Bay flycam chưa được cấp phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo chuyên gia pháp lý, những hành vi không đăng ký mà cho bay flycam trên bầu trời có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính. Thậm chí, nếu gây ra hậu quả đến tính mạng, danh dự, sức khỏe,… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngày 16/7, Công an tỉnh Tuyên Quan phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phát hiện 1 phương tiện bay không người lái có gắn camera (flycam) bay trên địa bàn phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang chưa được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.
Qua tiến hành xác minh, tổ công tác xác định flycam trên do anh P.M.H (sinh năm 1999, trú Tổ 6, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang) điều khiển. Tổ công tác đã tiến hành mời anh P.M.H đến trụ sở để làm việc.
Tại cơ quan công an, sau khi nghe cán bộ giải thích về các quy định của pháp luật, anh P.M.H đã nhận thức rõ hành vi điều khiển thiết bị bay không được cấp phép bay là trái quy định. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm, bàn giao cho Công an thành phố Tuyên Quang để xử lý theo thẩm quyền.
Qua vụ việc trên, nhiều người dân thắc mắc đặt ra câu hỏi: Ai được phép sử dụng flycam? Được sử dụng khi nào, ở đâu? Trong trường hợp nào người dân sử dụng thiết bị bay không người lái (flycam) thì vi phạm pháp luật và bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Bùi Xuân Lai (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết, flycam/drone hiểu một cách đơn giản là camera bay hoặc máy quay phim điều khiển từ xa. Phục vụ cho việc quay phim, chụp ảnh và ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam. Thế nhưng, pháp luật Việt Nam cũng đặt ra giới hạn nhất định đối với hoạt động bay này.
Theo luật bay flycam của Việt Nam, việc sử dụng flycam ở nước ta không bị cấm hoàn toàn, tuy nhiên, người sử dụng phải làm thủ tục xin phép bay do hoạt động bay có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng…
Điều 16 của Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Nghị định này tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với hoạt động bay flycam khi chưa được cấp phép vẫn chưa có sự thống nhất. Cụ thể, Căn cứ tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, điểm i khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, điểm k khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định việc sử dụng flycam không xin giấy phép bay flycam sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi sử dụng tàu bay không người lái chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép.
Cũng theo luật sư, hiện nay, nhiều trang báo điện tử, trang mạng dẫn quy định xử phạt tại Nghị định 162/2018/NĐ-CP là không hoàn toàn chính xác, do Nghị định 162 chỉ quy định về các mức xử phạt đối với hoạt động hàng không dân dụng, không áp dụng đối với trường hợp máy bay điều khiển từ xa như flycam…
Theo quy định quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ được nêu rõ trong nghị định 36/2008/NĐ-CP (đã sửa đổi theo Số: 79/2011/NĐ-CP) thì: các tổ chức, cá nhân sử dụng tàu bay không người lái, khí cầu bay không người điều khiển, mô hình bay, khí cầu có người điều khiển để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học cần thực hiện xin cấp phép bay theo đúng quy định của pháp luật.
"Những hành vi không đăng ký mà cho bay flycam trên bầu trời có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính; thậm chí nếu gây ra hậu quả đến tính mạng, danh dự, sức khỏe;… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Lai nhấn mạnh.