Bảy giải pháp để trí thức KH-CN tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 57

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị thực sự là một bước đột phá trong việc định hướng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN-ĐMST-CĐS) tại Việt Nam.

Nghị quyết 57 cũng là một mệnh lệnh, một lời kêu gọi đối với toàn thể đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong nước và ngoài nước, cũng như mọi tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số nhằm phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phải là lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia - Ảnh: IT

Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phải là lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia - Ảnh: IT

Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức KH-CN có vai trò trung tâm, vừa là người đề xuất sáng kiến, vừa là lực lượng trực tiếp triển khai ứng dụng. Vì vậy, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là yêu cầu then chốt để hiện thực hóa thành công các mục tiêu của Nghị quyết 57.

Theo đó, TS Lê Công Lương - Phó tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Khoa học và hợp tác quốc tế của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã đưa ra 7 giải pháp để trí thức KH-CN tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 57.

1. Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn hệ thống VUSTA về phát triển KH-CN, ĐMST, CĐS.

VUSTA và các tổ chức thành viên thường xuyên tuyên truyền sâu rộng về nội dung Nghị quyết 57, Nghị quyết 03 và Kế hoạch số 16 theo hướng: đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, website, các nền tảng số, mạng xã hội và các phương tiện điện tử khác; cụ thể hóa nội dung tuyên truyền cho từng nhóm đối tượng cán bộ, công chức, hội viên, trí thức và người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống liên hiệp hội kiến thức về KH-CN, ĐMST, kỹ năng số, công nghệ số cơ bản phục vụ CĐS; khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động, hội viên trong toàn hệ thống VUSTA nghiên cứu, học tập trên các nền tảng số để trở thành phong trào “học tập số” thường xuyên, liên tục; đổi mới nội dung các giải thưởng, hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, các hội thi Olympic sinh viên trong hệ thống Liên hiệp hội theo hướng định lượng kết quả đầu ra về kinh tế, xã hội và môi trường.

2. Xây dựng cơ sở hạ tầng cho KH-CN, ĐMST, CĐS tại cơ quan trung ương VUSTA.

Liên hiệp hội cần xây dựng đề án chuyển đổi số của đơn vị trình Chính phủ phê duyệt để đầu tư phát triển hạ tầng số hiện đại; thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống Liên hiệp hội; xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin để kết nối trục liên thông văn bản quốc gia (J23), mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Thiết lập mạng lưới kết nối thông tin với các đơn vị trực thuộc VUSTA; tham gia chương trình, dự án thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Xây dựng và chia sẻ các nền tảng số, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông giữa cơ quan trung ương Liên hiệp hội và các hội thành viên, đơn vị trực thuộc trên môi trường số.

3. Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng KH-CN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống Liên hiệp hội; nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu lực quản lý của các cơ quan, đơn vị.

Số hóa cơ sở dữ liệu của cơ quan trung ương Liên hiệp hội, các hội thành viên và đơn vị trực thuộc; kết nối, khai thác, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống Liên hiệp hội; triển khai các sáng kiến mở dữ liệu để cán bộ, công chức, người lao động, nhà khoa học, hội viên, doanh nghiệp và người dân khai thác, tạo giá trị mới, đổi mới sáng tạo; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý công việc nhanh gọn, hiệu quả.

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu lực quản trị, hiệu quả điều hành hoạt động của cơ quan trung ương Liên hiệp hội; thực hiện chỉ đạo, điều hành trực tuyến dựa trên dữ liệu giữa các tổ chức trong hệ thống VUSTA; nâng cao tương tác giữa các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, hội viên, doanh nghiệp và người dân.

4. Thúc đẩy hoạt động KH-CN, ĐMST, CĐS của VUSTA.

Kết nối, hỗ trợ các hội thành viên, đơn vị trực thuộc với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ để các hội thành viên, đơn vị trực thuộc kết hợp với doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, trường đại học đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH-CN trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị cao, thân thiện môi trường, tham gia có hiệu quả và chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ, kết nối các hội thành viên, đơn vị trực thuộc tham gia mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước và kết nối với mạng lưới KH-CN, ĐMST, CĐS trong khu vực và quốc tế.

