Bây giờ lại nói về tiền
Vì tiền hình thành nên lòng tham, mà khi lòng tham đã xuất hiện thì đoán chắc trước hay sau gì bão tố cũng kéo theo về.
Thiệt ra chuyện bây giờ mà Ngô muốn nói thì thiên hạ đã nói từ hàng nghìn năm trước, thiệt ra chuyện bây giờ mà Ngô muốn luận, thiên hạ đã luận từ hàng vạn năm trước. Nhưng nói chậm thì sao mà luận nhanh thì sao, cũng chẳng sao cả đâu bởi còn là người thì còn đau đáu vì tiền thôi.
Bởi suy cho cùng thì trong cuộc đời này thứ làm người ta vui cũng là tiền mà thứ làm cho người ta hối hận cũng là tiền. Trăm nghìn nghìn vạn vạn điều phi lý nhất của cuộc sống này hẳn nhiên cũng là tiền, có người thèm tiền, có người ghét tiền. Vì tiền hình thành nên lòng tham, mà khi lòng tham đã xuất hiện thì đoán chắc trước hay sau gì bão tố cũng kéo theo về.
1. Mấy bữa nay báo giới đăng tải liên tiếp những thông tin liên quan đến tiền, thiệt ra có ngày nào mà không có chuyện tiền tràn trên mặt báo. Có điều đợt nhắc đến tiền này của báo giới được gây chú ý là bởi nhiều tiền quá, mà toàn là tiền liên quan đến vị trí quan nhân.
Nhắc đến chuyện tiền tài, hẳn nhiên không thể nào không nhắc đến chuyện buôn bán, không phải trăm năm trước hay trăm năm sau gì thì cũng không khác chuyện, "phi thương bất phú" hay sao? Tỷ phú đương thời của quốc gia mình là Phạm thương nhân từng chốt hạ một câu vô cùng lẫy lừng, đại ý, "Tôi không có tiền trong người, có lúc cần tôi vẫn phải vay tạm của tài xế. Với tôi, tiền phải đẻ ra tiền, mà tiền để trong người thì không thể nào đẻ ra thêm".
Nhắc đến chuyện phi thương bất phú, không thể nào không nhắc tên đại tài chủ, người đã buôn một chuyến hàng lớn nhất trong lịch sử của đất nước Trung Hoa. Đại tài chủ có tên là Lã Bất Vi.
Thời Chiến quốc bên Tàu có lão lái buôn ở Dương Địch nước Vệ tên là Lã Bất Vi. Nhờ các mánh khóe buôn bán và khả năng nhìn xa của một doanh nhân mà giàu lên nhanh chóng. Trong nhà có tới hàng ngàn lượng vàng. Nhưng Lã Bất Vi chưa bằng lòng, còn muốn giàu nữa.
Một lần, khi bàn đến chuyện kinh doanh, Lã Bất vi hỏi cha: "Làm ruộng lợi gấp mấy?", Cha đáp: "Lợi gấp mười". Lại hỏi: "Buôn châu ngọc lợi gấp mấy?". Cha đáp: "Lợi gấp trăm". Hỏi tiếp: "Buôn gì lãi nhất?". Cha đáp: "Buôn vua". Lã Bất Vi khắc vào bộ nhớ câu trả lời của người sinh ra mình. Tiếp đến thì xảy ra việc của Tần Thủy Hoàng, hẳn nhiên quý độc giả đã từng nghe nên không nhất thiết phải tiếp tục dông dài.
Sách chép, vua không có bạn. Người lên đến vị trí trên vạn người chỉ thua ông trời thì không có bạn, họ Lã buôn được chuyến hàng này thì đời ông không cần phải thực hiện thêm bất cứ một chuyến bán buôn nào nữa. Giang sơn có rồi, chức tước có rồi, cung điện có rồi, quyền lực có rồi... thì biết bán buôn với ai. Thế nhưng, kết cục của họ Lã cũng đâu có gì tốt đẹp.
