Bảy Núi đón mùa hành hương

Khi đất trời nhuốm cái nắng tươi vàng như rót mật của mùa xuân thì Bảy Núi cũng bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, đó là mùa hành hương. Lúc ấy, thiên nhiên và con người nơi đây dường như cũng hối hả hơn với những đoàn khách du lịch từ khắp mọi miền đất nước đến đây.

Những đoàn xe nối dài trên các tuyến giao thông, những địa điểm thờ tự lúc nào cũng nghi ngút khói hương, những hàng quán phục vụ ăn uống đông đúc khách… Tất cả đã trở thành một phần của mùa hành hương vùng Bảy Núi hàng năm. Nếu nói miền Nam có 2 mùa mưa - nắng thì mùa hành hương trùng với thời điểm của mùa nắng, tức là từ tháng 11 đến tháng 4 (âm lịch). Khi ấy, thời tiết khô ráo, thích hợp cho việc cúng viếng của du khách cũng như hoạt động giao thông được thuận lợi hơn.

Với khách phương xa, mùa hành hương là thời điểm thích hợp để họ trải nghiệm vùng đất của nắng và gió, để ngắm những hàng thốt nốt trải dài trên mấy cánh đồng ngút ngàn. Do hoạt động hành hương bắt nguồn từ nhu cầu tín ngưỡng nên du khách sẽ thiết kế chuyến đi sao cho phù hợp nhất, ghé được nhiều điểm thờ cúng linh thiêng ở An Giang. Thông thường, du khách sẽ đến TP. Châu Đốc viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, Tây An cổ tự… rồi dạo chơi ở thành phố trẻ bên sông để cảm nhận nét đặc trưng của một đô thị đang vươn mình ở miền biên giới.

Chùa Lầu với kiến trúc độc đáo thu hút khá nhiều du khách

Nếu có điều kiện, du khách sẽ sắp xếp thời gian đến Châu Đốc đúng mùa vía bà để tận hưởng những nét đặc sắc của một lễ hội trăm năm và có 20 năm trở thành lễ hội cấp quốc gia. Với quá trình tái hiện lịch sử thời điểm rước tượng bà trên đỉnh núi về ngự trong miếu cũng như lễ tắm bà, lễ thỉnh sắc thần Thoại Ngọc Hầu trở thành điểm nhấn đặc biệt đối với du khách về vùng Châu Đốc - núi Sam.

Khi đến với Bảy Núi, du khách có thể ghé thăm miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp với khung cảnh tươi đẹp cùng những công trình đậm tính thẩm mỹ, mang đến cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Điều khiến du khách rất thích khi đến với nơi này đó là Ban Hội miễu Miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp đã cố gắng tổ chức phục vụ ăn uống miễn phí cũng như sắp xếp nơi đậu xe thuận lợi cho khách phương xa. Thực tế, khá nhiều điểm hành hương ở Bảy Núi có phục vụ ăn uống miễn phí, dù chủ yếu là món chay nhưng cũng giúp du khách cảm thấy ấm lòng. Ngoài miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp, du khách có thể ghé thăm những ngôi chùa độc đáo ở Tịnh Biên như: chùa Lầu (Phước Lâm tự), chùa Bánh Xèo (thiền viện Đông Lai)… để ngắm cảnh và gửi mong ước của mình đến các đấng siêu nhiên. Các điểm chùa này đều có khung cảnh đẹp, độc đáo và sự mến khách nên được nhiều người tìm đến.

Du khách trải nghiệm chiếc cầu treo bắc qua các thân cây thốt nốt tại chùa Lầu

Trên tuyến đường hành hương, du khách sẽ lên đỉnh Thiên Cấm Sơn để thả hồn theo mây trời lãng đãng, ngắm nhìn nụ cười an nhiên của Phật Di Lặc, nghe tiếng chuông chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn vọng xuống mặt nước hồ Thủy Liêm trong veo với hàng ngàn con cá tung tăng bơi lội. Những ai có tâm hồn lãng mạn sẽ cảm thấy lưu luyến “nóc nhà miền Tây” với khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi và non nước hữu tình. Đâu đó là những khóm hoa cẩm tú cầu, hoa sim tím gợi lên chút gì đó bâng khuâng của núi rừng. Nếu lên đến đỉnh Bồ Hong, du khách sẽ được tắm mình trong mây và “thu vào tầm mắt muôn trung nước non” để cảm nhận một chút Đà Lạt của nơi này, vốn rất khác biệt với phần còn lại của vùng Bảy Núi.

Để lại sau lưng khung cảnh thơ mộng, linh thiêng của đỉnh Thiên Cấm Sơn, du khách có thể đến rừng tràm Trà Sư ở xã Văn Giáo (Tịnh Biên), nơi được công nhận kỷ lục “rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi” và trải nghiệm chiếc “cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam”. Ngoài ra, du khách có thể tham gia các trò chơi hào hứng tại Công viên nước Thanh Long ở Khu du lịch Lâm viên núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên). Đặc biệt, du khách có thể đến chợ Tịnh Biên để tìm hiểu, mua sắm các mặt hàng Thái Lan nhập khẩu. Những ai lần đầu đến đây sẽ bị choáng ngợp bởi sự tấp nập, tất bật của chợ Tịnh Biên trong mùa hành hương.

Hiện nay, UBND tỉnh cùng ngành chuyên môn và các địa phương đang nỗ lực nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, cải thiện chất lượng phục vụ tại các điểm du lịch, nhằm mang đến sự hài lòng cho du khách khi đến với miệt Thất Sơn mầu nhiệm. Với sự quan tâm từ các cấp, ngành, mùa hành hương nói riêng và hoạt động du lịch của tỉnh nói chung sẽ tiếp tục có bước tiến mới, phát huy vai trò, vị thế của An Giang trong bản đồ kinh tế vùng ĐBSCL.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bay-nui-don-mua-hanh-huong-a263972.html