Bầu cử tổng thống Mỹ liên quan gì đến chúng ta?
Những ngày này có một hiện tượng rất rõ xuất hiện trong xã hội Việt Nam chúng ta, đó là sự quan tâm mà theo tôi là có nhiều biểu hiện được đẩy tới mức 'bội thực' về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chưa bao giờ người Việt Nam quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ nhiều và sát như lúc này...
Kính gửi Tòa soạn báo ANTG GT - CT!
Những ngày này có một hiện tượng rất rõ xuất hiện trong xã hội Việt Nam chúng ta, đó là sự quan tâm mà theo tôi là có nhiều biểu hiện được đẩy tới mức "bội thực" về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chưa bao giờ người Việt Nam quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ nhiều và sát như lúc này. Theo tôi quan sát, rất nhiều người canh tin cuộc bầu cử này từng giờ, từng phút và nắm rõ việc ở các bang chiến địa, cán cân nghiêng về phía ông Donald Trump hay ông Joe Biden.
Thưa tòa soạn, nếu quan sát hàng loạt những diễn đàn trên Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung hẳn chúng ta sẽ thấy có một đội ngũ đông đảo những người trẻ quan tâm đến câu chuyện ai là tổng thống mới của nước Mỹ? Có thể họ tin rằng ông Donald Trump thường xuyên có những phát biểu, những chính sách mạnh mẽ liên quan đến các vấn đề châu Á, Thái Bình Dương, và họ cho rằng nhờ thế Việt Nam được hưởng lợi ít nhiều. Mà cũng có thể đơn giản là họ thích phong cách một nhà chính trị showbiz của ông Donald Trump - một phong cách luôn tạo ra cảm xúc, và tôi hiểu là rất nhiều người Việt chúng ta luôn luôn thừa cảm xúc.
Ở đây, tôi tuyệt đối tôn trọng niềm tin và mối quan tâm của mỗi người - mỗi nhóm người trong xã hội. Tôi tuyệt đối không có ý đánh giá, mỉa mai, chê trách về những mối quan tâm của người khác, không giống với mối quan tâm của mình. Tuy nhiên tôi muốn đặt ra một thắc mắc, hy vọng được tòa soạn trả lời thấu đáo, đó là rốt cuộc bầu cử Mỹ có liên quan gì đến người Việt Nam chúng ta? Nếu có, nó diễn ra ở mức độ nào? Và nếu như vậy, sự quan tâm đến mức "bội thực" của chúng ta có đúng mức độ nên và cần có hay không?
Xin nói lại, đây chỉ là một thắc mắc của cá nhân tôi, tuyệt nhiên không đại diện cho ai, và tuyệt nhiên không có ý chỉ trích, mỉa mai ai. Rất mãn nguyện nếu được tòa soạn lắng nghe và giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Quang Sơn (Hà Nội)
Kính gửi độc giả Nguyễn Quang Sơn!
Hiện tượng độc giả đề cập quả nhiên rất chính xác. Đúng là có rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là nhiều bạn trẻ quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Vấn đề độc giả đặt ra là "rốt cuộc, bầu cử Mỹ có liên quan gì đến người Việt Nam chúng ta?" là một vấn đề hay, thú vị, và với sự hiểu biết của mình, chúng tôi xin được đưa ra vài lý giải như sau.
Thứ nhất, bầu cử Mỹ sẽ chọn ra tổng thống Mỹ - người đứng đầu nhánh hành pháp của Mỹ trong ít nhất 4 năm tới. Có thể, chiến lược chung của nước Mỹ về các vấn đề đối ngoại không thay đổi trong một sớm một chiều nhưng mỗi tổng thống có thể sẽ áp dụng những chiến thuật khác nhau, trong quá trình thực hiện chiến lược đó. Thành thử, không chỉ nước Mỹ, mà rất nhiều nước trên thế giới, nếu không muốn nói là phần còn lại của thế giới đều cần/phải quan tâm đến cuộc bầu cử này. Ví dụ với người dân châu Á, sự quan tâm nằm ở khía cạnh: vị tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới sẽ triển khai chiến thuật, chính sách nào của Mỹ ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương? Và dù muốn hay không muốn thì từng kiểu chiến thuật khác nhau cũng sẽ tác động khác nhau đến quốc gia mình. Nhìn nhận như vậy sẽ thấy người Việt Nam chúng ta quan tâm đến cuộc bầu cử này là hoàn toàn chính đáng.
Thứ hai, chúng ta quan tâm đến cuộc bầu cử ở một trong những đất nước lớn mạnh nhất và có tầm tác động lớn nhất tới đời sống chính trị quốc tế cũng thể hiện một điều: chúng ta không vô cảm. Trong đời sống này, quan tâm tới những điều liên quan mật thiết tới mình là đương nhiên, bắt buộc. Nhưng nếu chỉ quan tâm đến những điều liên quan mật thiết với mình, mà bỏ qua những vấn đề lớn của thế giới, không sớm thì muộn chúng ta sẽ trở thành những kẻ lạc loài trong thế giới.
