Báu vật miền non nước
Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén thực sự là 'báu vật' mà thiên nhiên đã dành tặng cho vùng non nước Cao Bằng.
Bài liên quan
Du lịch Cao Bằng - Định vị thương hiệu, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Phát triển du lịch bền vững từ mô hình Công viên địa chất toàn cầu
Với tổng diện tích tự nhiên là 10.593,5 ha, trong đó 8.146,6 ha rừng tự nhiên, lưu giữ hệ sinh thái rừng nguyên sinh trên núi cao “rừng rêu” với rất nhiều loài động thực vật quý hiếm, nhiều loài có tên trong Sách Đỏ thế giới, Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén thực sự là ‘báu vật” mà thiên nhiên đã dành tặng cho vùng non nước Cao Bằng.
Từ một tin vui…
Tháng 1/2018, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Vườn Quốc gia Phia Oắc – Phia Đén (nằm trải dài trên địa phận các xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình) trên cơ sở chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc – Phia Đén thực sự là một tin vui lớn, không chỉ với chính quyền và nhân dân Cao Bằng. Bởi Vườn quốc gia được thành lập đồng nghĩa với việc tổng diện tích tự nhiên 10.593,3 ha rừng, trong đó có trên 8.100 ha rừng thuộc địa bàn các xã: Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình) và rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm… sẽ có cơ hội được bảo tồn một cách bài bản, nghiêm cẩn nhất.
Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén.
Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, mang đậm nét hoang sơ. Nơi đây lưu giữ 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý, hiếm, có giá trị về nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và giáo dục môi trường. Khu rừng ở nóc nhà phía Tây của tỉnh Cao Bằng còn được coi như “lá phổi xanh”, có tác dụng lớn trong việc điều hòa khí hậu, hấp thụ các-bon, điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất đai, chống xói mòi, rửa trôi, sạt lở đất, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững trong khu vực.
Vườn Quốc gia Phia Oắc – Phia Đén có 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ hành chính. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 4.035,5 ha, tại Tiểu khu 338, 352 xã Thành Công; Tiểu khu 333, 334 xã Quang Thành; Tiểu khu 327, 337 xã Phan Thanh; Tiểu khu 321, 322 thị trấn Tĩnh Túc. Phân khu này có nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và á nhiệt đới núi trung bình; hệ sinh thái rừng lùn hay còn gọi là “rừng rêu” kiểu rừng của khí hậu ôn đới đặc trưng của miền Bắc Việt Nam; các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm. Vùng đệm Vườn Quốc gia có diện tích 8.276,1 ha, trên địa bàn 42 thôn thuộc 6 xã và 1 thị trấn (xã Phan Thanh, Thành Công, Quang Thành, Hưng Đạo, Vũ Nông, Thể Dục và thị trấn Tĩnh Túc), huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Phát triển gắn liền cùng bảo tồn đa dạng sinh học
Nhiệm vụ của Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén là bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đồng thời khoanh nuôi phục hồi, làm giàu rừng tự nhiên, gây ươm các loài cây bản địa, đặc hữu quý hiếm để trồng rừng mới, nâng cao độ che phủ của rừng từ 84% năm 2016 lên 95% vào năm 2030, tạo không gian sống cho các loài động, thực vật;… Đảm bảo an ninh môi trường; nâng cao khả năng phòng hộ của rừng về giữ nước, hạn chế xói mòn, lũ lụt, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân vùng hạ lưu.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách về dịch vụ môi trường, tổ chức nghiên cứu khoa học về bảo tồn, tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm; cứu hộ động vật hoang dã; nghiên cứu khoa học; đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, khai thác các tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, cảnh quan, dịch vụ môi trường và các giá trị đa dạng sinh học để tăng nguồn thu cho Vườn Quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng từng chia sẻ, với danh hiệu này, Cao Bằng kỳ vọng sẽ bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Phia Oắc – Phia Đén phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp Quốc gia. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh việc bảo tồn hệ sinh thái rừng núi cao, các loài đặc hữu quý hiếm và cảnh quan môi trường cần thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và bảo đảm an toàn trật tự xã hội tại địa phương.
Việc ngày 12/4/2018, UNESCO chính thức công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng là CVĐC Toàn cầu UNESCO mà trong đó, Vườn Quốc gia Phia Oắc – Phia Đén là một “thành viên” càng tạo thêm cơ hội quảng bá cũng như tiếp thêm nguồn lực trong công cuộc bảo tồn là phát triển các giá trị di sản của Vườn Quốc gia.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bau-vat-mien-non-nuoc-post68477.html