Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Ai là người định đoạt số phận pháp lý của ông Donald Trump?

Bồi thẩm đoàn 12 người ở tòa New York quyết định pháp lý ông Donald Trump trước cáo buộc bịt miệng sao khiêu dâm, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.

Phiên tòa hình sự ở Manhattan, vụ truy tố ông Donald Trump về việc làm giả hồ sơ kinh doanh để trả tiền để giữ im lặng về thông tin có hại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đang đến hồi kết. Thẩm phán Juan Merchan đã chủ trì các phiên tranh tụng kéo dài hơn một tháng, và bây giờ, bồi thẩm đoàn 12 người sẽ đưa ra quyết định quan trọng nhất: Liệu ông Donald Trump có phạm tội hay không?

Bồi thẩm đoàn, gồm 12 bồi thẩm viên chính thức và 6 thành viên dự bị, được thành lập trong 4 ngày làm việc đầu tiên của phiên tòa, bắt đầu từ ngày 15/4. Nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là xác định xem ông Donald Trump có tội hay không với cáo buộc che đậy các khoản chi cho Stormy Daniels để sao khiêu dâm này không lên tiếng về bê bối tình ái với ông trước thềm cuộc bầu cử năm 2016.

Trong các phiên tranh tụng những tuần qua, phía công tố viên và đội ngũ pháp lý của ông Donald Trump đã triệu tập hàng loạt nhân chứng ra trình diện tòa để cung cấp lời khai trước bồi thẩm đoàn.

Các công tố viên đã triệu tập 20 nhân chứng xuất hiện trước tòa, với tổng thời gian điều trần hơn 50 giờ. Trong số này có cựu luật sư thân tín Michael Cohen của ông Donald Trump và ông David Pecker, khi đó là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty truyền thông AMI, chuyên hỗ trợ ông Donald Trump "tóm và diệt" thông tin bất lợi.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phiên tòa hình sự ở New York (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phiên tòa hình sự ở New York (Ảnh: Reuters)

Thẩm phán Merchan dự kiến tuyên bố kết thúc giai đoạn tranh tụng vào ngày 28/5. Bồi thẩm đoàn sẽ thảo luận trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

"Phần nhàm chán nhất với bồi thẩm đoàn là ngồi nghe các bên tranh luận đã kết thúc. Nhưng trớ trêu là phần nhàm chán nhất lại quan trọng nhất, vì nó cung cấp thông tin cho họ ra quyết định", cựu công tố viên New York Bernarda Villalona nhấn mạnh.

Bồi thẩm đoàn gồm 7 nam và 5 nữ, hầu hết tốt nghiệp đại học và có hai người là luật sư. Họ được lựa chọn để đảm bảo có thể đưa ra quyết định khách quan nhất mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị. Dựa trên lời khai của các nhân chứng, họ sẽ định đoạt số phận pháp lý của ông Donald Trump tại phiên tòa.

Jeremy Saland, cựu công tố viên Manhattan cho biết: "Việc hai luật sư tham gia bồi thẩm đoàn dường như là yếu tố lý tưởng trong những vụ kiện phức tạp và có ảnh hưởng như của ông Donald Trump, nhưng cũng là con dao hai lưỡi".

Theo Saland, một khi đã tham gia bồi thẩm đoàn, mọi lời nói, hành động của họ đều có thể gây tác động lan tỏa ở mức độ "không thể lường trước" và công chúng sẽ không muốn các luật sư trong bồi thẩm đoàn áp đặt cách diễn giải luật của họ lên những thành viên còn lại.

Bất cứ quyết định nào của bồi thẩm đoàn cũng cần có sự đồng thuận. Nếu toàn bộ 12 bồi thẩm viên kết luận ông Donald Trump có tội, thẩm phán chủ tọa sẽ là người quyết định bản án. Nếu ông Donald Trump phạm tội, Mỹ khi đó sẽ đối mặt tình huống chưa từng có khi ông là cựu tổng thống, ứng viên đề cử đảng Cộng hòa đang vận động tranh cử.

Làm giả hồ sơ kinh doanh là tội nhẹ nhưng nó bị coi là trọng tội cấp E nếu được thực hiện để che giấu tội khác. Cấp E là mức trọng tội thấp nhất ở New York, có thể bị phạt tới 4 năm tù.

