Bầu cử Tổng thống Mỹ: Biden đang 'trên cơ' nhưng chưa chắc thắng được Trump
Đó là nhận định của cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh.
Cuộc bầu cử trong tình thế đặc biệt
Sáng 10/9, chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề do Câu lạc bộ Cafe Số với chủ đề "Bầu cử Tổng thống Mỹ và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung" tổ chức tại Hà Nội, diễn giả - cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Kỳ (giai đoạn 2014 – 2018), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, nhận định rằng cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới đây tại Mỹ diễn ra trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
Theo cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, nước Mỹ hiện đang bị ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng đa chiều xen lẫn nhiều yếu tố như dịch bệnh Covid-19, suy giảm kinh tế và mất ổn định xã hội.
Cuộc bầu cử này cũng diễn ra trong bối cảnh cả thế giới và tất cả 50 bang của nước Mỹ đều đang phải thực hiện các biện pháp đóng cửa và cách ly xã hội. Dịch Covid-19 đã khiến cho nền kinh tế và trật tự xã hội ở Hoa Kỳ bị đảo lộn, đặc biệt là khi rất nhiều người dân của nước này bị đại dịch đẩy vào tình thế phải sống bằng trợ cấp xã hội và các khoản tín dụng (vay nợ).
Chính cuộc khủng hoảng đa chiều này đã làm đảo lộn các lợi thế và bất lợi thế của hai ứng cử viên, đại diện cho hai đảng phái lớn nhất nước Mỹ là đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa là ông Joe Biden và Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong cảnh huống này, khủng hoảng cũng tác động trực tiếp đến thái độ của các cử tri Mỹ đối với các ứng của viên tham gia cuộc tranh cử giành chiếc ghế ở Nhà Trắng vào đầu tháng 11 tới.
Nói tóm lại, theo nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cuộc khủng hoảng đa diện này về cơ bản không chỉ đã chuyển hóa sâu sắc từ nhận thức đến thái độ của người dân Hoa Kỳ đối với cuộc tổng quyền cử mà còn ảnh hưởng rất lớn đến dân số, lợi ích của nước Mỹ điều mà trong giai đoạn từ 2014 đến 2016 (dưới thời Tổng thống Barack Obama) chưa từng có.
Joe Biden đang ở “cửa trên”
Theo ông Phạm Quang Vinh, trong các cuộc thăm dò dư luận được nhiều trung tâm nghiên cứu, truyền thông... ở Hoa Kỳ thực hiện tính đến trước tháng 5/2020, ứng cử viên Joe Biden luôn ở vị trí dẫn đầu so với ông Donald Trump chủ yếu do Joe Biden đã thể hiện mình có lập trường phòng dịch Covid-19 (cam kết sẽ thực hiện các lời khuyên của giới chức y tế để ngăn chặn lây lan virus Corona chủng mới), với tỷ lệ dẫn nếu tính theo mức trung bình là từ 7 đến 10 % trong thời điểm nước Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng như đã đề cập.
Nếu nhìn vào kết quả tham dò như luận này, theo cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, ông Joe Biden “trên cơ” đối thủ là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, việc ứng viên Joe Biden có thắng được ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới hay không thì chưa chắc.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho rằng, kết quả các cuộc thăm do dư luận cũng mới chỉ là một yếu tố. Hơn nữa, những cuộc thăm dò dư luận này mới chỉ tham khảo được ý kiến của những cử tri muốn nói còn phần cử tri không muốn nói hoặc chưa muốn nói thì không.
Như chúng ta đã biết, chiến thắng của một ứng cử viên trong các cuộc đua bầu cử Mỹ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như việc các ứng viên có thu được lá phiếu của các đại cử tri hay không, liệu họ có thuyết phục được cư dân ở các “bang chiến trường” quan trọng ủng hộ cho mình hay không.
Theo truyền thống, ở Mỹ, các cử tri da mầu, người nhập cư nói riêng và tầng lớp lao động có thu nhập thấp có thiên hướng ủng hộ các ứng viên của đảng Dân Chủ. Trong khi đó, tầng lớp giàu có, người Mỹ da trắng thường ủng hộ ứng viên của đảng Cộng Hòa.
Nếu chỉ nhìn vào kết quả thăm dò dư luận, theo ông Phạm Quang Vinh, chúng ta có thể thấy xuất hiện một xu thế là dư luận đang nghiêng về ông Biden còn ông Donald Trump đang mất đi các lợi thế của mình (quyết đoán về chính sách, hiệu quả điều hành nền kinh tế...).
Giai đoạn cạnh tranh gay gắt đang đến gần
Mặc dù vậy, trong chưa đầy 2 tháng tới đây, khi mốc 3/11 đang tới gần, có thể sẽ có những bất ngờ, đột biến hoặc cũng có thể là những sự cố lớn có thể xảy ra và khi ấy tình thế hoàn toàn xoay chiều, đặc biệt là khi các ứng cử viên của hai đảng đã đến lúc bắt buộc phải chuyển từ vận động từ xa, qua mạng sang các hình thức gặp gỡ, vận động trực tiếp để tìm kiếm sự ủng hộ từ cử tri.
Từ nay đến ngày 3/11, theo cựu Đại sứ Phạm Quanh Vinh, sẽ diễn ra 3 cuộc tranh luận trực tiếp quan trọng vào các ngày 29/9; 15/10 và 22/10. Đây dự kiến những cuộc cọ sát, đọ sức trực tiếp về chính sách, quan điểm và phẩm chất cá nhân giữa hai ông Joe Biden và Donald Trump.
