu loại trực tiếp giữa hai ứng cử viên giành được số phiếu cao nhất. Điều đó có nghĩa rằng, ông Massoud Pezeshkian và ông Saeed Jalili sẽ có màn đấu knock-out diễn ra ngày thứ Sáu (5/7) tới đây.

Người dân Iran giờ đây sẽ chỉ còn 2 lựa chọn: một ứng cử viên tổng thống theo chủ nghĩa cải cách, ủng hộ việc hợp tác nhiều hơn với phương Tây (Massoud Pezeshkian) và một cố vấn cứng rắn cho lãnh tụ tối cao Iran, người phản đối sự thỏa hiệp (Saeed Jalili).

Cơ hội chiến thắng, nhìn từ góc độ các lá phiếu của vòng 1, đang nhỉnh hơn cho tiến sĩ Massoud Pezeshkian - một bác sĩ phẫu thuật tim 70 tuổi và là cựu chiến binh của cuộc chiến tranh Iran-Iraq, từng phục vụ trong Quốc hội và là cựu Bộ trưởng Y tế Iran. Sau khi vợ và con qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi, ông Pezeshkian nuôi dạy những đứa con khác của mình như một người cha đơn thân và chưa bao giờ tái hôn. Điều này và bản sắc của ông là người Azeri, một trong những dân tộc thiểu số của Iran, đã khiến ông Pezeshkian được nhiều cử tri yêu mến.

Các ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách phần lớn đã bị loại khỏi cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 và cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 3. Các chuyên gia cho biết, tiến sĩ Pezeshkian có khả năng được đưa vào để tăng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong số những cử tri theo chủ nghĩa cải cách và những người Iran đã tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 3. Tiến sĩ Pezeshkian cũng được cựu Tổng thống Mohammad Khatami tán thành và ông đã bày tỏ sự cởi mở trong các cuộc đàm phán hạt nhân với phương Tây, coi cuộc tranh luận chủ yếu chỉ là một vấn đề kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Ghalibaf kêu gọi những người ủng hộ ông bỏ phiếu cho ứng cử viên Saeed Jalili. Ảnh: Al Jazeera

Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Ghalibaf kêu gọi những người ủng hộ ông bỏ phiếu cho ứng cử viên Saeed Jalili. Ảnh: Al Jazeera

Ngược lại, Saeed Jalili là một cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân cực đoan, có biệt danh là “kẻ tử vì đạo” sau khi ông bị mất một chân trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Ông lãnh đạo đảng Paydari cực hữu và đại diện cho những quan điểm tư tưởng cứng rắn nhất đất nước khi nói đến chính sách đối nội và đối ngoại.

Saeed Jalili cho biết ông tin rằng Iran không cần phải đàm phán với Mỹ để đạt được thành công về kinh tế. Chính trị gia 59 tuổi này là ứng cử viên gần gũi nhất với Đại Giáo chủ Khamenei. Nhưng, ông lại đưa ra đánh giá "hoàn toàn không thực tế" về năng lực kinh tế của Iran trước công chúng. Ông Saeed Jalili cũng phản đối mạnh mẽ không chỉ bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào mà còn bất kỳ hình thức mở cửa nào với phương Tây.

Kỳ vọng gì vào cuộc bầu cử?

Như đã đề cập, cuộc bầu cử lần này được kích hoạt bởi cái chết của cố Tổng thống Ebrahim Raisi trong một vụ tai nạn trực thăng. Raisi, một giáo sĩ cứng rắn đang phục vụ nhiệm kỳ đầu tiên của mình, được coi là ứng cử viên kế nhiệm Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người đã 85 tuổi và sức khỏe kém. Dù không ai bên ngoài một nhóm nhỏ ở Iran được biết về các cuộc đàm phán kế nhiệm, các nhà phân tích về Iran cho biết cái chết của ông Raisi đã loại bỏ một sự lựa chọn an toàn.

Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đi bỏ phiếu hôm 28/6. Ảnh: Reuters

Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đi bỏ phiếu hôm 28/6. Ảnh: Reuters

Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Iran. Nước này đang bị quốc tế giám sát chặt chẽ về chương trình hạt nhân cũng như việc hỗ trợ quân sự cho Nga. Iran cũng suýt xảy ra chiến tranh với Israel vào tháng 4, khi hai nước lần đầu tiên tấn công nhau trên đất đối phương. Cùng với đó là tình trạng thất vọng dai dẳng trong giới trẻ về nền kinh tế suy yếu và những hạn chế về tự do vốn bùng phát vào năm 2022 trong các cuộc biểu tình quần chúng sau cái chết của một người phụ nữ khi bị cảnh sát giam giữ vì không đội khăn trùm đầu đúng cách.

