Bây giờ 'chân biển, chân đồng'. Bài 1: Bắt cát trắng 'đẻ vàng'
Đến bây giờ, nhiều mô hình chuyển đổi sinh kế bền vững cho ngư dân vùng biển bãi ngang sau sự cố ô nhiễm môi trường biển đã thực sự phát huy hiệu quả kinh tế trong thực tế. Có dịp đi dọc theo miền chân sóng từ xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) đến xã Hải Khê (huyện Hải Lăng), chúng tôi đã thấy màu xanh của hoa màu trồng trên cát trắng; các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xây dựng khang trang. Người dân các xã ven biển bãi ngang đã có thu nhập nhờ kết hợp phương châm 'chân biển, chân đồng'…
Trên trảng cát trắng bạc màu của thôn Cang Gián (xã Trung Giang, huyện Gio Linh), thôn Trung An (xã Hải Khê, huyện Hải Lăng) chỉ cách đây vài năm còn hoang vắng, đìu hiu thì nay nhiều trang trại chăn nuôi gà, vịt, lợn theo hướng liên kết với doanh nghiệp trong cung cấp, tiêu thụ sản phẩm đã mọc lên. Có dịp trò chuyện với những chủ trang trại mới thấy hết sự phấn khởi cũng như khát vọng làm giàu trên miền cát trắng, trên chính mảnh đất quê hương của những người từng một thời là ngư dân vào lộng, ra khơi.
Dù đang tất bật với công việc chăm sóc đàn gà hàng nghìn con chuẩn bị xuất bán cho công ty chuyên cung cấp và thu mua gà thương phẩm, anh Dương Đức Dần (sinh năm 1986) vẫn tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Anh Dần cho biết, trước năm 2016 do không có vốn để đóng tàu, thuyền bám biển, nên anh vừa làm nông, vừa làm nghề “đi bạn” cho nhiều tàu đánh bắt xa bờ ở xã Trung Giang. Nguồn thu nhập từ nghề “đi bạn” luôn bấp bênh, không đủ lo cho cuộc sống gia đình. Năm 2016, khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, tàu, thuyền của ngư dân xã Trung Giang cũng như nhiều xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh phải tạm nằm bờ. Không có việc làm, không còn nguồn thu nhập nên cuộc sống của gia đình anh trở nên khó khăn. Không cam chịu để gia đình rơi vào cảnh nghèo khó, đầu tháng 7/2016, anh Dần vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà thương phẩm trên cát. Được xã Trung Giang tạo điều kiện cho thuê đất, anh Dần đã đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà khép kín; 100 triệu đồng để mua gà giống từ công ty chuyên cung cấp và thu mua gà thương phẩm. Cũng trong năm đó, anh bắt tay nuôi 4.000 con gà/ lứa (mỗi năm trang trại gia đình anh nuôi 3 lứa). Sau khoảng 3 - 4 tháng nuôi, anh xuất bán cho công ty mà anh mua gà giống với giá 40.000 đồng/kg gà thương phẩm. Trang trại gia đình anh thu lãi 30 - 40 triệu đồng/lứa. “Gà nuôi theo hình thức khép kín nên ít xảy ra dịch bệnh. Khi gà nuôi lớn đảm bảo tiêu chuẩn về cân nặng, công ty sẽ thu mua toàn bộ số lượng gà thả nuôi với giá cả ổn định, nên hiện tại trang trại gia đình tôi không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, trang trại gia đình tôi thả nuôi khoảng 4.000 - 4.500 con/lứa. Mỗi năm thu lãi khoảng 100 - 150 triệu đồng”.
