Bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gay cấn đến phút chót
Chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử được đánh giá là 'mang tính bước ngoặt' ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Muharrem Ince - ứng viên Tổng thống từng 2 lần tranh cử đã quyết định rút lui.
Nguyên nhân của quyết định này liên quan đến một clip “nhạy cảm” lan truyền trên Internet, trong đó hình ảnh một người giống ông Muharrem Ince đang có quan hệ thân mật với một phụ nữ không rõ danh tính. Đoạn phim nhanh chóng được chỉ ra là giả. Ông Muharrem Ince - đại diện đảng Homeland khẳng định, đó là một trò giả mạo, sản phẩm của công nghệ “deepfake” sử dụng cảnh quay lấy từ một trang web khiêu dâm của Israel. “Nếu tôi có những hình ảnh như vậy thì chắc chắn chúng đã được ghi một cách bí mật trong quá khứ. Nhưng tôi không có hình ảnh nào, không có bản ghi âm nào. Đó là điều vu khống. Thổ Nhĩ Kỳ không thể bảo vệ danh tiếng của tôi, danh tiếng của một ứng viên Tổng thống rất quan trọng” - ông İnce cho biết.
Các cuộc thăm dò cho thấy, cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ có sự cạnh tranh khốc liệt. Mỗi ứng viên cần phải giành được hơn 51% phiếu bầu trong vòng đầu tiên để giành chiến thắng hoàn toàn, hoặc phải đối mặt với tranh cử vòng 2 diễn ra 2 tuần sau đó. Theo khảo sát, ứng cử viên Ince có tỷ lệ ủng hộ 10% tổng số phiếu bầu. Với việc ông rút lui, cuộc đua vào vị trí Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hiện còn 3 ứng viên gồm lãnh đạo đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan của đảng AKP, ông Kemal Kilicdaroglu của đảng CHP và ông Sinan Ogan của đảng Victory. Trong khi Tổng thống Erdogan nói “không thể hiểu được lý do” đối thủ làm vậy thì phe đối lập nói chung hoan nghênh quyết định của ông Ince và kỳ vọng người ủng hộ ông sẽ bỏ phiếu cho lãnh đạo CHP.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt vào ngày 14-5, sau 20 năm được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lãnh đạo. Một mối quan tâm lớn khi 64 triệu cử tri bầu chọn nhà lãnh đạo mới là công tác khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2-2023 cướp đi sinh mạng của hơn 50.000 người và khiến hàng triệu người mất nhà cửa. Thiệt hại kinh tế của thảm họa này ước tính lên đến 100 tỷ USD. Nhưng trên hết, vấn đề có lẽ cử tri Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm nhất chính là lạm phát. Giá các mặt hàng tiêu dùng cũng như giá nhà ở đã tăng vọt với tỷ lệ lạm phát lên tới 85% trong tháng 10-2022. Con số này sau đó đã được kiểm soát tốt hơn, nhưng vẫn ở mức trên 40% và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã nổi lên như một rào cản chính đối với nỗ lực tái tranh cử của ông Erdogan.
Cùng với đó, số phận của khoảng 4 triệu người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ (hầu hết là người chạy qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria) là một vấn đề nhức nhối được cử tri đặc biệt quan tâm. Áp lực của công chúng đang gia tăng yêu cầu trả những người này về nơi họ xuất phát. Chưa kể, các đảng đối lập đang cam kết loại bỏ mô hình Tổng thống điều hành do ông Erdogan đưa ra vào năm 2018. Mô hình này bị các nhà phê bình cho là mất cân bằng do tập trung quyền lực trong tay Tổng thống. Nếu ông Erdogan thất cử và ứng viên của phe đối lập đắc cử thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bước vào một kỷ nguyên chính trị mới. Thời kỳ cầm quyền của ông Erdogan chấm dứt đồng nghĩa với xu hướng tôn giáo chi phối quyền lực nhà nước sẽ chấm dứt. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dần trở lại nguyên tắc được xác định khi lập quốc là tách biệt quyền lực nhà nước với đạo Hồi.
Với vị trí địa chính trị quan trọng, là điểm giao thoa giữa châu Á, châu Âu và Trung Đông, cuộc tổng tuyển cử Thổ Nhĩ Kỳ được cho là một trong những sự kiện được chú ý nhất trong năm 2023 đối với quốc tế. Kết quả bỏ phiếu không chỉ quyết định chính sách đối nội và đối ngoại của nước này, mà có thể còn ảnh hưởng đến an ninh khu vực châu Âu và Trung Đông.
Theo Guardian/AP