Bầu Đức 'lật' VPF bất thành và chiêu cao tay của bầu Tú
Công kích trực diện và 'hợp sức' cùng 5 đội bóng V-League đòi cải tổ VPF, nhưng bầu Đức chưa thể thay đổi được tình hình.
Sức ép lớn nhưng chưa đủ
Gần 1 tháng sau công văn đề nghị tổ chức Đại hội cổ đông bất thường của HAGL và 5 đội bóng khác ở V-League, VPF phản hồi với khẳng định chắc nịch: yêu cầu đại hội bất thường là "không đáp ứng điều kiện quy định".
Đặc biệt VPF nhấn mạnh thời điểm này dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vì thế HAGL và các đội bóng nên có sự đoàn kết, chung tay nhìn về một hướng, giúp bóng đá Việt Nam đi lên.
Đây chính là cú đáp trả mạnh mẽ từ VPF với HAGL, cụ thể hơn là nhằm vào bầu Đức. Trước đó, đội bóng phố Núi cùng 5 CLB gồm Hải Phòng, SLNA, Bình Dương, Nam Định và Quảng Nam đề nghị VPF tiến hành Đại hội cổ đông bất thường.
Các đội bóng trên cho rằng đến lúc phải chấn chỉnh những mặt yếu kém, thiếu sót trong quản lý điều hành công ty của Hội đồng quản trị VPF, dẫn đến việc thiếu hiệu quả trong công tác vận hành, quản lý các giải bóng đá vô địch quốc gia. Muốn làm tốt điều này, VPF cần thay đội ngũ lãnh đạo hiện tại.
Thậm chí bầu Đức của HAGL còn đề nghị Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nên nghỉ, đồng thời đề xuất mời lại hai gương mặt kỳ cựu là ông Trần Duy Ly và Phạm Ngọc Viễn lên thay.
"Ông Tú làm Chủ tịch VPF là đại diện hình ảnh bóng đá Việt Nam mà bị nhiều đội phản ứng thì nên xem lại. Nếu ông Trần Anh Tú còn tự trọng thì nên nghỉ", bầu Đức công kích.
Nhưng rốt cuộc bầu Tú không nghỉ, VPF cũng không có cuộc cải tổ nào, thậm chí đã phản pháo bằng một văn bản phúc đáp ở đúng thời điểm cho thấy không hề có nhún nhường của đơn vị quản lý, điều hành V-League, với người đứng đầu là ông Trần Anh Tú.
Chiêu cao tay của bầu Tú
Công văn của HAGL và 5 CLB V-League được gửi tới VPF từ cuối tháng 8, nhưng mãi đến cuối tháng 9 các đội bóng mới nhận được văn bản phúc đáp.
Bầu Tú và VPF đương nhiên có cái lý của mình khi từ chối thẳng thừng đề nghị tổ chức Đại hội cổ đông bất thường. VPF dựa trên Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ Công ty VPF như đã nêu trong văn trả lời các đội bóng.
Cụ thể, VPF nói rằng việc yêu cầu triệu tập họp Đại hội cổ đông bất thường của HAGL cùng 5 đội V-League không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3, 4 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 3 Điều 24 Điều lệ Công ty VPF.
Bên cạnh đó, nhóm các CLB đề nghị họp Đại hội cổ đông bất thường chiếm tỷ lệ 16,6% cổ phần của công ty VPF, tức là chưa quá bán.
Việc mới đây Ban chấp hành VFF quyết định dừng các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, không công nhận danh hiệu cũng như xác định đội xuống hạng, cũng chính là từ đề xuất trước đó của VPF. Nói cách khác, HAGL và một số đội bóng phản ứng mạnh mẽ, nhưng VPF đã xử lý theo đúng quy trình và được VFF thông qua.
Với cá nhân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú, việc ký văn bản từ chối đề nghị của HAGL và 5 CLB V-League đúng thời điểm ông bầu này vừa cùng tuyển futsal Việt Nam "ngẩng cao đầu về nước" từ sân chơi futsal World Cup ít nhiều ghi điểm trong mắt người hâm mộ và cả giới truyền thông.
Bầu Tú và VPF thắng trong "cuộc chiến" với bầu Đức và một số đội bóng, nhưng chắc chắn sóng gió thì chưa dừng lại.
Video HAGL 1-0 Hà Nội: