Như những năm trước, cứ đến tháng bảy Âm lịch, phố Hàng Mã (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại tấp nập kẻ mua người bán, đặc biệt là những ngày cận kề ngày rằm, những ngày làm lễ cúng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, số cửa hàng bán vàng mã trên phố Hàng Mã ngày một ít đi, những cửa hàng còn sót lại đều chịu cảnh ế ẩm, đìu hiu, ít khách qua lại mặc dù ngày rằm tháng 7 đang cận kề.
Thay vì hình ảnh tấp nập người ra người vào tại các cửa hàng như mọi năm, thì những chủ buôn lại được "ngồi chơi xơi nước". "Tôi không dám nhập nhiều hàng vì những năm gần đây lượng mua giảm đáng kể, một phần là người dân ít đốt, một phần là tại nhiều chùa bây giờ không cho hóa vàng nữa nên không ai mua", một tiểu thương chia sẻ.
Lác đác một vài khách mua hàng dù đã cận kề ngày rằm tháng 7.
"Giờ cửa hàng chủ yếu chuyển sang bán đồ trang trí, bán đồ Trung thu, với những phụ kiện nho nhỏ, còn bán vàng mã chỉ là phụ, vì lượng mua giờ rất ít, không bõ công vận chuyển, nhập hàng", một tiểu thương chia sẻ.
Tuy cửa hàng sụt giảm, tiểu thương nhập hàng ít đi nhưng các sản phẩm đều được làm mới, vô cùng đa dạng, từ những món đồ thường mua như quần áo, ngựa, mũ nón, tiền vàng... đến các mặt hàng xịn xò như nhà lầu, laptop, điện thoại, ô tô...
Một tiệm vàng mã với đa dạng mẫu mã quần áo cho nhiều lứa tuổi.
Thời trang hàng hiệu, trang sức, túi xách, nhà cửa, ti vi.... được bày la liệt trên hè phố.
Cặp học sinh, điện thoại thông minh, đồng hồ...được bày bán để hút khách qua lại.
Những chiếc váy, quần áo bằng giấy được làm tỉ mỉ như đồ thật.
Một bộ quần áo, giày dép, trang sức, đồ dùng cho người cõi âm loại thường có giá từ 50.000 - 200.000 đồng/bộ.
Những ngày này, nhiều gia đình thường sắm sửa thêm đồ vàng mã để đốt cho người đã mất, bày tỏ lòng thành. Đây cũng là thời điểm thị trường vàng mã nhộn nhịp nhất trong năm. Vài năm trở lại đây, việc đốt vàng mã được kêu gọi hạn chế nên thị trường buôn bán đồ cõi âm vì thế mà có phần hạn chế.
Duy Phạm