Báu vật của du lịch Việt Nam

Người gầy dựng đặt cho nơi này là 'Một thoáng Việt Nam', nhưng một ngày quả thật chỉ mới xem 'một thoáng', biết 'một thoáng', chưa đủ để chiêm nghiệm hết một công trình nhỏ thôi, nhưng là một công trình nghiêm túc, biến mảnh đất bưng biền ngày nào thành một nơi lưu giữ 'kho báu vật' được tìm kiếm, sưu tập trên mọi miền đất nước.

Cách nay gần 11 năm, tôi đã từng đến xã An Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM đi tham quan khu du lịch làng nghề "Một thoáng Việt Nam".

Chưa được bao lâu, con đường Nguyễn Thị Sửa im ắng bởi khu du lịch Một thoáng Việt Nam tạm dừng đón khách. Nghe tin Một thoáng Việt Nam đã trình diện một không gian mới để chào đón khách trở lại từ đầu năm 2021, chúng tôi rất muốn biết sau 10 năm, bà Trần Thị Tuyết Nga - người phụ nữ gần 80 tuổi cùng các cộng sự đã làm thay đổi nơi này như thế nào.

Những bài ôn lịch sử, văn hóa

Nếu thích một nơi có nhiều cảnh lung linh để sống ảo, Một thoáng Việt Nam có thể không đủ thỏa mãn. Trong một làng quê yên bình, mộc mạc như Củ Chi, chúng tôi tìm thấy ở Một thoáng Việt Nam hình ảnh ngôi trường tuy trong làng nhưng cho mình ôn lại, học thêm được rất nhiều kiến thức về đất nước, lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam và cả những kiến thức về thiên nhiên, môi trường sống xanh.

Cột cờ trong lòng quả trứng Âu Cơ

Cột cờ trong lòng quả trứng Âu Cơ

Ngay cổng chính bước vào, cột cờ Việt Nam trong lòng quả trứng, nền đế cột cờ được đắp bởi những nắm đất mang về từ mọi miền đất nước như nói rằng đồng bào Việt Nam cùng chung sức giữ lấy non sông gấm vóc. Một hình ảnh ấn tượng để chúng tôi bước vào Một thoáng Việt Nam.

Đáng tiếc là ống kính máy ảnh không đủ rộng, nên loay hoay mãi tôi mới chụp được hình bản đồ Việt Nam ôm lấy biểu tượng trống đồng, được tạo trên hồ nước biểu trưng cho một đất nước nằm bên biển Đông.

Thu được hình ảnh này vào tấm hình rồi, tôi nhận ra bản đồ hiển thị tên đầy đủ của 64 tỉnh thành Việt Nam được bao trọn trong một hình quả trứng, một bên bản đồ là hình trống đồng với màu đất tượng trưng cho đồng bằng, rừng núi, một bên là biển Đông.

Thì ra trong một không gian nhìn lên bầu trời ấy là hình ảnh hàm chứa ý nghĩa về cội rễ cháu Rồng, cháu Tiên của đồng bào (được sinh cùng một trứng) dân tộc Việt Nam, từ trăm người con theo Lạc Long Quân và Âu Cơ lên rừng, xuống biển mà nay tạo nên một dải đất hình chữ S tươi đẹp, trù phú bên biển Đông.

Bản đồ Việt Nam trên mặt hồ

Bản đồ Việt Nam trên mặt hồ

Chưa hết, trên dọc hai tầng trưng bày ôm quanh không gian “quả trứng Âu Cơ” kia là những bản đồ sông, bản đồ núi, bản đồ các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam giúp cho từ người lớn đến các bạn trẻ, thiếu nhi nhìn vào đều có thể biết, nhớ nhanh về những dãy núi, ngọn núi quan trọng, những con sông lớn, khu bảo tồn thiên nhiên đặc biệt gắn với từng địa phương. Thật là một bài học địa lý hữu ích.

Học lịch sử dân tộc, ai cũng biết Việt Nam có 54 dân tộc, nhưng chắc rất ít người nói ra đủ 54 dân tộc. Chụp ngay tờ thuyết minh các tộc người ở Việt Nam theo 4 ngữ hệ: Nam Á, Thái, Mã Lai – Nam Đảo, Hán – Tạng, mấy người lớn chúng tôi nói với nhau: “Có thể giúp mình nhớ và dạy cho con cháu được”.

Các dân tộc Việt Nam được trưng bày theo từng ngữ hệ

Các dân tộc Việt Nam được trưng bày theo từng ngữ hệ

Nghề trong làng

Đi hết không gian lịch sử, dân tộc Việt Nam, chúng tôi đến khu làng và nghề. Trong mỗi nếp nhà Bắc bộ, Nam bộ, nhà rường Huế, nhà Bình Định, nhà rông Tây nguyên… có thể không quá mới lạ với nhiều người, song có thể thấy được công phu phục dựng. Nhà văn – nhà thơ Ngọc Liên đã ngẫu hứng cùng minh họa cho bài quan họ Bắc Ninh do chính nhân viên Một thoáng Việt Nam trình diễn ở nhà Bắc bộ.

