Bay chui sang Hàn Quốc: Không có quy trình thẩm định doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo?
Cơ quan điều tra xác định, một trong những nguyên nhân khiến 9 người đi lậu trên chuyên cơ sang Hàn Quốc là chưa có quy trình thủ tục để lựa chọn, thẩm định doanh nghiệp tham gia tháp tùng lãnh đạo công tác nước ngoài.
Như đã đưa, TAND TP Hà Nội đang chuẩn bị xét xử vụ đưa lậu 9 người sang Hàn Quốc trên chuyên cơ của đoàn công tác Quốc hội xảy ra năm 2018.
Theo truy tố, năm 2018, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì chuyến công tác tại Hàn Quốc; mời một số doanh nghiệp cùng tham gia.
Để tổ chức, Bộ KH&ĐT đã phát thư mời và biểu mẫu để các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia. Theo quy định của ban tổ chức, đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư, thương mại…
Tuy nhiên, sau khi kết thúc công tác, có 9 người trốn lại Hàn Quốc, không về nước cùng đoàn. Vì vậy, 8 đối tượng là người tổ chức, môi giới cho 9 người này ra nước ngoài bị xử lý hình sự.
Ngoài ra, phía điều tra xác định các tổ chức, một số cá nhân thuộc Bộ KH&ĐT, Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc và Cty CP du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) có liên quan vụ án.
Đây là các đơn vị được Văn phòng Quốc hội giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi Hàn Quốc. Tuy nhiên, họ bị các đối tượng lợi dụng để tổ chức cho khách trốn ra nước ngoài.
Kết quả điều tra xác định, nhà nước không có quy định cụ thể về việc tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi công tác, làm việc tại nước ngoài.
Trong quá trình tổ chức đoàn doanh nghiệp đi Hàn Quốc, Bộ KH&ĐT và các đơn vị, cá nhân có liên quan đã căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và yêu cầu của Văn phòng Quốc hội để tổ chức đoàn doanh nghiệp. Các đơn vị này không biết các bị can và những người liên quan trong vụ án đã lợi dụng việc tham gia đoàn doanh nghiệp để tổ chức cho khách trốn đi Hàn Quốc.
Cũng theo cơ quan điều tra, một trong những nguyên nhân để xảy ra vụ án là do Bộ KH&ĐT chưa quan tâm đến việc xây dựng quy trình, thủ tục để lựa chọn, thẩm định doanh nghiệp tham gia; không có quy định cụ thể về phối hợp các đơn vị liên quan trong tổ chức đoàn doanh nghiệp.
Do vậy, trong quá trình xử lý vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an gửi 2 công văn thông báo cho Văn phòng Quốc hội và Bộ KH&ĐT về sơ hở, thiếu sót trong tổ chức, quản lý đoàn doanh nghiệp đi công tác nước ngoài để có biện pháp khắc phục.
Vụ án có 8 bị cáo trong đó, Lê Thị Liễu – Giám đốc Cty Cổ phần GVA; Trần Thị Tuyết – nguyên cán bộ Tạp chí Kinh tế và dự báo; Lương Mạnh Hùng – Giám đốc Cty đào tạo và tư vấn giáo dục TD Việt Nam bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Các bị cáo Trịnh Bang Dũng (ở TP Vinh, Nghệ An); Ngô Xuân Hiếu (ở Hưng Nguyên, Nghệ An); Trần Phục Hưng – Giám đốc Cty tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam; Lê Thị Xuân - nguyên đại diện Cty Tư vấn du học quốc tế IEC; Nguyễn Thị Lương (ở Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).