Tổng kết đánh giá giới thiệu chuyển giao, ứng dụng kết quả các giải thưởng, hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, đặc biệt là những sản phẩm KH-CN, ĐMST, thay thế hàng nhập khẩu vào triển khai trong thực tiễn thông qua chương trình thương mại hóa sản phẩm KH-CN, ĐMST tham gia thị trường do Liên hiệp hội chủ trì.

5. Thúc đẩy hoạt động tư vấn, phản biện của VUSTA.

Ưu tiên các nguồn lực của Liên hiệp hội để thường xuyên phối hợp với các cơ quan hoạch định chính sách, các bộ ngành để rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản về thể chế, chính sách trong phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS.

Huy động, khuyến khích và hỗ trợ để các hội thành viên, đơn vị trực thuộc phát hiện và đề xuất tháo gỡ các vấn đề bất cập của cơ chế, chính sách cản trở hoạt động KH-CN, ĐMST trong ngành, lĩnh vực, địa phương.

Nhận diện và đề xuất những ngành lĩnh vực mới mà KH-CN, ĐMST cần hướng tới trong từng thời kỳ làm định hướng cho nghiên cứu KH-CN, ĐMST nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, giảm phụ thuộc nước ngoài, hạn chế tác động tiêu cực từ kinh tế quốc tế, phát triển bền vững.

Tiếp tục nâng cao chất lượng tư vấn, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về những chủ trương, chính sách lớn của đất nước, nhất là về KH-CN, ĐMST, giáo dục - đào tạo, các dự án phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước; kịp thời nhận diện, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách gây cản trở sự phát triển của KH-CN, ĐMST, CĐS; đồng thời đề xuất cơ chế chính sách mới để thực hiện thành công Nghị quyết 57 với chất lượng và hiệu quả thực tế cao nhất.

6. Thúc đẩy hoạt động phổ biến kiến thức KH-CN của VUSTA.

Phát động và triển khai đồng bộ đến các hội thành viên, đơn vị trực thuộc các phong trào học tập số, các chương trình phổ cập, nâng cao kiến thức về KH-CN, ĐMST, kỹ năng số, công nghệ số cơ bản trong người lao động, hội viên.

Phổ biến kịp thời, nhân rộng các mô hình hay trong KH-CN, ĐMST, CĐS đến các hội thành viên và đơn vị trực thuộc. Đồng thời, Liên hiệp hội cũng sẽ cập nhật các sáng kiến, giải pháp của các hội thành viên và đơn vị trực thuộc để phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp, nhân dân.

Phối hợp với các hội thành viên, đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai một số đề án, chương trình phổ biến kiến thức KH-CN, ĐMST cho nhân dân phù hợp với tình hình thực tế.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KH-CN, ĐMST, CĐS.

Xây dựng và triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đối tác quốc tế tương đồng thông qua các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế mà VUSTA đang là thành viên; thúc đẩy tiếp nhận, chuyển giao, phổ biến kiến thức và ứng dụng các thành tựu KH-CN, ĐMST vào sản xuất và đời sống.

Thiết lập cơ chế điều phối tạo điều kiện để cán bộ, công chức, nhà khoa học hợp tác, giao lưu, tham quan, khảo sát và tham gia các hội nghị quốc tế về KH-CN, ĐMST, CĐS.

Xúc tiến hỗ trợ các hội thành viên, các đơn vị trực thuộc tiếp cận các tổ chức quốc tế, tìm kiếm nguồn lực tài chính triển khai các đề tài, dự án, chương trình hợp tác về KH-CN, ĐMST, CĐS.

"Việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công Nghị quyết số 57. Liên hiệp hội cần tiếp tục huy động trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để kiến tạo nền tảng KH-CN, ĐMST, CĐS quốc gia trong thời kỳ mới", TS Lê Công Lương nhấn mạnh.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bay-giai-phap-de-tri-thuc-kh-cn-tien-phong-trong-thuc-hien-nghi-quyet-57-232619.html