Đang chia sẻ cách thức làm ăn với anh Dần thì anh Trương Xuân Lại đến chơi và góp chuyện. Cùng ra trảng cát trắng hoang hóa thôn Cang Gián để đầu tư 250 triệu đồng xây dựng trang trại trong năm 2016, nhưng anh Lại không chỉ chăn nuôi gà mà còn nuôi thêm lợn. “Phải chăn nuôi cả gà và lợn cho chắc ăn. Trang trại gia đình tôi hiện tại nuôi mỗi lứa khoảng 500 con gà lai đá, gà ri (mỗi năm nuôi khoảng 1.500 - 2.000 con). Giống gà lai đá, gà ri có thời gian nuôi kéo dài khoảng 4 - 6 tháng, nhưng bù lại giá gà thường ổn định từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Ngoài ra, tôi thả nuôi thêm 100 con lợn thịt/lứa (mỗi năm 2 lứa). Gà, lợn mà tôi chăn nuôi được các thương lái đến thu mua tận trang trại với giá cả ổn định. Bình quân mỗi năm trang trại của gia đình tôi thu lãi khoảng 80 - 100 triệu đồng. Khó khăn hiện tại của nhiều chủ trang trại tại thôn Cang Gián đó là nguồn điện phục vụ sản xuất chưa đảm bảo; thời gian cho thuê đất của xã Trung Giang còn ngắn nên các chủ trang trại chưa mạnh dạn đầu tư”, anh Lại chia sẻ.
Chúng tôi đã đến thôn Trung An (xã Hải Khê, huyện Hải Lăng) để cảm nhận sức sống mới từ những trang trại được xây dựng khang trang trong khu chăn nuôi tập trung trên cát trắng một thời hoang hóa. Ghé thăm trang trại của vợ chồng anh Trương Nhật Tiến, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân ở thôn Trung An, chúng tôi được biết, anh chị đã từ bỏ công việc với mức thu nhập khá ở tỉnh Bình Dương, về quê khởi nghiệp với trang trại nuôi vịt khép kín. Anh Tiến cho biết, cuối năm 2017 khi về quê thăm người thân, anh được biết xã Hải Khê đang có chủ trương quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các mô hình chuyển đổi sinh kế cho người dân. Trở về Bình Dương, anh bàn với vợ rồi quyết định xin nghỉ việc để trở về quê lập nghiệp. Ổn định cuộc sống xong, vợ chồng anh đến UBND xã Hải Khê xin được cấp đất mở trang trại nuôi vịt khép kín với quy mô từ 1.000 - 2.000 con. “Khi nghe tôi trình bày dự án trang trại chăn nuôi vịt khép kín của mình, lãnh đạo UBND xã quyết định cấp cho chúng tôi 4.000 m2 đất tại khu chăn nuôi tập trung của xã”.
Với kinh nghiệm có được từ những năm làm cho công ty thức ăn chăn nuôi, đầu năm 2018 anh chị dốc toàn bộ nguồn vốn tích lũy của gia đình, vay thêm bạn bè và ngân hàng được gần 450 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng nuôi, bể nước để vịt bơi lội, mua một lò ấp trứng công nghiệp bằng điện và thả nuôi 1.000 con vịt đẻ. Hiện tại, mỗi ngày đàn vịt 1.000 con trong trang trại của anh chị đều đặn cho từ 700 - 750 quả trứng. Sau khi thu, trứng được phân loại, chọn lựa kĩ càng và đưa ngay vào lò ấp tự động. Do có chất lượng tốt nên vịt con ra lò đến đâu đều được thương lái thu mua ngay đến đó, nhiều khi không đủ cung cấp cho thị trường. “Bình quân mỗi tháng gia đình tôi cho ra lò khoảng 20.000 vịt con 1 ngày tuổi. Không chỉ cung cấp cho người nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận mà còn sang nước bạn Lào. Với giá bán 11.000 đồng/con, ước tính doanh thu mỗi tháng hơn 200 triệu đồng”, anh Tiến cho biết.
Các mô hình nêu trên chỉ là 3 trong số hàng chục mô hình chuyển đổi sinh kế bền vững của người dân vùng biển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính những mô hình này đang từng ngày bắt cát trắng “đẻ vàng” cho những người dân năng động, dám nghĩ, dám làm.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=143772