Kiếm tiền bằng mọi giá chưa bao giờ có kết cục tốt đẹp, làm giàu bằng mọi giá chưa bao giờ có kết cục tốt đẹp, cưỡng đoạt thứ của người biến thành của để dành của mình chưa bao giờ có kết cục tốt đẹp, dựa vào vị trí của mình để trục lợi chưa bao giờ có kết cục tốt đẹp... Có lật một vạn quyển sách, có đọc kinh thư bách gia thì đúc kết này chưa bao giờ thay đổi, cũng chưa có thực tế điển hình nào có thể chứng minh khác đi.
Nhưng đạo trời đạo người đơn giản vậy tại sao quý bạn đọc và Ngô vẫn phải chứng kiến biết bao nhiêu người hớn hở phấn khởi lao mình vào minh họa cho câu chuyện "tham thì thâm, gieo gió thì gặt bão", riêng việc này Ngô không bao giờ hiểu được, tuyệt không bao giờ hiểu được.
2. Hai ông cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vừa bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an xác định đã "vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" và "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" để giúp Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") thôn tính hàng loạt công sản, trụ sở khiến ngân sách nhà nước thất thoát áng 22 nghìn tỷ đồng.
Là 22 nghìn tỷ, con số này kinh hoàng quá nên khiến Ngô hơi bối rối, chưa biết phải lý giải như thế nào.
Năm ngoái trong cuộc thi Phổ thông Trung học Quốc gia ở môn Ngữ văn có trích đoạn bài thơ "Đánh thức tiềm lực" của nhà thơ Nguyễn Duy và yêu cầu các sĩ tử tập trung phân tích. Ngay câu đầu tiên của trích đoạn trên ngẫu nhiên có mấy chữ, "Hãy thức dậy, đất đai". Tất nhiên trong chuyên mục trà dư tửu hậu này nhiều năm nay Ngô chọn lối viết trào phúng để mua vui cho bạn đọc, đúng với tên gọi là chuyện gió mây tầm phào giữa lúc thư nhàn, giữa những rảnh rang nên quý bạn đọc không nhất thiết phải cãi nhau với Ngô làm gì.
Cái câu "Hãy thức dậy, đất đai" của nhà thơ Nguyễn Duy mà Ngô dẫn ra hoàn toàn không có ý nghĩa đất đai là công sản để đẩy hàng loạt quan chức vào cảnh tù tội. Sở dĩ phải chú thích cái này một chút là nhằm để quý bạn đọc đỡ thắc mắc mà cáu giận.
Trở lại câu chuyện 22 nghìn tỷ thất thoát ở Đà Nẵng cũng như câu chuyện TP HCM bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải thu hồi 26 nghìn tỷ tiền chi sai ngân sách trong dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, TP HCM), nhẩm sơ sơ hai địa phương này thì 48 nghìn tỷ, hơn 2,2 tỷ đô. Một số tiền mà bất cứ đất nước nào cũng mong muốn để biến đó thành nguồn lực quốc gia.
Cuối năm 2017, Quốc hội đã thể hiện quyết tâm thực hiện xây dựng đường cao tốc Bắc Nam hiện đại với 6 làn xe có tổng mức đầu tư trên 118.000 tỷ đồng, trong đó có 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước cho 654km đường. Nghĩa là chỉ hai sai phạm tại hai thành phố Đà Nẵng và TP HCM, đã đủ kinh phí cho gần 1/2 chiều dài tuyến đường cao tốc Bắc Nam. Trong lúc Bộ Giao thông Vận tải không ngớt kêu thiếu tiền, thiếu kinh phí, trong lúc Chính phủ không ngừng kêu gọi tiết kiệm thắt lưng buộc bụng, xem xét giảm bớt chi phí công... thì mấy chục nghìn tỷ lại lặng lẽ bốc hơi ra khỏi quốc khố. Hỏi ai nhìn thấy mà không đau, hỏi ai biết chuyện mà không phẫn nộ.