Gánh đậu hủ nóng hồi xưa kéo những người trung niên trở về ký ức thuở nhỏ của mình, nên việc xếp hàng mua chén đậu hủ hơi lâu một chút cũng là niềm vui.

Nghệ nhân trình diễn làm tranh Đông Hồ

Nghệ nhân trình diễn làm tranh Đông Hồ

Trong chúng tôi nhiều người đã đến làng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh để xem và mua tranh vẽ trên giấy dó, nhưng chưa được nhìn thấy giấy dó được làm như thế nào.

Một quy trình làm giấy dó hoàn chỉnh ngay trong khu làng nghề Một thoáng Việt Nam khiến mọi người hào hứng tham gia seo giấy, ép giấy và can giấy thành một tờ giấy dó. Bên cạnh khu làm giấy dó là nơi hướng dẫn in tranh Đông Hồ bằng mực là tro tre ngâm với nước vo nếp.

Những người gốc Nam bộ như chúng tôi đều ngạc nhiên khi trong gian nhà Nam bộ có những hàng thủ công mỹ nghệ và đồ dùng gia đình bằng giấy dó se sợi.

Hỏi ra chúng tôi được biết tuy làm giấy dó là nghề ở miền Bắc, nhưng lấy giấy dó se sợi thắt thành đồ dùng là một nghề ở miền Nam đã thất truyền, bà Trần Thị Tuyết Nga, giám đốc khu du lịch muốn gây dựng lại nghề này.

Mọi người hào hứng tham gia seo giấy

Mọi người hào hứng tham gia seo giấy

Bột dó có độ tơ xơ rất dai nên giấy dó rất bền chắc. Ngày xưa, giấy dó được dùng viết sắc phong, lệnh, tấu sớ, viết gia phả… chứ không chỉ để in tranh. Những tờ sắc phong qua hằng trăm năm gìn giữ kỹ vẫn nguyên vẹn. Tính bền chắc đó nên sợi se giấy dó làm túi xách, làm nôi, làm võng nằm vẫn được. Những tay thợ của Một thoáng Việt Nam khá khéo tay, làm những bức hoa văn, bức mành trang trí khá đẹp.

Một thoáng Việt Nam trồng hơn 100 loại tre được sưu tập từ các vùng miền trên đất nước, có những loại đặc biệt như tre trắng, tre chàm… Trồng tre, nơi đây lấy tre làm ra những hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng gia đình và cả than tre hoạt tính cho khách mua về sử dụng.

Khu nông nghiệp công nghệ cao hướng dẫn canh tác hữu cơ

Khu nông nghiệp công nghệ cao hướng dẫn canh tác hữu cơ

Nếu như trước đây vào Một thoáng Việt Nam chỉ để nhìn lại những nét đẹp giản dị mà tinh tế của ngàn năm nước Việt, sau 10 năm, nơi đây có thêm đời sống ngày nay hiển hiện trực tiếp vào nơi thư giãn, bữa ăn cho khách.

Củ Chi là một huyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM, Một thoáng Việt Nam cũng theo dòng phát triển ấy. Vào khu trưng bày các loại nấm, thật ấn tượng với những loại nấm có màu sắc và hình dáng khác lạ được nuôi trồng tại đây.

Đông trùng hạ thảo, nấm ngọc linh và nhiều loại cây thảo dược quý cũng được sưu tập về đây gây trồng hữu cơ. Ở khu trồng các loại rau theo phương pháp thủy canh tĩnh, thủy canh hồi lưu, tháp cây, chúng tôi được hướng dẫn tận tình, học được cách trồng không quá khó thực hiện tại nhà.

Các loại nấm màu sắc khác lạ được nuôi trồng tại khu du lịch

Các loại nấm màu sắc khác lạ được nuôi trồng tại khu du lịch

Thú vị nhất là những loại rau, nấm sạch này được mang ra chế biến thành các món ăn cho khách thưởng thức tại chỗ. Bữa ăn của chúng tôi không cao lương mỹ vị, chỉ toàn những món dân dã như bún riêu, cháo cá nấm, hến xào sả ớt, cơm thịt kho trứng, thêm mấy món đặc sản Củ Chi như gỏi rau móp, khoai mì hấp nước cốt dừa, mà sao ngon miệng quá, có lẽ do tâm lý “thực phẩm sạch”.

Người gầy dựng đặt cho nơi này là “Một thoáng Việt Nam”, nhưng một ngày quả thật chỉ mới xem “một thoáng”, biết “một thoáng”, chưa đủ để chiêm nghiệm hết một công trình nhỏ thôi, nhưng là một công trình nghiêm túc, biến mảnh đất bưng biền ngày nào thành một nơi lưu giữ “kho báu vật” được tìm kiếm, sưu tập trên mọi miền đất nước, lưu giữ qua rất nhiều vật phẩm, hình ảnh.

Đến khi ra về, tôi kịp hỏi nhân viên thì được biết ở đây có khu lưu trú cho khách. Hẹn Một thoáng Việt Nam một ngày trở lại nữa.

Các Ngọc

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bau-vat-cua-du-lich-viet-nam-1611201722850.htm