Bầu Đức muốn bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ ngân hàng BIDV
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa thông qua nghị quyết thanh lý tài sản không sinh lợi. Theo đó, Bầu Đức đang muốn bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, Pleiku để trả nợ cho trái chủ BIDV.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) vừa công bố thông tin bất thường về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu liên quan tới lô HAGLBOND16.26 có giá trị 6.596 tỷ đồng, phát hành ngày 30/6/2016 với kỳ hạn 10 năm. Trái chủ của lô trái phiếu này là Ngân hàng BIDV. Tại ngày 30/6, giá trị lưu hành lô trái phiếu này còn 5.271 tỷ đồng.
HAGL cho biết ngày thanh toán lãi định kỳ theo kế hoạch là 30/9 với số tiền gần 123 tỷ. Song tính tới 30/9, số tiền lãi chậm thanh toán lũy kế gần 2.871 tỷ.
Số tiền gốc chậm thanh toán lũy kế tới ngày 30/9 là 1.157 tỷ đồng. HAGL cho biết đã thanh toán 380 tỷ tiền gốc của lô trái phiếu này vào ngày 29/9.
Giải trình về lý do chậm thanh toán, HAGL cho biết nguồn tiền để thanh toán là từ khoản nợ của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) - hiện đã thỏa thuận lộ trình trả nợ ba bên và thanh lý một số tài sản không sinh lợi của công ty.
Tập đoàn dự kiến sẽ thanh toán phần còn lại trong quý IV năm nay.
Cùng ngày, HĐQT HAGL đã thông qua việc triển khai thanh lý tài sản gắn liền với đất là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, phường Phù Đổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
HAGL sẽ thanh lý khách sạn trên để ưu tiên thanh toán một phần nợ trái phiếu phát hành năm 2016 đã đề cập ở trên.
Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2005 với diện tích 14.165 m2, 12 tầng có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Khách sạn có 117 phòng ngủ, gồm 3 loại phòng Suite, Deluxe và Superior.
Theo báo cáo soát xét bán niên 2023, Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai thuộc tài sản thế chấp của doanh nghiệp trong lô trái phiếu phát hành cho BIDV.
Ngoài lô trái phiếu HAGLBOND16.26, HAGL còn đang lưu hành một lô trái phiếu khác là HAG2012.300 giá trị 300 tỷ, phát hành năm 2012 với kỳ hạn 11 năm. Ngày 29/9, HĐQT của doanh nghiệp đã thông qua việc điều chỉnh kỳ hạn lô trái phiếu 300 tỷ từ 11 năm thành 13 năm tức đáo hạn ngày 30/9/2025. Trái chủ là CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên.
Theo kế hoạch huy động vốn trong phương án chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp, HAGL dự kiến dành 323 tỷ để thanh toán nợ của lô trái phiếu HAG2012.300.
Kết quả kinh doanh, HAGL công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 với doanh thu thuần hơn 1.440 tỷ đồng, tăng hơn 887 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo cơ cấu doanh thu, thu từ trái cây chiếm tỷ trọng lớn nhất với 577 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán heo tăng 195% lên mức 540 tỷ, còn lại là doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa cũng mang về 241 tỷ đồng, tăng 184%.
Đi cùng với đà tăng doanh thu là sự tăng lên đáng kể của giá vốn bán hàng. Ngoài ra, chi phí bán hàng trong kỳ cũng tăng 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng trái cây và hàng hóa tăng nên chi phí vận chuyển và dịch vụ mua ngoài cũng tăng tương ứng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này tăng 276 tỷ đồng. HAGL cho biết đây chính là các khoản giảm hoàn nhập dự phòng từ các khoản phải thu của công ty.
Chi phí tài chính cũng sụt giảm mạnh, chỉ ở mức 166 tỷ đồng. Nguyên nhân là HAGL đã hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư vào nhóm Công ty HAGL Agrico trong quý 3. Các chi phí hoạt động khác trong kỳ giảm 59% do đánh giá lại một số tài sản không hiệu quả.
Với những biến động trên, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã báo lãi sau thuế gần 370 tỷ đồng trong quý 3, cao gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc quý 3, doanh nghiệp của bầu Đức báo lãi sau thuế gần 370 tỷ đồng, cao gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 3.471 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế theo đó cũng đạt 892 tỷ đồng, cao gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.