Khoan bàn đến những hàng nghìn tỷ đã hóa thành sắt vụn ở các công ty, khoan bàn đến những công trình hạ tầng đội vốn từ gấp đôi cho đến mấy chục lần, khoan bàn đến những cầu cống đường sá đang trùm mền không hẹn ngày hoàn thành... chỉ mới nhìn qua hai vụ việc bị Trung ương điểm mặt chỉ tên đủ để thấy tiềm lực kinh tế của quốc gia đã bị tiêu xài một cách hoang phí, đã bị mang ra để thỏa mãn lòng tham cá nhân ra sao.
Trong bài viết rất xúc động của mình, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng nêu rất rõ, "lòng dân ấy chính là vận nước", với những câu từ thiết tha, " Cũng cần khẳng định rằng việc phanh phui, gột rửa những nhem nhuốc, tiêu cực sẽ không dừng lại, mà từ đây, với niềm tin đã được xốc dậy, cả đất nước sẽ đồng lòng, chung sức diệt trừ giặc nội xâm.
Chẳng phải trong nhân dân, trong mỗi đảng viên đã luôn bất bình và phẫn nộ trước nạn tham nhũng, suy thoái? Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến những kẻ có lòng tham vô đáy lợi dụng kẽ hở của chính sách, lạm dụng quyền lực để móc túi nhân dân, rồi chính những kẻ đó và bè cánh lại tìm mọi cách để "chui sâu, leo cao" hơn nhằm bảo đảm cho khối tài sản ăn cắp đó tiếp tục sinh sôi, nảy nở?
Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Đảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu? Người chép sử không bao giờ viết chữ "nếu". Chính vì vậy mà ngay lúc này, Đảng và những người nắm giữ vai trò chèo lái đất nước phải kiên quyết hành động".
3.Có rất nhiều bạn bè của Ngô thường cao đàm khoát luận những sai phạm của quan chức bị vạch trần trong thời gian vừa qua có bắt nguồn từ lỗi hệ thống, vĩnh viễn Ngô tôi không thể đồng thuận với điều này. Ngô vẫn nghĩ, cá nhân vẫn là quan trọng, cá nhân không sai cá nhân giữ được mình thì không thể bị tha hóa dẫu trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Còn bây giờ cá nhân biết sai nhưng vì mục đích riêng vẫn nhắm mắt làm bừa, biết giao công sản cho người này người kia là sai phạm, biết ký tá công văn này đề nghị kia là trái với pháp luật nhưng vẫn ký... thì làm sao có thể gọi đó là lỗi hệ thống được, là lỗi cá nhân chứ. Còn nếu giả dụ bảo tôi biết việc này là sai nhưng do cấp trên yêu cầu thúc ép, cấp trên yêu cầu thúc ép mà bắt sai thì phải từ chối hoặc báo cáo lên cấp cao hơn chứ. Thấy cái sai không đấu tranh, thấy cái không đúng với nhận thức đầy đủ vẫn nhất nhất thực hiện theo thì hóa ra là cũng đang âm mưu đồng lõa, thỏa hiệp với cái xấu thôi... có gì đâu mà biện với hộ.
Mà làm gì có ai làm cái sai, nghe theo người khác làm cái sai lại không được bánh ít đi bánh quy lại. Nhưng cái ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị một Tổng công ty lớn của Nhà nước vẫn khai nhận trót sa vào chuyện tù tội là vì biết sai vẫn ký, ký vừa được tiền lại vừa được lãnh đạo ủng hộ tiếp tục làm sếp tại tổng công ty cũ. Rõ ràng là vì chính bản thân mình thôi, rõ ràng là vì mình mà làm điều càn quấy thôi. Mặc dù Ngô vẫn không minh định được, nay bất chấp kiếm tiền, mai hầu tòa hối hận thì có đáng không, có xứng không?
Nên bây giờ lại nói về tiền ấy, mà bây giờ không có đủ biện pháp mạnh để ngăn chặn lòng tham ấy, thì tiền ấy cũng là tiềm lực quốc gia ấy vẫn đang bị tàn phá mỗi ngày.
Buồn này sao nguôi.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/bay-gio-lai-noi-ve-tien-562053/