'Bây giờ hoặc không bao giờ'

Ngày 23-11, đội tuyển U.22+2 của chúng ta đã bước vào những buổi tập chuẩn bị cuối cùng trên đất Philippines để sẵn sàng ra quân thực hiện giấc mơ vàng SEA Games sau tròn 60 năm mong đợi.

Vẫn là thầy Park, vẫn là nòng cốt các cầu thủ từng làm nên chiến tích không tưởng tại Thường Châu giành ngôi Á quân U.23 châu á hai năm trước. Có cũ có mới trong đội hình này và chắc chắn cũng sẽ có cũ mới trong lối chơi.

Nếu như hàng phòng ngự-phản công là chiến thuật căn bản đã làm nên bản sắc và thành công của các đội tuyển Việt Nam trong tay HLV Park Hang-seo thì ở đấu trường SEA Games, chiến thuật này có thể thay đổi trước từng đối thủ. Có điều tại một giải đấu mật độ khắc nghiệt hai ngày/trận thì không thể không tính toán và linh hoạt để có mạch chiến thắng lại vừa giữ sức, giữ quân, giữ bài hướng tới chiến thắng cuối cùng. Vậy nên sự lựa chọn thực dụng lại được đặt ra. Tuy nhiên chuyện không đơn giản, lặp lại một chiều như vậy. Sau trận hòa 0-0 trước Thái Lan vừa qua đã có ý kiến của một HLV lão làng cho rằng HLV Park Hang-seo đã quá thực dụng, đã sợ thua nên không kiến tạo cho tuyển Việt Nam lối chơi ban bật đẹp mắt, tấn công áp đặt và điều này đã làm cầu thủ không thoải mái phô diễn. Điều này có lý lẽ nhất định song cũng rất đáng trao đổi lại.

Thứ nhất, ông Park đã được giao nhiệm vụ về thành tích cao chưa từng có trên các đấu trường. Thứ hai, như ông từng nói thẳng, người hâm mộ Việt Nam yêu bóng đá nhưng là thứ bóng đá phải thắng. Phải thắng thì khó có thể đi cùng với chơi đẹp trong điều kiện các cầu thủ tấn công Việt Nam không đủ sức, đủ tài. Bóng đá cấp câu lạc bộ trong nước phải lụy dựa vào các cầu thủ ngoại cho hàng công và nhất là trung phong cũng vì vậy. Thứ ba là thực tế các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia trước đây đã từng có nhiều trận đá gần như thêu hoa dệt gấm với lứa cầu thủ từ học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG. Những đội hình và lối đá ấy đã dội những cơn mưa bàn thắng vào lưới các đội tuyển yếu nhưng lập tức chựng lại, bất lực, hoang mang mất tự tin và thất bại trước các đội ngang cơ và nhỉnh hơn. Thứ tư, từ ngày nhận trọng trách nắm các đội tuyển U.23, U.23+ và đội tuyển quốc gia cho đến nay thầy Park toàn phải đưa quân tham dự các giải đấu lớn, đối mặt với các đối thủ phần lớn là quá hiểu và ngang ngửa tài, sức hoặc trên phân, trên đẳng cấp. Với họ chỉ có thể xây dựng lối chơi đá chắc chắn, chặt chẽ trước hết và tạo thế, tạo cơ phản công, tấn công bất ngờ và hiểm hóc mới có thể có chiến thắng.

Thế nên tại sao phải thay đổi, tại sao phải phiêu lưu, lấy sở đoản thay sở trường. Thực tế ở cuối hiệp 2 của trận đấu với tuyển Thái Lan, thầy Park đã mạo hiểm tăng cường hàng công nhưng bất thành. Ngược lại thế trận phòng ngự của tuyển Việt Nam lại suy yếu rõ rệt. Có lẽ sau những phút “tất tay” đó thầy Park càng hiểu thêm về quân mình. Phát biểu tới đây cần phải điều chỉnh của ông được mọi người hiểu sẽ là tăng cường nhân sự cho hàng công.

Nhưng đó là chuyện của hơn 3 tháng nữa khi các trận đấu vòng loại thứ 2 World Cup 2022 trở lại. Bây giờ là U.22+2 trẻ hơn, mới hơn đối đầu với những đối thủ cùng trang lứa. Đấu trường “ao làng” nhưng tại sao nhiều kỳ SEA Games đã qua Việt Nam không thể một lần lên đỉnh vinh quang? Trình độ bóng đá Việt Nam, các đội tuyển Việt Nam trước đây không vượt trên các đội bạn. Còn những năm tháng này đây ta đang có các đội tuyển đứng cao nhất trên đỉnh Đông Nam Á. Vậy các đội bạn thì sao? Chẳng ai biết rõ và đoán chắc lứa trẻ mới của những Indonesia, Malaysia, Philippines không tiến bộ. Thái Lan không tăng cường tuyển thủ trên tuổi 22 vì họ chỉ có mục đích rèn quân hay đã đủ tự tin về tuyến trẻ của mình? Ngay cả Myanmar, Lào, Singapore, Campuchia cũng đều có những tiến bộ đáng ghi nhận. Việc U.19 Campuchia đánh bại U.19 Việt Nam tại giải đấu khu vực rồi hạ gục U.19 Thái Lan ở vòng loại châu lục có phải là tín hiệu đáng phải thận trọng?

Lại nghe “không bao giờ thì bao giờ nữa”-câu nói cửa miệng này từng vang lên ít nhất là trong vài kỳ SEA Games gần đây. Philippines-Bacolod 2005 họa từ bên trong phá ra. Lào 2009 là cú đau bất ngờ trước Malaysia. Malaysia 2017 tưng bừng ra trận nhưng rồi không qua nổi vòng bảng. Từ đáy sâu của khủng hoảng một thế hệ mới cùng thầy Park đã vọt tiến và hiện đã vào độ chín. Lúc này sự tin cậy thực sự là cao hơn bao giờ hết bởi quân hùng tướng mạnh, bởi lối chơi, đội hình đã đi vào ổn định. “Tấn công giỏi thắng một trận đấu nhưng phòng ngự tốt chiến thắng cả giải đấu”-phương châm này thầy Park và các đội tuyển trong tay ông đã thể hiện quá rõ ràng và chúng ta đồng lòng ủng hộ đoàn chiến binh sao vàng vì điều đó.

Sau SEA Games là vòng chung kết U.23 châu Á vào đầu năm tới, hai giải đấu trẻ này còn hứa hẹn phát hiện những nhân tố mới cho tuyển quốc gia. Đã quen và hãy đam mê cùng những cái tên, những tình yêu người trẻ.

ANH NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bay-gio-hoac-khong-bao-gio-603324