Bầu không khí thuận lợi

Chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã có hàng loạt động thái 'hạ nhiệt' căng thẳng với I-ran, tạo bầu không khí thuận lợi để nối lại các cuộc đàm phán nhằm đưa Oa-sinh-tơn trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân I-ran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tổng thống Pháp E.Ma-crông đề nghị trở thành 'trung gian' cho đối thoại Mỹ - I-ran, thúc đẩy nỗ lực đưa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran trở lại tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã có hàng loạt động thái “hạ nhiệt” căng thẳng với I-ran, tạo bầu không khí thuận lợi để nối lại các cuộc đàm phán nhằm đưa Oa-sinh-tơn trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân I-ran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tổng thống Pháp E.Ma-crông đề nghị trở thành “trung gian” cho đối thoại Mỹ - I-ran, thúc đẩy nỗ lực đưa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran trở lại tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã đưa ra cách tiếp cận mềm mỏng hơn so với chính quyền của người tiền nhiệm đối với “hồ sơ hạt nhân” I-ran. Ông Bai-đơn đã thể hiện thiện chí khi đề cập khả năng Mỹ quay trở lại JCPOA. Một dấu hiệu cho thấy ý định nhanh chóng tiếp cận vấn đề hạt nhân I-ran của Tổng thống Bai-đơn là việc ông đề cử ông U.Bơn, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu, vào vị trí người đứng đầu Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Ông Bơn chính là người đã kết nối các cuộc đàm phán bí mật trước kia giữa Oa-sinh-tơn với Tê-hê-ran để tạo cơ sở cho việc ký kết thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015. Trong khi đó, ông R.Ma-li, một chuyên gia về Trung Đông và là cựu quan chức của chính quyền cựu Tổng thống B.Ô-ba-ma, đã được Tổng thống Bai-đơn bổ nhiệm làm Đặc phái viên về I-ran. Ông Ma-li sẽ dẫn đầu nhóm quan chức của chính quyền mới trong các cuộc đàm phán với I-ran nhằm đưa Tê-hê-ran tuân thủ trở lại JCPOA, thỏa thuận từng được coi là “di sản” đối ngoại đạt được dưới thời cựu Tổng thống Ô-ba-ma.

Một trong những động thái được cho là nhằm giảm đối đầu, gia tăng cơ hội đối thoại với Tê-hê-ran, là việc chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã cho rút một tàu sân bay ra khỏi vùng Vịnh. Người phát ngôn Lầu năm góc cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đã được điều động từ Bộ Chỉ huy trung tâm ở Trung Đông sang khu vực Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính quyền mới của Mỹ tuyên bố không nhận thấy việc giữ tàu sân bay này ở vùng Vịnh là cần thiết cho các nhu cầu an ninh của Mỹ, bởi theo Bộ trưởng Quốc phòng L. Au-xtin, sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở Trung Đông đủ để đối phó bất kỳ mối đe dọa nào.

Những động thái từ phía chính quyền mới của Mỹ mở ra cơ hội nối lại đàm phán với I-ran, song giữa hai bên còn tồn tại bất đồng sâu sắc. Mặc dù nêu bật những mối quan tâm chính về chính sách đối ngoại trong chính quyền của Tổng thống G.Bai-đơn, trong đó có vấn đề I-ran, song Bộ trưởng Ngoại giao Blin-ken nhấn mạnh, Mỹ sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân với I-ran nếu Tê-hê-ran đáp ứng các cam kết trong JCPOA. Ông Blin-ken cũng cho rằng, phải mất thời gian để I-ran quay lại các cam kết và để Mỹ xem xét liệu I-ran có đáp ứng được các nghĩa vụ của mình hay không. Ông nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng tham gia lại thỏa thuận hạt nhân nếu I-ran đảo ngược lộ trình làm giàu u-ra-ni và tuân thủ JCPOA. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao I-ran lại tuyên bố nước này sẽ thực hiện lại các cam kết hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tê-hê-ran, coi đây là một điều kiện để Tê-hê-ran tuân thủ đầy đủ các cam kết trong JCPOA. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mới đây ra báo cáo cho biết, I-ran đã bắt đầu làm giàu u-ra-ni với tổ máy thứ hai gồm các máy ly tâm IR-20 tân tiến tại trung tâm hạt nhân Na-tan, vi phạm thỏa thuận với các cường quốc. Ước tính quý IV-2020 của IAEA cho biết, kho dự trữ u-ra-ni được làm giàu của I-ran đã tăng lên 2,4 tấn, gấp 10 lần mức mà JCPOA cho phép, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 8 tấn mà họ từng dự trữ trước khi ký thỏa thuận. Các hoạt động gia tăng cấp độ làm giàu u-ra-ni của I-ran khiến Mỹ và đồng minh lo ngại. Bộ trưởng Năng lượng I-xra-en cảnh báo, “I-ran sẽ cần sáu tháng để sản xuất đủ vật liệu cho một vũ khí hạt nhân, tức là dài gấp đôi thời gian mà một thành viên chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn dự báo”. Bên cạnh đó, I-ran liên tiếp công bố các thành tựu khoa học - công nghệ trong sản xuất vũ khí nhằm biểu dương sức mạnh và thể hiện sẵn sàng đối phó bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài.

Trước những tiến triển thuận lợi liên quan chính sách của tân Tổng thống Mỹ đối với I-ran, các cường quốc châu Âu tham gia JCPOA gồm Anh, Pháp, Đức thúc đẩy các nỗ lực nhằm đưa các bên trở lại tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận quan trọng này. Phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương, Tổng thống Pháp Ma-crông cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ bất kỳ sáng kiến nào từ phía Mỹ nhằm tham gia trở lại cuộc đối thoại và cố gắng trở thành trung gian trong cuộc đối thoại này. Trước đây, nhà lãnh đạo Pháp đã nhiều lần thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ Đ.Trăm tôn trọng thỏa thuận hạt nhân I-ran, song nỗ lực này không thành công. I-ran mới đây cũng gợi ý rằng, Liên hiệp châu Âu (EU) có thể giúp cả hai bên phối hợp hành động để xây dựng lòng tin và khôi phục thỏa thuận.

Mặc dù chính quyền mới của Mỹ có khả năng sẽ không thay đổi chính sách chiến lược của Oa-sinh-tơn đối với I-ran, song những dấu hiệu “tan băng” trong mối quan hệ đối đầu giữa hai bên đang tạo thuận lợi cho các bên có thể tiến hành đối thoại và trở lại với JCPOA. Dù thừa nhận không mong đợi một kết quả nhanh chóng, song Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét cũng như cộng đồng quốc tế bày tỏ mong đợi Mỹ và I-ran phối hợp để tháo gỡ bế tắc hiện nay liên quan JCPOA, văn kiện vốn được coi là một chiến thắng ngoại giao lớn và cần thiết cho hòa bình, ổn định tại vùng Vịnh và thế giới.

Thái Thanh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/bau-khong-khi-thuan-loi-634657/