Sự quan tâm này sẽ giúp chúng ta nhận ra những vận động bản chất trong lòng thế giới, những xu thế phát triển của thế giới, từ đó nhìn ra những bài học để áp dụng cho mình. Xin lấy một ví dụ: Tổng thống Donald Trump là một trong những tổng thống Mỹ gây tranh cãi nhất đối với chính người dân Mỹ. Một số chính sách của ông, ví dụ như việc đối diện, ứng phó với sự bùng nổ của COVID-19 cũng gây ra những tranh cãi gay gắt trong lòng nước Mỹ.
Rốt cuộc, COVID-19 đáng sợ không? Ông Donald Trump bảo "không", còn đối thủ của ông - Joe Biden bảo "Có". Vậy thì phải quan tâm đến cuộc bầu cử này, phải chờ đợi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử này mới có thể hiểu được sau 4 năm dưới thời Tổng thống Trump, người Mỹ đang thực sự nghĩ gì, và rồi sẽ chọn lựa xu hướng nào để đi theo. Đã có nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng, ông Joe Biden thắng cử thì xu hướng chính trị cổ điển với sự đảm bảo của những giá trị cốt lõi sẽ trở lại. Bằng không, một xu hướng chính trị thực dụng, phá cách sẽ tiếp tục được triển khai. Chúng ta không thể bàng quan trước việc chọn lựa các xu thế của người Mỹ, và cũng không thể nói rằng việc chọn lựa đó chỉ ảnh hưởng tới bản thân nước Mỹ, mà không tạo ra hội chứng lây lan, hoặc chí ít là những tác động trong việc chọn lựa ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Vấn đề đáng bàn tiếp theo là tính chất, mức độ của sự quan tâm. Chúng tôi hiểu ý độc giả khi nói đến sự quan tâm mà độc giả cho là "bội thực" của một bộ phận bạn trẻ nào đó. Rằng có thể bộ phận người trẻ này quan tâm đơn giản chỉ vì thích "phong cách chính trị showbiz" của ông Donald Trump cùng những hiệu ứng cảm xúc mà ông tạo ra, chứ không phải vì những ảnh hưởng lý tính của cuộc bầu cử cho phần còn lại của thế giới.
Đây thực sự là một vấn đề không dễ trả lời, vì bản thân điều này cũng chỉ đến từ những cảm nhận của chúng ta, chứ không phải là kết quả của một cuộc khảo sát xã hội học. Chúng ta không thể dựa vào chất lượng cảm xúc của mình để nói rằng quan tâm ở cấp độ này là vừa phải, đúng mức, quan tâm ở cấp độ kia là quá đà. Tất cả những đại lượng liên quan tới sự quan tâm của một xã hội, bất luận là quan tâm lý tính hay quan tâm cảm xúc đều cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách hết sức thận trọng. Điều đáng bàn có chăng nằm ở chỗ, trong quỹ đạo của sự quan tâm, chúng ta đã ứng xử, giao tiếp với nhau như thế nào?
Theo dõi mạng xã hội, chắc độc giả cũng thấy hiện tượng có một bộ phận người nào đó do đặt quá nhiều cảm xúc vào Tổng thống Donald Trump nên không ngần ngại chỉ trích, công kích những người không đồng quan điểm với mình. Chỉ trích cá nhân là chưa đủ, họ còn thực hiện những màn chỉ trích tập thể, khi đối diện với ngôn ngữ của một số cuộc chỉ trích như vậy, thực sự chúng tôi thấy nó đã chuyển sang trạng thái xúc phạm, thóa mạ cá nhân.
Đấy không và không bao giờ là biểu hiện của một lối ứng xử văn minh. Nếu chúng ta nói rằng việc quan tâm đến cuộc bầu cử của một trong những đất nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới hiện nay là một biểu hiện văn minh, cho thấy chúng ta không lạc thời thì cách thức mà chúng ta quan tâm đến nó, cách thức mà chúng ta ứng xử với những người cùng quan tâm đến nó (nhưng có quan điểm trái ngược mình) sẽ kiểm chứng độ văn minh của chúng ta.
Thưa độc giả, quả nhiên có một số vấn đề xung quanh hiện tượng nhiều người Việt Nam quan tâm sát sao đến cuộc bầu cử Mỹ. Chỉ riêng việc độc giả phải đặt câu hỏi về chủ đề này cho chúng tôi đủ thấy hiện tượng này trên thực tế đã và đang diễn ra nóng bỏng như thế nào. Hy vọng những trả lời của chúng tôi cũng thỏa mãn ít nhiều thắc mắc của độc giả. Xin chân thành cảm ơn độc giả đã gửi gắm niềm tin.