Bầu cử Tổng thống Mỹ và những tác động xuyên lục địa
Nếu trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, nỗ lực của ông Joe Biden nhằm khôi phục lại vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ cần nhiều thời gian và vốn chính trị.
Theo nhận định đăng trên Financial Times, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã hứa sẽ chấm dứt cách tiếp cận theo chủ nghĩa biệt lập và có tính phá vỡ các mối quan hệ toàn cầu của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, nếu trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, nỗ lực của ông Biden nhằm khôi phục lại vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ cần thời gian và vốn chính trị vào thời điểm mà vai trò toàn cầu của siêu cường này đang bị nghi ngờ ở cả trong và ngoài nước.
Mặc dù các nhà ngoại giao có thể sẽ không nghe thấy cụm từ “Nước Mỹ trước tiên”, nhưng ông Biden sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc chống lại Trung Quốc, tái tham gia thỏa thuận hạt nhân với Iran, thiết lập lại quan hệ với châu Âu và giải quyết tác động của Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đối với mối quan hệ với Vương quốc Anh.
Châu Âu
Ông Biden dường như mong muốn xây dựng lại các liên minh với châu Âu, thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Ông cũng sẽ là người ủng hộ mạnh mẽ liên minh quân sự - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông phản đối Brexit nhưng chấp nhận đó là việc đã rồi. Tuy nhiên, ông sẽ thấy dễ dàng hơn khi làm việc với Anh nếu nước này có thể tránh được một cuộc ly hôn không thỏa thuận với châu Âu, tôn trọng thỏa thuận biên giới ở Ireland. Ông Biden cũng đã hứa sẽ cứng rắn hơn với Nga, thể hiện qua sự ủng hộ của ông đối với một NATO mạnh mẽ hơn.
Mặc dù nhiều quan chức châu Âu đã chấp nhận thực tế trong 4 năm qua, Tổng thống Donald Trump là "sứ giả" cho sự thay đổi cấu trúc - bao gồm việc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng của các đồng minh NATO và việc rút quân đội Mỹ khỏi Đức, nhưng họ vẫn thấy sức mạnh quân sự Mỹ, yếu tố nền tảng cho NATO, là cần thiết đối với an ninh của châu Âu.
Giờ đây, châu Âu mong muốn Washington tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực từ Belarus đến Đông Địa Trung Hải. Cũng có kỳ vọng hệ thống liên minh thời hậu chiến sẽ trở lại trung tâm của các mối quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới, bắt đầu với nỗ lực dẫn dắt một phản ứng toàn cầu đối phó với đại dịch COVID-19. Dù vậy, va chạm có thể đến trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Brexit và thương mại.
Trung Đông
Trong các phát biểu trước đây, ông Biden hứa sẽ đưa nước Mỹ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân với Iran nếu Tehran quay trở lại tuân thủ hiệp định đa phương được đưa ra để kiềm chế tham vọng nguyên tử của Iran này.
Ông cũng cam kết sẽ thiết lập lại quan hệ với Saudi Arabia. Nhưng giống như ông Trump, ông Biden mong muốn chấm dứt các cuộc chiến kéo dài của nước Mỹ và lên kế hoạch cho sự thay đổi trong tính trung kiên của Mỹ ở Trung Đông.
Trong khi đó, Saudi Arabia lo ngại ông Biden có thể tạm dừng các vụ mua bán vũ khí và có sự lạnh nhạt trong mối quan hệ với nước này. Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) mong muốn Mỹ có đường lối cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, và nếu ông Biden đồng ý tham gia thỏa thuận với Iran, UAE cũng muốn có một chỗ ngồi trên bàn đàm phán với các cường quốc khu vực trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về Iran.
Trung Quốc
Nếu ông Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này, Chính quyền của ông sẽ kế thừa một cơ sở chính sách đối ngoại mà quan ngại đối với Bắc Kinh lớn hơn nhiều so với thời Obama. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông Biden sẽ sử dụng sự kết hợp giữa hợp tác, cạnh tranh và đối đầu nào để can dự với đối thủ đang ngày càng mạnh lên này.
Mặc dù ông Biden có thể sẽ từ chối chấp thuận một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, cuộc chiến có thể khiến vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ bị đe dọa, nhưng ông sẽ tìm cách chống lại các công ước quản lý về công nghệ và đầu tư.
Ông Biden sẽ tìm cách tăng cường phối hợp với các đối tác châu Âu trong việc sàng lọc đầu tư, chia sẻ thông tin tình báo và các công nghệ mới nổi trong nỗ lực “để có chung quan điểm với các đồng minh về Trung Quốc”, một quan chức của ông Biden cho biết. Ông Biden cũng sẽ cố gắng củng cố các quan hệ đối tác khu vực với các đồng minh, chẳng hạn như Hàn Quốc.