Kết quả thăm dò do CBS News/YouGov thực hiện ngày 14-21/5 cho thấy, 56% người được hỏi tin ông Donald Trump chắc chắn hoặc có thể đã phạm tội. Tỷ lệ này cao hơn trong nhóm ủng hộ đảng Dân chủ. Công chúng Mỹ cũng chia rẽ về cách bồi thẩm đoàn ra phán quyết.

Nếu bồi thẩm đoàn quyết định ông Donald Trump có tội, nó sẽ tác động đáng kể đến vị thế của ông trong cuộc bầu cử. 25% cử tri Cộng hòa nói sẽ không bỏ phiếu cho ông Donald Trump nếu ông bị kết tội, theo khảo sát do Reuters/Ipsos thực hiện hồi tháng 4 với các cử tri đã đăng ký. 60% cử tri độc lập chung quan điểm.

Ông Whit Ayres, nhà thăm dò của đảng Cộng hòa, hoài nghi về tỷ lệ cử tri phe này thực sự từ bỏ ông Donald Trump, nhưng cảnh báo sự quay lưng dù chỉ từ số ít cử tri trung lập cũng có thể giúp Tổng thống Joe Biden đắc cử.

Bà Tricia McLaughlin, từng là cố vấn cho chiến dịch của ứng viên Cộng hòa Vivek Ramaswamy nói, phán quyết có tội sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của ông Donald Trump bởi ông ghét thua cuộc. Ngoài ra, chiến dịch của ông Donald Trump sẽ phải tăng phân bổ nguồn lực tài chính cho vấn đề pháp lý, do cựu tổng thống chắc chắn sẽ kháng cáo.

Trong khi đó, nếu bồi thẩm đoàn ra phán quyết vô tội, đó sẽ là "chiến thắng rất lớn" cho ông Donald Trump, đặc biệt là khi cựu tổng thống nhiều lần chỉ trích vụ truy tố là "săn phù thủy", nhằm cản trở chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng của ông, theo giới quan sát.

Cựu Tổng thống sẽ dùng phán quyết tại New York để tuyên bố các vụ truy tố khác nhằm vào ông là không có cơ sở pháp lý, McLaughlin nhận định.

Ông Donald Trump còn đang đối mặt hai vụ truy tố liên bang liên quan cách xử lý tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng ở Florida, âm mưu lật kèo bầu cử năm 2020, dẫn đến vụ bạo loạn tại Điện Capitol ở Washington và vụ truy tố cấp bang âm mưu thay đổi kết quả bầu cử năm 2020 bang Georgia. Ông Donald Trump đều bác bỏ các cáo buộc.

Nếu không thể đạt đồng thuận về quyết định cuối cùng, bồi thẩm đoàn có thể thông báo với thẩm phán chủ tọa rằng họ đang bế tắc. Tại tòa án liên bang và nhiều bang, trong đó có New York, thẩm phán sẽ đọc "Chỉ thị Allen", kêu gọi bồi thẩm viên xét lại quan điểm cá nhân và thay đổi nếu họ cảm thấy mình sai.

Thẩm phán sẽ cảnh báo bồi thẩm viên không thay đổi quan điểm nếu chỉ nhằm đạt phán quyết hoặc khiến niềm tin của họ vào vụ kiện bị suy yếu. Một số bang tại Mỹ cấm đọc "Chỉ thị Allen", bởi giới chức tin rằng động thái này gây áp lực lên bồi thẩm đoàn để họ đạt quyết định đồng thuận.

Nếu việc này không giải quyết được bế tắc ở bồi thẩm đoàn, thẩm phán sẽ quyết định đình chỉ xét xử, tiến hành lại phiên tòa từ đầu. Ông Donald Trump có thể sẽ coi đình chỉ xét xử là một chiến thắng, theo giới phân tích, dù việc này không đồng nghĩa ông trắng án.

Bà Karen Finney, cố vấn đảng Dân chủ từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời ông Bill Clinton, nói bất kể phán quyết là gì, ông Donald Trump sẽ không còn bị hạn chế bởi lệnh cấm phát ngôn trong quá trình xét xử. Bà Finney tin chắc ông Donald Trump sẽ công kích các đối thủ gay gắt hơn nhằm phục vụ mục đích chính trị của mình.

Linh Chi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bau-cu-tong-thong-my-2024-ai-la-nguoi-dinh-doat-so-phan-phap-ly-cua-ong-donald-trump-322855.html