Ngoài ra, từ đầu đến cuối tháng 10 tới là thời gian mà các bang ở Mỹ buộc phải đăng ký hình thức bầu cử trực tiếp hay qua đường bưu điện (do ảnh hưởng dịch Covid-19). Với hình thức bầu qua bưu điện, ông Trump nghi ngờ sẽ có gian lận phiếu bầu.
Ông Phạm Quang Vinh cũng cho rằng, các cuộc thăm dò dư luận kể từ tháng 5/2020 đến giai đoạn hiện nay, dù ông Joe Biden vẫn có xu thế dẫn trước nhưng với tỷ lệ dẫn cũng không cao và không ổn định như giai đoạn trước tháng 5/2020. Điều này cũng có thể là gợi mở cho thấy thái độ của cử tri vẫn chưa thực sự rõ ràng, ông Trump vẫn còn nhiều cơ hội chiếm lĩnh trận địa này.
Ứng viên Joe Biden thể hiện quan điểm chống lại vụ việc cảnh sát da trắng Derek Chauvin chẹn cổ, giết chết nghi phạm da màu George Floyd ở thành phố Minneapolis (sự kiện đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình, bạo loạn trên nhiều bang của nước Mỹ) và điều này được các cử tri da màu, nhập cư ngày càng ủng hộ.
Tuy nhiên, cũng liên quan đến vụ việc này, việc Tổng thống Donald Trump cương quyết yêu cầu chính quyền các bang phải mạnh tay, bắt giữ, thậm chí truy tố những kẻ cơ hội, lợi dụng biểu tình ôn hòa ủng hộ nạn nhân George Floyd, cũng được nhiều cử tri Mỹ ủng hộ.
Điều gì sẽ quyết định người thắng?
Theo cựu Đại sứ Việt Nam, tất cả những xu thế, gợi mở về kết quả bầu cử ở Mỹ trong tháng 11 tới không đủ để đưa ra dự đoán ai chắc chắn sẽ thắng cử bởi còn những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra trong hơn 50 ngày tới đây và điều này buộc chúng ta phải theo dõi, chờ đợi.
Tuy nhiên, có ba vấn đề quan trọng sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Thứ nhất, là ứng viên nào nắm được nhiều biếu bầu đại cử tri nhất. Thứ hai, ai thể hiện tốt hơn khi tranh luận trực tiếp. Thứ ba, ai sẽ làm tốt hơn trong các chiến dịch vận động cuối kỳ.
Cựu Đại sứ cho rằng, ứng viên Joe Biden sẽ tiếp tục nhấn mạnh vào yếu tố dịch bệnh, khoét sâu những yếu kém của ông Donald Trump về vấn đề này. Trong khi đó, Trump sẽ kêu gọi nước Mỹ hướng tới tương lai, thuyết phục người dân Mỹ rằng đại dịch sẽ sớm qua, sớm mở cửa nền kinh tế và nước Mỹ sẽ tiếp tục “vỹ đại trở lại”.
Khi nhận định về khả năng giành chiến thắng của các ứng cử viên, ông Vinh cho rằng nếu không có đại dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện, ông Donald Trump sẽ thắng vì có nhiều lợi thế “trên cơ” đối thủ Joe Biden bởi trước năm 2016, cử tri Mỹ muốn có một sự thay đổi và việc Trump thắng cử đã tạo ra rất nhiều thay đổi cho nước Mỹ, đặc biệt là về kinh tế, chính sách quan hệ với các nước lớn...
Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, điều này trở nên kho đoán hơn khi dịch Covid-19 đã tác động lên toàn bộ các lĩnh vực, đời sống của người dân Mỹ. Cử tri Mỹ lúc này thực sự muốn nước Mỹ trở lại bình thường. Có lẽ, đối với Hoa Kỳ, hơn 6 triệu người Mỹ bị nhiễm bệnh, hơn 200.000 người trong đó đã chết cũng không đau đơn và nghiêm trọng bằng tình cảnh mất việc, thất nghiệp tràn lan.
Trong bối cảnh này, ứng viên nào sớm đưa được nước Mỹ an toàn trở lại, mở cửa trở lại sẽ có cơ hội lớn hơn. Ở khía cạnh này cả Joe Biden và Donald Trump đều có cơ hội như nhau.
Trump sẽ có thêm ưu thế nếu trong vòng hơn 1 tháng tới nước Mỹ dưới quyền điều hành của ông có được vaccine đặc trị phòng dịch Covid-19 hoặc mở cửa lại một phần nước Mỹ cũng như vượt qua được đỉnh dịch virus Corona.
Về ứng viên Joe Binden, cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, nếu các cuộc thăm dò như luận kỹ hơn, sâu hơn trong gần 2 tháng tới vẫn tiếp tục nghiêng về người của đảng Dân Chủ thì ông Joe Biden vẫn có cơ hội thắng cử lớn hơn ông Trump.
Cuối cùng, khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên Báo Giao Thông về nhưng nghi ngờ liên quan đến khả năng can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử Mỹ, cụ thể là quan ngại từ giới chức tình báo Hoa Kỳ rằng Trung Quốc, Nga, Iran có thể tìm cách can thiệp vào bầu cử để ủng hộ ứng viên có lợi hoặc hoặc “triệt hạ” ứng viên gây bất lợi cho mình, cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh nói rằng đây là một vấn đề rất khó xác định.
Theo ông Phạm Quang Vinh, dư luận, truyền thông, tình báo, ngoại giao Mỹ từng cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 nhưng cho đến nay cũng không có bằng chứng nào xác thực việc Moscow tiến hành can thiệp bầu cử.