Thương mại toàn cầu
Ông Biden có một số khuynh hướng bảo hộ giống như ông Trump. Ông đề xuất rằng các cơ quan liên bang chỉ mua sắm các dịch vụ và hàng hóa của Mỹ, đồng thời đưa ra loại thuế để phạt các công ty Mỹ chuyển việc làm và sản xuất ra nước ngoài.
Giống như ông Trump, ông Biden đã lập luận rằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cần phải được cải cách và có khả năng đối phó tốt hơn với các nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc.
Tuy nhiên, mặc dù ông Biden đã gửi đi tín hiệu rằng sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc trên mặt trận thương mại, nhưng có khả năng ông sẽ không sao chép chính sách đối đầu về thuế quan được thúc đẩy bởi Chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ông sẽ xóa bỏ hoặc hạ thấp thuế quan hay áp dụng thêm các thuế quan ở mức độ nào thì vẫn chưa rõ.
Cùng với chính sách đối ngoại chung của mình, ông Biden muốn giảm căng thẳng thương mại với châu Âu. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc giải quyết một số bất đồng lớn, bao gồm tranh cãi kéo dài hàng thập niên về trợ cấp cho ngành hàng không và cuộc tranh luận về cách đánh thuế công bằng đối với các công ty công nghệ lớn.
Hy vọng trước mắt là Chính quyền của ông Biden sẽ tham gia vào sự đồng thuận của các quốc gia thành viên WTO khác trong việc ủng hộ bà Ngozi Okonjo-Iweala - cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria làm Tổng Giám đốc mới của WTO. Chính quyền hiện tại đang ngăn cản việc bổ nhiệm nhà lãnh đạo mới này.
Châu Âu và Anh cũng đang mong muốn có tiến triển trong các cuộc đàm phán về trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay và việc Mỹ chấm dứt đánh thuế đối với các hàng hóa của châu Âu bao gồm pho mát, rượu vang và ô liu. Những quốc gia này cũng nhắm tới việc giải quyết bất đồng với Washington về thuế kỹ thuật số, và sẽ nỗ lực làm việc nhằm dỡ bỏ thuế quan đối với thép và nhôm của châu Âu.
Vương quốc Anh, nước sẽ rời khỏi thị trường chung EU vào tháng 1/2021, sẽ cố gắng hoàn tất một thỏa thuận thương mại với Mỹ, nhưng chiến dịch tranh cử của ông Biden cho thấy điều này không nằm trong các ưu tiên hàng đầu của ông.
Những căng thẳng thương mại với Bắc Kinh cũng có khả năng sẽ tiếp tục. Các chuyên gia kỳ vọng các cuộc chiến thương mại sẽ tiếp diễn nhưng các cuộc chiến này sẽ diễn ra trong hậu trường chứ không phải là trên Twitter.
Chính sách khí hậu
Ông Biden đã cam kết tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà Mỹ đã rút khỏi từ ngày 4/11/2020. Ông có kế hoạch tích hợp các mục tiêu về biến đổi khí hậu vào mọi khía cạnh trong chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia và thương mại của Mỹ. Ông đã đặt mục tiêu Mỹ có khí phát thải thực bằng không vào năm 2050 và tuyên bố sẽ hoàn toàn dựa vào, kể cả xuất khẩu, năng lượng sạch.
Ông cũng cho biết sẽ dẫn dắt một nỗ lực toàn cầu để đảm bảo mọi quốc gia thải ra nhiều khí carbon để nâng cao tham vọng đối với các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu ở trong nước, với các mục tiêu minh bạch và có thể thực thi - đặc biệt là Trung Quốc.
Trong khi đó, các nước EU cần Mỹ quay trở lại liên minh quốc tế để chống biến đổi khí hậu. Trung Quốc và Nhật Bản gần đây đều đặt ra các mục tiêu tích cực mới là trở thành nền kinh tế không phát thải khí carbon vào năm 2060 và với Tokyo là năm 2050.
Điều đó gây áp lực đối với ông trong việc cải thiện các mục tiêu của Mỹ và tìm thấy một điểm sáng trong quan hệ Mỹ-Trung ngay cả khi ông Biden tìm cách giành lại vị trí lãnh đạo trong ngoại giao toàn cầu về khí hậu./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bau-cu-tong-thong-my-va-nhung-tac-dong-xuyen-luc-dia/178017.html