Bầu cử Tổng thống Venezuela: Liệu có cơ hội cho phe đối lập?
Ngày 28/7, cử tri Venezuela đi bỏ phiếu để bầu tổng thống cho nhiệm kỳ 2025-2031. Theo các đánh giá, cuộc bầu cử năm nay là cuộc đối đầu giữa đương kim Tổng thống Nicolas Maduro, đại diện cho đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền, và nhà ngoại giao Edmundo González Urrutia đại diện cho Hội nghị bàn tròn thống nhất dân chủ (MUD), một liên minh tập hợp những người theo chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội Thiên chúa giáo, chủ nghĩa xã hội và bảo thủ.
Cuộc đua vào “ghế nóng” tại Venezuela chứng kiến màn so tài của 10 ứng cử viên tham gia. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đây thực chất sẽ là cuộc đối đầu giữa đương kim Tổng thống Maduro và ứng viên đại diện cho đảng MUD đối lập, ông Edmundo Gonzalez. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của Trung tâm Đo lường và Dữ liệu thống kê Venezuela cho thấy, 56,8% những người được khảo sát nói sẽ bầu cho ông Maduro; trong khi đó, 76% người được hỏi tin rằng ông Maduro sẽ tái đắc cử tổng thống, 13% cho rằng phe đối lập sẽ chiến thắng.
Ở một cuộc thăm dò khác do công ty độc lập ORC Consultores (liên kết với phe đối lập Venezuela), cơ hội chiến thắng cho ứng viên đối lập Edmundo Gonzalez là rất cao, lên tới 59,6% phiếu bầu, trong khi đương kim Tổng thống Maduro chỉ nhận được khoảng 12,5%, còn các ứng viên còn lại dự kiến sẽ nhận được không quá 10%.
Venezuela tiến hành bầu cử tổng thống trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt đối với Venezuela tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng đối với cuộc sống của người dân nước này, như thiếu thuốc men, thiếu lương thực, lạm phát leo thang,... Theo báo cáo của tổ chức khu vực Liên minh Boliva cho châu Mỹ-Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP) đưa ra vào ngày 5/5, ước tính thiệt hại kinh tế mà Venezuela phải gánh chịu do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt kể từ năm 2015 là khoảng 800 tỷ USD.
Tuy nhiên, dưới thời của Tổng thống Venezuela, nền kinh tế nước này có dấu hiệu tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài chìm trong suy thoái, và đây có thể là một trong những điểm tựa quan trọng cho ông Maduro trong cuộc bầu cử lần này. Theo dữ liệu chính thức, Venezuela đã ghi nhận mức tăng trưởng hơn 7% trong quý đầu tiên của năm nay. Tổng thống Maduro dự đoán nền kinh tế và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Caribe này sẽ tăng trưởng hơn 8% trong năm nay. Tốc độ lạm phát của Venezuela đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua. Lạm phát trong tháng 5/2024 là 1,5% và lũy kế 5 tháng đầu năm nay là 7,8%.
Giới phân tích chính trị cho rằng, ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới là thực hiện các chính sách hòa hợp dân tộc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và thực hiện các chương trình bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Theo tờ RBC, Giám đốc Viện Châu Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Dmitry Rosenthal, cho rằng bất kể kết quả của cuộc bầu cử như thế nào, các cuộc biểu tình có thể bắt đầu sau đó, dẫn đến tình hình chính trị nội bộ mất ổn định, do mất lòng tin mạnh mẽ và thái độ thù địch của chính quyền Tổng thống Maduro và phe đối lập. “Trong những điều kiện này, kết quả cuộc bầu cử sắp tới có thể gây ra những chia rẽ nghiêm trọng trong chính trị nội bộ Venezuela. Ngày nay, các cuộc thăm dò ý kiến dư luận có vẻ như đang nghiêng về phía ứng cử viên đối lập, và chiến thắng của đương kim Tổng thống Maduro, dù là trung thực nhất, sẽ dẫn đến sự phản ứng gay gắt của phe đối lập. Về mặt lý thuyết, phe đối lập sẽ không công nhận kết quả bầu cử và kêu gọi người dân xuống đường biểu tình”, theo chuyên gia RBC giải thích.
Trong khi đó, quân đội, lực lượng chủ chốt của đất nước, có thể không đồng tình với chiến thắng của phe đối lập. Chuyên gia Dmitry Rosenthal lưu ý rằng, việc tái cơ cấu hệ thống chính trị của Venezuela cũng có thể dẫn đến mất ổn định: nếu phe đối lập giành chiến thắng, cơ cấu quyền lực vận hành dưới thời Hugo Chavez và Tổng thống Maduro “sẽ không còn tồn tại chỉ sau một đêm”.
Theo chuyên gia Dmitry Rosenthal, quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Venezuela nhiều khả năng sẽ đảo chiều trong trường hợp ứng viên đối lập Edmundo Gonzalez giành chiến thắng. “Trong tình hình hiện tại của Venezuela, phe đối lập không có lý do gì để cắt đứt quan hệ với một chủ thể chính trị thế giới quan trọng như Nga. Nhưng về lâu dài, một sự điều chỉnh có thể xảy ra”. “Chủ nghĩa thực dụng cũng sẽ quyết định thái độ của phe đối lập đối với Mỹ: Sự hỗ trợ kinh tế của Washington và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ có tầm quan trọng lớn đối với chính quyền mới và nền kinh tế Venezuela”, chuyên gia Dmitry Rosenthal nói.
Có cùng quan điểm trên, theo trang tin Ria Novosti, kết quả cuộc bầu cử sẽ quyết định sự tham gia của Venezuela vào việc xây dựng một thế giới đa cực, đặc biệt là kế hoạch gia nhập BRICS của nước này. Theo Hernán Zamora, Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ Latinh và Caribbean của Venezuela nhận định, nếu ứng viên Edmundo Gonzalez giành chiến thắng, chính sách đối ngoại của Venezuela sẽ bị đảo ngược hoàn toàn, bởi ông Gonzalez có chủ trương thân phương Tây.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Quan hệ Quốc tế và Địa chính trị của Đại học Bolivar Venezuela (UBV), Ernesto Wong, cũng đưa ra quan điểm tương tự, khi cho rằng chính quyền phe đối lập sẽ “tìm cách đẩy Caracas xích lại gần với Mỹ và phương Tây”. Theo chuyên gia Ernesto Wong, kết quả của cuộc bầu cử rất có thể sẽ là chiến thắng thuộc về đảng cầm quyền, vì đương kim Tổng thống Maduro “nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Venezuela nhờ nhiều năm lãnh đạo đất nước và đạt được những thành tựu đáng kể bất chấp lệnh phong tỏa khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây”.