'Báu vật sống' của ca trù
Cách đây 3 năm, khi phát hiện ra mảnh ghép cuối cùng trong một bài bản ả đào, vén bức màn bí mật sau nhiều năm dày công nghiên cứu, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã 'trào nước mắt' vì xúc động. Một thời kỳ rực rỡ, huy hoàng của quá khứ ông cha được sống lại sau nhiều biến thiên và mai một.
1. Trong buổi bảo vệ những kết quả của dự án nghiên cứu về ả đào, giáo sư Tô Ngọc Thanh đã chia sẻ với tôi rằng, đây là một công trình “vô tiền khoáng hậu”, trước chưa ai làm và sau này cũng chưa chắc có. Còn chúng tôi, những nhà báo gọi anh là “báu vật sống của ca trù”, vì Bùi Trọng Hiền đã chạm đến những vẻ đẹp tinh túy nhất của di sản ca trù. Giờ anh có thể cầm trống chầu điệu nghệ như một quan viên đích thực, hay cầm phách gõ nhịp và hát đúng kiểu sành điệu” của các cụ ngày xưa.
Tôi tự hỏi, điều gì thôi thúc anh, trong thời buổi cơm áo gạo tiền và những cuộc đua chen, lại lặng lẽ dành 6 năm ở ẩn để tìm lại những vẻ đẹp của di sản ấy. Anh chỉ cười, anh muốn trả món nợ với tiền nhân. Vì món nợ ấy, Bùi Trọng Hiền đã lặn lội 6 năm, ăn ngủ với ca trù, nghe nát cả những cuốn băng của bà Quách Thị Hồ, bà Nguyễn Thị Chúc, bà Nguyễn Thị Phúc để đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi, đâu là tinh chất của ca trù. Cũng vì món nợ ấy, Bùi Trọng Hiền đã nhiều lần chảy máu dạ dày, rối loạn hệ thần kinh thực vật, phải ngắt quãng công việc, nằm viện vì quá lao lực.
Không phải đến bây giờ, mà Bùi Trọng Hiền có thâm niên gắn bó, quăng quật với văn hóa cổ truyền từ hơn 30 năm nay. Từ cồng chiêng Tây Nguyên, đến xẩm, quan họ và bây giờ là ca trù. Anh tiếp cận di sản bằng những cuộc điền dã, sưu tầm và nghiên cứu. Nghiên cứu thể loại nào, anh nằm vùng ở đó cả mấy năm trời để tìm cho ra cội nguồn, giá trị thực của di sản. Ca trù là thách thức lớn nhất của anh, bởi với một nhà nghiên cứu rất nhiều thể loại âm nhạc cổ truyền của Việt Nam, đặc biệt là âm nhạc của người Kinh như chèo, tuồng, hát xẩm, hát văn mà khi nghe ca trù, Bùi Trọng Hiền vẫn bị cái tai đánh lừa. Đâu là tinh chất, cốt lõi của di sản. Anh giật mình, nghệ nhân, những người nắm giữ bí mật của ca trù còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Anh nói: “Lúc đó tôi sực tỉnh, tôi nhớ rằng lâu nay các nghệ nhân nhà nghề luôn chê đào kép ngày nay hát không có phách, không có khuôn khổ. Vậy thế nào là đúng, các cụ không nói. Phải nhận định bằng lý thuyết. Ngay sau Liên hoan Ca trù năm 2014, tôi khăn gói xuống nhà cụ Đẹ, bắt đầu cuộc điền dã lớn nhất. Mục tiêu của tôi là khám phá bằng được âm luật của ca trù và khi xác định được lý thuyết cơ bản của nó thì sẽ xác định được thế nào là đúng sai”. Lý thuyết hóa ca trù, đó là cách duy nhất giúp thế hệ hậu sinh tiếp cận được lõi gốc của di sản. Có những lúc, tưởng chừng như tuyệt vọng, khi nút thắt cuối cùng trong bài bản ả đào chưa được giải mã.
Đó là năm 2018, phải mất nhiều thời gian anh mới tìm ra mảnh ghép cuối cùng trong khổ đàn/khổ phách của ả đào là khổ rải: “Để xác định chính xác nó là 11 nhịp khuôn thước, tôi phải ký âm tổng phổ rất nhiều bài bản ả đào, giai điệu nhạc hát, nhạc đàn, phách để đối sánh. Trung bình 2 khuông nhạc khổ rải tôi phải ký âm mất 5-6 tiếng, làm việc liên tục, mới phát hiện ra quy luật. Sau khi nhận ra quy luật rồi, tôi dành 2 tuần chỉ nghe nhạc của bà Hồ và bà Phúc, có bao nhiêu bài của các cụ, tôi nghe hết và chỉ soi đúng khổ rải có thừa thiếu hay không. Khi xác định xong độ chính xác đến hoàn hảo của nó, tôi trào nước mắt.
Chúng ta đang sở hữu một báu vật vô giá bởi tư duy âm nhạc của ca trù là tư duy độc nhất vô nhị trên thế giới, đó là cấu trúc lắp ghép các mô hình khổ đàn/khổ phách liền mạch và khép kín. Đó là một sự thách đố với bất kỳ tai nghe nào. Người Việt đã mất cả nghìn năm, đời này qua đời khác gìn giữ, bảo tồn. Vậy tại sao chúng ta không giữ nó, để nó trôi tuột đi, tôi tự thấy mình áy náy với tiền nhân. Rất may, chúng ta còn tư liệu, hệ thống băng đĩa để vén bức màn quá khứ. Có thể, hôm nay con cháu chúng ta chưa thích nhưng ít nhất nó có một chỗ để nhìn lại, rằng ngày xưa cha ông ta đã từng rực rỡ như thế”. Giọng anh lặng hẳn đi.