Dưới hệ thống thần quyền do người sáng lập Ayatollah Ruhollah Khomeini thiết lập sau cuộc cách mạng năm 1979, tổng thống có ít quyền lực hơn nhiều so với nhà lãnh đạo tối cao, nguyên thủ quốc gia trên thực tế phải là giáo sĩ cấp cao. Nhà lãnh đạo tối cao có tiếng nói cuối cùng về những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, từ những thay đổi chính trị và xã hội đến chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, tổng thống có thể giúp đưa đất nước theo hướng cứng rắn hoặc linh hoạt, và chức tổng thống được coi là bước đệm để trở thành nhà lãnh đạo tối cao. Bản thân Đại Giáo chủ Khamenei cũng là Tổng thống Iran vào những năm 1980. Tổng thống Iran vẫn có thể tạo ra những tác động nhất định trong đường lối đối ngoại. Ví dụ, cựu Tổng thống Hassan Rouhani từng đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc phương Tây, trong đó Iran đồng ý thu hẹp chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt.

Vì thế, việc ông Saeed Jalili hay ông Massoud Pezeshkian giành chiến thắng vẫn là chủ đề mà phương Tây đang đặc biệt quan tâm. Có 2 câu hỏi đang đặt ra với các nhà lãnh đạo phương Tây: Liệu sự thay đổi tổng thống tại Iran có tạo ra bước ngoặt đẩy nước này chuyển hướng sang hợp tác với phương Tây nhiều hơn không và liệu có cơ hội nào cho phương Tây cải tổ cách tiếp cận của mình đối với Iran không?

Cơ hội nghiêng về ai?

Cả hai ứng cử viên đều tuyên bố sẽ phục hồi nền kinh tế đang suy thoái, bị ảnh hưởng bởi tình trạng quản lý yếu kém, tham nhũng và các lệnh trừng phạt bị áp dụng trở lại từ năm 2018, sau khi Mỹ hủy bỏ hiệp ước hạt nhân với Tehran.

Ứng cử viên Saeed Jalili, cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân theo đường lối bảo thủ, tại một điểm bỏ phiếu. Ảnh: Anadolu Ajansi

Ứng cử viên Saeed Jalili, cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân theo đường lối bảo thủ, tại một điểm bỏ phiếu. Ảnh: Anadolu Ajansi

Nhưng, ông Saeed Jalili đại diện cho một phe được gọi là “siêu cách mạng”, một nhóm tìm cách quay trở lại tinh thần đốt lửa trong những ngày đầu của chế độ. Jalili đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nói rằng nó ủng hộ các quốc gia “có thái độ thù địch lớn nhất đối với người dân Iran”.

Pezeshkian, nhà cải cách duy nhất được Đại Giáo chủ chấp thuận, đã cho rằng Iran phải chịu trách nhiệm về những tai ương kinh tế của mình, đồng thời trích dẫn sự quản lý yếu kém và các biện pháp trừng phạt quốc tế gắn liền với chương trình hạt nhân của nước này. “Chúng tôi có lỗi”, ông nói với đài truyền hình nhà nước tuần trước.

Ông Pezeshkian hiện đang cố gắng khéo léo đi giữa các lằn ranh để vừa thu phục cử tri, vừa không làm phật lòng Đại Giáo chủ Khamenei. Chẳng hạn như ông luôn thể hiện sự trung thành với chế độ cai trị thần quyền của Iran nhưng cũng tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu vòng 1 rằng: “Chúng tôi sẽ tôn trọng luật khăn trùm đầu, nhưng không bao giờ có bất kỳ hành vi xâm phạm hoặc vô nhân đạo nào đối với phụ nữ”.

Ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách Masoud Pezeshkian tại một điểm bỏ phiếu hôm 28/6. Ảnh: EFE

Ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách Masoud Pezeshkian tại một điểm bỏ phiếu hôm 28/6. Ảnh: EFE

Bằng những thông điệp ấy, ông Pezeshkian cố gắng khôi phục lại sự nhiệt tình của những cử tri có tư tưởng cải cách, những người phần lớn đã tránh xa các cuộc bỏ phiếu trong 4 năm qua khi phần lớn dân số trẻ tuổi đang khó chịu với các hạn chế chính trị và xã hội.

Nhưng, nói như vậy không đồng nghĩa rằng ông Jalili sẽ lép vế. Những cử tri bảo thủ, những người lớn tuổi, tầng lớp nông dân tại Iran lại có xu hướng ủng hộ ứng cử viên cứng rắn này. Farzan, một nghệ sĩ Iran 45 tuổi sống tại thành phố Karaj, cho biết: “Tôi nghĩ Jalili là ứng cử viên duy nhất nêu ra vấn đề công lý, chống tham nhũng và mang lại giá trị cho người nghèo... Quan trọng nhất, ông ấy không liên kết chính sách đối ngoại của Iran với thỏa thuận hạt nhân”.

Đáng nói hơn, các nhà phân tích về Iran cho rằng ông Jalili sẽ vượt quá 50% nếu nhận được phiếu bầu của những người ủng hộ Chủ tịch Quốc hội Ghalibaf. Bản thân ông Ghalibaf cuối tuần trước cũng tuyên bố đứng về phía ông Jalili và yêu cầu cử tri của mình làm điều tương tự để đảm bảo chiến thắng cho phe bảo thủ.

Cuộc so găng giữa hai ứng cử viên Tổng thống Iran, vì thế, vẫn còn hứa hẹn nhiều kịch tính trong trận knock-out diễn ra vào cuối tuần này.

Quang Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/bau-cu-tong-thong-iran-them-vong-knock-out-thang-loi-thuoc-ve-ai--i736254/