Bầu cử TT Hàn Quốc: Phe cứng rắn, hay đối thoại Triều Tiên sẽ thắng?
Ngày 9/5, cử tri Hàn Quốc bước vào cuộc bầu cử Tổng thống, đây như một dấu mốc kết thúc 8 tháng khủng hoảng chính trị vừa qua của đất nước này.
Áp lực Triều Tiên hay vấn đề nội tại quyết định cử tri bỏ phiếu cho ai?
Korea Herald dẫn thông tin từ Hội đồng Bầu cử quốc gia Hàn Quốc (NEC) cho biết, cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống nước này đã bắt đầu vào lúc 6h sáng (giờ Hàn Quốc) 9/5 tại 13.964 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Dự kiến, cuộc bầu cử sẽ kết thúc vào 8h tối nay.
Tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay lập tức sau khi NEC thông báo chiến thắng chính thức của một ứng cử viên trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 10/5.
Bình luận về mối quan hệ liên Triều trong giai đoạn hiện nay, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên cho hay: “Mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền Bắc – Nam ngày nay bắt nguồn từ các nhóm bảo thủ nắm quyền (tại Hàn Quốc) trong suốt 10 năm qua. Các nhóm này đã khiến tình trạng đối đầu căng thẳng giữa hai nước ngày càng trầm trọng. Cũng chính nhóm này đã thúc đẩy tình trạng thù địch cả về quân sự và chính trị giữa hai nước lên mức cao nhất”. Báo Triều Tiên cũng nhấn mạnh, tình trạng đối đầu giữa hai nước cần phải xóa bỏ, điều quyết định cho vấn đề này chính là việc ứng viên đảng nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9/5.
Trước đó 1 ngày (8/5), Triều Tiên bất ngờ phát thông điệp kêu gọi chấm dứt cuộc đối đầu lịch sử giữa hai miền Nam – Bắc đã diễn ra suốt một thập kỷ qua. Vậy người Hàn Quốc có vì Bình Nhưỡng mà quyết định lá phiếu trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo của họ?
Tuy nhiên, theo thăm dò cho thấy, quan điểm của nhiều cử tri Hàn Quốc, quan hệ với quốc gia phía Bắc không phải là vấn đề chính khi họ lựa chọn người kế nhiệm Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye.
Việc nhà lãnh đạo bị bắt giam do có liên quan đến các cáo buộc tham nhũng đã đẩy sự quan tâm của người dân đến vấn đề minh bạch và một chính sách giúp cải cách nền chính trị hiện tại.
Hãng tin CNN (Mỹ) dẫn số liệu của hãng thăm dò dư luận độc lập tại Hàn Quốc RealMeter, theo đó cho thấy có tới 27,5% số người dân tham gia khảo sát nói vấn đề họ quan tâm nhất tới các ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay là “kế hoạch thực hiện cải cách và xử lý tận gốc rễ vấn đề tham nhũng”.
Trong khi đó, 24,5% quan tâm nhất đến “phục hồi kinh tế và cuộc sống của người dân”. Và chỉ có 18,5% người dân được hỏi coi việc “bảo vệ an ninh quốc gia và dân chủ tự do” là vấn đề quan trọng nhất.
Chỉ vài ngày trước thềm bầu cử, nhiều người dân ở Seoul đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về cải cách chính trị và tăng trưởng kinh tế. “Với người dân Hàn Quốc, vấn đề tham nhũng là quan trọng nhất. Chúng tôi hy vọng Tổng thống tiếp theo có thể dẫn dắt người dân trở nên hòa thuận thay vì xung đột hoặc chia rẽ bè phái chính trị. Bất đồng nội bộ sẽ không thể đưa đất nước đi lên", Lee Young-ok, 45 tuổi cho hay.
Ở một ý kiến khác, người dân cũng cho rằng “minh bạch trong việc thực hiện các vấn đề của quốc gia là điều quan trọng đối với Chính phủ Hàn Quốc hiện tại”, CNN dẫn ý kiến của một người tên là Jang Guk-hee ở thành phố Daejeon đến thăm con gái ở Seoul.
Theo Yonhap, hiện tại tình trạng thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát diễn ra tại quốc gia này hiện cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Bất chấp những dự báo, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2017, song nhiều người vẫn cảm thấy họ đang gặp nhiều khó khăn.
Ai sẽ ngồi vào ghế của Tổng thống bị phế truất?
Theo đánh giá của các chuyên gia đại học Quốc gia Seoul, người dân Hàn Quốc đang bị mất niềm tin vào Chính phủ bởi những bê bối chính trị gần đây. Ông chủ tiếp theo của Nhà Xanh cần có những định hướng rõ ràng trong việc cải cách kinh tế và nền hành chính hiện tại.
“Không chỉ riêng cựu Tổng thốngPark, lịch sử nước này cũng cho thấy, nhiều lãnh đạo trước cũng dính líu vào những vụ bê bối tham nhũng dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng trên mọi mặt. Và đây chính là ‘chìa khóa’ để cử tri đưa ra quyết định”, Giáo sư Jae Cheon-lim từ đại học Seoul bình luận.
Đưa ra một so sánh khá thú vị, không giống như người trẻ, những người cao tuổi ở Hàn Quốc bày tỏ quan tâm hơn tới vấn đề an ninh và chính sách với quốc gia láng giềng Bình Nhưỡng.
Theo thăm dò mới đây của Gallup/YTNl, cử tri Hàn Quốc ở độ tuổi 30 họ rất đồng tình với quan điểm của ứng viên Dân chủ Moon Jae-in về cách tiếp cận với Triều Tiên. Tuy nhiên, chỉ 16% những người cao tuổi (trên 60 tuổi) ở nước này ủng hộ ông Moon, họ chủ yếu thích Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân theo đường lối trung tả bởi những cam kết sẽ thi hành chính sách cứng rắn hơn với Triều Tiên.
Theo Reuters, kết quả một cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 3/5, cho thấy, ông Moon Jae-in của đảng Dân chủ đang là ứng cử viên dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 42,4% trong tổng số những người được hỏi ý kiến. Trong khi ứng viên Ahn Cheol-soo đứng vị trí thứ 2 với 18,6%. Kết quả của các cuộc thăm dò sau đó bị cấm công bố do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cử tri.