Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 (kỳ 1): Phức tạp và gay cấn

Những phức tạp của quy định bầu cử, tình hình hiện nay cùng nhân tố bất ngờ khiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 trở nên khó lường hơn bao giờ hết.

Quy trình bỏ phiếu phức tạp

Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay là 3/11, do đây là ngày thứ Ba đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Trừ những trường hợp đã bỏ phiếu trước, vào ngày này các cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu cử, song thực chất là họ chỉ quyết định việc đại cử tri nào được lựa chọn. Theo quy định của Mỹ, 538 đại cử tri Mỹ (tương ứng với số Thượng nghị sỹ, Hạ nghị sỹ liên bang và 3 đại diện cho thủ đô Washington D.C. của Mỹ) mới là những người bỏ phiếu trực tiếp để bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang bước vào những ngày cuối cùng. (Nguồn: New York Times)

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang bước vào những ngày cuối cùng. (Nguồn: New York Times)

Việc lựa chọn các đại cử tri này cũng khá phức tạp và trừ một số ngoại lệ như tại Maine và Nebraska, các đại cử tri sẽ được lựa chọn trên cơ sở có được nhiều phiếu phổ thông hơn (hay còn gọi là quy tắc “người chiến thắng giành hết phiếu”: Nếu số phiếu phổ thông ủng hộ nhiều hơn cho phía Đảng Dân chủ thì Đảng Dân chủ sẽ được toàn bộ số phiếu đại cử tri của Bang đó; tương tự nếu như cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa).

Trong lịch sử mà gần đây nhất là vào kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, người giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc đua vào vị trí quyền lực nhất nước Mỹ đã chiến thắng nhờ số phiếu đại cử tri, dù thua về số phiếu phổ thông.

Một trong những nguyên nhân khiến Mỹ vẫn duy trì cơ chế đại cử tri là lập luận cho rằng hệ thống này đòi hỏi các ứng cử viên Tổng thống phải đi đến mọi bang để tranh cử nếu muốn giành chiến thắng ở bang đó (với hàm ý sẽ phải đáp ứng tốt nhất các quan tâm khác nhau của từng bang).

Kiểm phiếu và những tranh cãi

Từ 3-8/11 là giai đoạn giải quyết các sai sót trong kiểm phiếu và các tranh cãi. Như các kỳ bầu cử trước đã cho thấy, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể biết chắc về kết quả cuối cùng của bầu cử Tổng thống Mỹ vào đêm của ngày bầu cử chính thức. Các bang đều phải kiểm chứng lại kết quả bỏ phiếu và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Theo quy định của Mỹ, các bang phải chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh trong bầu cử phổ thông và quyết định của các bang sẽ mang tính quyết định đối với việc chọn ra các đại cử tri theo quy định của Hiến pháp Mỹ.

Trong năm 2020, dưới bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, việc tập hợp và kiểm chứng các phiếu bầu phổ thông có thể sẽ gặp khó khăn và tạo ra sai lệch về mặt kỹ thuật (nhất là liên quan tới số phiếu bầu gửi từ nước ngoài về cũng như tại các vùng miền đang phải xử lý nhiều vấn đề liên quan dịch bệnh…).

Đây là điểm đáng chú ý bên cạnh tác động trực tiếp của bệnh dịch tới đánh giá của các cử tri Mỹ về khả năng ứng phó với Covid-19 của chính quyền ông Trump và kỳ vọng vào sự thay đổi từ những cử tri ủng hộ đảng Dân chủ.

Người dân New York xếp hàng bỏ phiếu sớm ngày 24/10. (Nguồn: New York Times)

Người dân New York xếp hàng bỏ phiếu sớm ngày 24/10. (Nguồn: New York Times)

Trên cơ sở kết quả bỏ phiếu phổ thông, sau khi được xác định, các đại cử tri Mỹ sẽ bỏ lá phiếu bầu trực tiếp ra Tổng thống Mỹ vào ngày 14/12. Theo quy định, các đại cử tri sẽ gặp nhau tại bang của họ để bỏ lá phiếu trực tiếp bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ vào ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư thứ hai vào tháng 12 của năm bầu cử.

Về cơ bản, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên Tổng thống mà các đại cử tri đã cam kết ủng hộ. Tuy nhiên về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra các trường hợp: Bỏ đúng theo cam kết, bỏ phiếu sai so với cam kết, tùy ý bỏ cho các ứng cử viên mình thích khi đã trở thành các đại cử tri.

