'Bẫy' chết người trong rẫy cà phê

Tiện lợi nhưng cũng không kém phần nguy hiểm, những giếng đào trong vườn, rẫy cà phê đang là 'cái bẫy' đe dọa sinh mạng của biết bao người…

Mới đây, chúng tôi có dịp công tác tại địa bàn thôn 15, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn). Vừa trao đổi, vừa đi bộ trên con đường đất vào rẫy cà phê, cả đoàn chúng tôi rùng mình khi nhìn thấy miệng giếng lớn, nằm gần vệ đường. Miệng giếng nằm sát mặt đất, không được che chắn, rào đậy; có đường kính ước khoảng 2 m, sâu chừng 10 m, chứa nhiều nước, tạo cảm giác lạnh người khi nhìn vào.

Đáng nói, khi quan sát tiếp xung quanh, cả đoàn lại phát hiện thêm một giếng khác, ở mặt đường đối diện, cách giếng trước chừng 4 – 5 m. Giếng này cũng nằm sát mặt đất, được đào lâu năm hơn, có một cây to mọc ngang miệng giếng, thoạt nhìn qua rất khó thấy. Miệng giếng đen ngòm, khó đoán được độ nông sâu, càng khiến người đi đường thêm lo lắng nếu tình huống xấu nhất xảy đến.

Giếng đào không được che chắn cẩn thận trở thành "cái bẫy" nguy hiểm.

Giếng đào không được che chắn cẩn thận trở thành "cái bẫy" nguy hiểm.

Đào giếng trong rẫy cà phê để phục vụ việc tưới tiêu, sinh hoạt không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, có những gia đình đào hẳn 2 – 3 giếng để tiện chăm sóc diện tích lớn cây trồng. Tuy nhiên, việc thiếu sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn, khiến lợi ích từ giếng đào luôn đi kèm với muôn vàn ẩn họa.

Gần đây nhất, giữa tháng 3 vừa qua, một phụ nữ không may rơi xuống giếng sâu tại địa bàn xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ. May mắn là sau nhiều ngày, người dân đi làm rẫy nghe thấy tiếng động lạ nên phát hiện có người dưới giếng. Nghe tiếng hô hoán của người dân, bộ đội đang huấn luyện gần đó đã cùng chung tay hỗ trợ, đưa nạn nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Đó là trường hợp may mắn, nhưng không nhiều. Bởi thực tế đã có không ít trường hợp tử vong khi rơi xuống giếng, trở thành nỗi đau đớn tột cùng, day dứt cuộc đời nhiều phận người. Vụ tai nạn xảy ra tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai giữa tháng 7 vừa qua là một ví dụ. Vợ chồng anh V. để ba đứa con nhỏ lại chòi rẫy để chồng đi làm, còn vợ lên rẫy kiếm măng. Chiều cùng ngày, người mẹ hái măng về thì tá hỏa phát hiện đứa con út mới hơn một tuổi đã tử vong dưới giếng cạn. Đáng nói, giếng này do gia đình tự đào để chứa nước mưa sinh hoạt.

Giếng đào nằm cạnh vệ đường thuộc địa bàn thôn 15 (xã Ea Bar) bị cây cỏ mọc che mặt giếng.

Giếng đào nằm cạnh vệ đường thuộc địa bàn thôn 15 (xã Ea Bar) bị cây cỏ mọc che mặt giếng.

Để phòng tránh xảy ra các vụ việc thương tâm, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã nhiều lần khuyến cáo người dân cần chú ý xây thành giếng cao, có nắp che đậy chắc chắn, bảo đảm an toàn. Với những giếng nước không còn sử dụng, cần dựng rào chắn, có biển cảnh báo nguy hiểm. Khi đi vào những khu vực rẫy vắng, có cây cỏ che khuất lối cần xác định vị trí, kiểm tra kỹ càng trước khi bước tới…

Biện pháp phòng ngừa được đưa ra khá nhiều, song hơn hết, để bảo vệ chính mình, người dân nên tự nâng cao cảnh giác, ý thức trách nhiệm trong quá trình đào giếng, sử dụng giếng.

Theo Song Quỳnh (baodaklak)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/bay-chet-nguoi-trong-ray-ca-phe-post292325.html