Giờ, nhìn lại hành trình 6 năm, với những lý thuyết đã được sơ đồ hóa, bài bản, khoa học, một hành trình cực nhọc và bộn bề khó khăn nhưng với Bùi Trọng Hiền, đó vẫn là may mắn. Không chỉ là may mắn đối với một nhà nghiên cứu mà với cả một đất nước đang sở hữu di sản mà không biết đâu thực chất là giá trị lõi của di sản ấy. Nếu không, chúng ta sẽ vĩnh viễn không chạm tới được những giá trị gốc của di sản mà chỉ bảo tồn cái vẻ hào nhoáng bề ngoài.
2. Một quá khứ huy hoàng của ông cha đã được vén màn bí mật nhưng đâu dễ gì, những giá trị thực ấy được đón nhận khi nhiều năm nay, các nghệ nhân đào kép thế hệ mới đã quen với cái sai. Họ có danh tiếng, tiền bạc từ ca trù, ai dám dũng cảm thừa nhận mình sai để học lại từ đầu. Nhưng, Bùi Trong Hiền an nhiên với tâm thế của người làm khoa học trung thực và quyết liệt trong hành trình đi tìm sự thật. Chỉ có một thứ có giá trị, đó là cái cốt lõi của di sản. Vì nó, anh chấp nhận những điều tiếng, những va đập. Những bài bản, khúc thức ả đào đã được lý thuyết, sơ đồ hóa, bước tiếp theo là tập huấn để chỉnh sửa những cái sai bấy lâu nay đã quen trong giới ả đào, kép đàn. Kẻ cầu thị, người phản đối. Bùi Trọng Hiền trầm tư: “Cần thời gian và sự nhận thức của họ, cần sự vào cuộc của một dự án mang tính tổng thể để trả lại những giá trị đích thực của di sản. Nếu không, chúng ta có tội với tiền nhân”.
Trước khi chờ nhận thức của mọi người, Bùi Trọng Hiền đã có những khóa tập huấn cho nhóm ca trù Phú Thị ở Hải Phòng. Tiếp đến, có thể là Hà Tĩnh... Và anh sẽ tiếp tục hành trình của mình để làm sống dậy một di sản quý giá, một bộ phim tài liệu về ả đào do anh viết kịch bản đang chuẩn bị bấm máy.
“Nội dung phim sẽ tái hiện lại những câu chuyện lịch sử về loại hình âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của Việt Nam, cũng là thể loại cổ nhạc có số phận long đong, thăng trầm nhất trong lịch sử văn hóa dân tộc. Phim thuộc thể loại tài liệu, được xây dựng theo thủ pháp phim truyện hồi cố, căn cứ trên tư liệu lịch sử và những câu chuyện có thật về cuộc đời các nghệ nhân ả đào danh tiếng trong thế kỷ 20 thời thập niên 40. Bộ phim được sản xuất để thay cho lời tri ân với các đào kép danh tiếng thế kỷ 20 cùng các đào nương, đào rượu vô danh đã hy sinh thân mình bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946”. Anh chia sẻ.
Anh muốn trả lại những giá trị lịch sử của nghệ thuật ả đào. Và chỉ khi nó được trở về với những giá trị bản nguyên, di sản mới được sống đúng nghĩa và có giá trị. “Ngày xưa, đào nương phải học từ tấm bé hàng chục năm trời mới bắt đầu đi hát. Họ khổ luyện để giữ gìn khuôn vàng thước ngọc của âm nhạc nghìn năm tuổi này. Thế nhưng, ở nhiều giai đoạn lịch sử, vai trò, tài năng của cô đầu chưa được nhìn nhận đúng đắn, họ chịu bao điều tiếng. Thậm chi bị xã hội lên án”.
Làm khoa học duy lý và minh triết để tìm ra chân lý nhưng Bùi Trọng Hiền rất dễ xúc động. Và khi chấp bút viết kịch bản cho bộ phim tài liệu, đến chương 3, về những nỗi oan lận đận của ca trù, anh rơi nước mắt.
Tôi lại nhớ đến câu nói của giáo sư Tô Ngọc Thanh khi nói về anh. Trong phong trào bảo tồn văn hóa bằng các dự án, chỉ có anh độc hành con đường của mình. Có bao giờ anh mỏi mệt trong hành trình đơn độc ấy khi tiền bạc bọt bèo và cuộc sống đầy rẫy khó khăn. Nhưng, cả cuộc đời dấn thân nghiên cứu, Bùi Trọng Hiền chưa bao giờ đặt ra. Anh sống cần kiệm, giản dị.
Tôi chia tay anh trong quán cà phê cũ bên cạnh Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, nơi anh làm việc. Tôi cứ mải nhìn theo cái dáng cao gầy và bộ quần áo mộc cùng chiếc khăn đũi vắt qua vai. Anh thuộc về những người “muôn năm cũ”. Văng vẳng bên tai tôi tiếng ả đào phát ra từ chiếc điện thoại cũ mèm, từ đời “ơ kìa” của anh. Giọng Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ vang rền, luyến láy...
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/bau-vat-song-cua-ca-tru-635540/