Có 18 bang ở Mỹ không yêu cầu các đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống mình đã cam kết; 16 bang khác và thủ đô Washington D.C. yêu cầu các đại cử tri phải bỏ phiếu đúng cho các ứng cử viên họ cam kết ủng hộ, song không có các chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Phần còn lại có quy định cụ thể về về xử phạt với các đại cử tri đã bỏ phiếu không đúng với cam kết. Tất cả cho thấy thêm về sự phức tạp và khó lường của bầu cử Mỹ, dù về cơ bản các đại cử tri bỏ phiếu theo đúng cam kết.

Trong năm 2020, dưới bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, việc tập hợp và kiểm chứng các phiếu bầu phổ thông có thể sẽ gặp khó khăn và tạo ra sai lệch về mặt kỹ thuật.

Ngày 6/1/2020, Quốc hội Mỹ đếm số phiếu của các đại cử tri. Trong ngày này, Thượng viện và Hạ viện liên bang của Mỹ sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt dưới sự chủ trì của Chủ tịch Thượng viện (kiêm Phó Tổng thống Mỹ) để kiểm phiếu do các 538 đại cử tri đã bỏ phiếu để bầu trực tiếp Tổng thống và Phó Tổng thống cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Các ứng cử viên giành được trên 50% (270 phiếu) sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong lịch sử đã từng xảy ra tranh cãi ở giai đoạn này khi Tòa án tối cao Florida quyết định rằng nhiều khu vực bầu cử của bang cần có thêm thời gian sau thời hạn luật định để hoàn tất việc kiểm phiếu lại và yêu cầu Chánh văn phòng bang không xác nhận kết quả bầu cử cho đến khi hết thời hạn mới do Tòa đặt ra.

Trong trường hợp đó, vốn diễn ra trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, khi Quốc hội Mỹ kiểm phiếu, ông Al Gore đã được 267 phiếu đại cử tri, nhiều hơn ứng cử viên George W. Bush với 246 phiếu đại cử tri và có thể đã trở thành Tổng thống Mỹ.

Việc phân định thẩm quyền của các cơ quan cấp bang trong vấn đề này cũng là một chủ đề gây tranh cãi khi có vụ việc xảy ra. Trong lịch sử, đã từng xảy ra trường hợp không có ứng cử viên Tổng thống nào đạt đủ số phiếu đa số theo quy định và Quốc hội Mỹ đã phải đứng ra quyết định việc lựa chọn Tổng thống và Phó Tổng thống. Tuy nhiên, việc này về sau ngày càng ít khả năng xảy ra, nhất là trong lịch sử hiện đại nền chính trị Mỹ.

Ông Al Gore đã chạm một tay vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ, song lại bất ngờ thất bại ở khoảnh khắc cuối cùng. (Nguồn: CNN)

Ông Al Gore đã chạm một tay vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ, song lại bất ngờ thất bại ở khoảnh khắc cuối cùng. (Nguồn: CNN)

Cuộc đua chưa ngã ngũ

Tổng thống Mỹ mới sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2021. Cho đến nay, ai sẽ trúng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới vẫn là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi và đồn đoán. Nhiều thăm dò gần đây cho thấy ứng cử viên Joe Biden của Đảng Dân chủ luôn vượt trước đương kim Tổng thống Donald Trump (6 ngày trước bầu cử 3/11, thăm dò của BBC cho thấy tỷ lệ ủng hộ Biden là 51%, Trump là 43%).

Tuy nhiên trên thực tế bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, người giành chiến thắng chung cuộc là ông Donald Trump cũng không giành được nhiều sự ủng hộ của các cuộc thăm dò dư luận trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Năm nay, các cử tri Mỹ tiếp tục bị chia rẽ bởi nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại (trong đó có những vấn đề dài hạn như kinh tế, nhập cư, y tế…; trước mắt như ứng phó với đại dịch Covid-19). Thực tế cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm nay khá cao tuổi cũng phần nào biểu hiện những phức tạp trong nền chính trị Mỹ.

Việc Tổng thống đương nhiệm bị ứng cử viên Biden dẫn trước trong thăm dò dư luận tại Texas, vốn được coi là thành trì bền vững của Đảng Cộng hòa, cũng cho thấy thêm tính phức tạp, khó lường của bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.

(còn tiếp)

TS. Lại Thái Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-tong-thong-my-nam-2020-ky-1-phuc-tap-va-gay-can-127611.html