Bảy sắc cầu vồng nghệ thuật tài hoa
Phải nói tới nay, khán giả đều biết tới gia đình NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai cùng với ba cô con gái: NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vân và nghệ sĩ múa Lê Vi. Danh họ Lê trong gia đình này cần phải nhắc tới cố nghệ sĩ Lê Đại Thanh (1907-1996), thân phụ của NSƯT Lê Mai và NSND Lê Chức nữa mới đầy đủ. Lê Đại Thanh là diễn viên cùng thời với Thế Lữ, Song Kim... Đây là đại gia đình hiếm hoi đạt được nhiều danh hiệu cao quý trong làng sân khấu và điện ảnh.
Dưới ánh đèn màu
Cố NSND Trần Tiến (1937-2023) được mệnh danh là quái kiệt trên sàn diễn kịch nói Việt Nam. Những mảng miếng trong hề chèo mà nghệ sĩ Trần Tiến theo đuổi từ ban đầu dường như tạo nên bản sắc tài hoa trong nhiều vai diễn. Tuy không phải vai nào của Trần Tiến cũng mang phong vị hoạt kê nhưng nghệ thuật truyền thống đã vận vào ông như một định mệnh. Cho nên mỗi khi ông bước ra sân khấu là khán giả đã bị thu hút và bật cười.
Có lần ông đóng một vai chỉ ngồi thu lu trùm chăn trên một chiếc ghế bành (Vở "Chuông đồng hồ điện Kremlin"-Nga). Ngỡ như nhân vật đông cứng chẳng có hành động gì nhưng mỗi khi ông lật chăn che đầu ra nói một tiếng thôi cũng làm khán giả khoái trá vỗ tay tán thưởng. Khán giả không thể quên ông ở những vai lớn như Nguyễn Trãi (Nguyễn Trãi ở Đông Quan) hay trước đó là vai Đại Cát (trong vở ''Quẫn''). Đó là những vai rất chỉn chu không tạo chất liệu “humor” trên sân khấu. Nhưng tới vai Đế Thích của Trần Tiến lại thêm một lần bùng nổ chất dân gian hoạt kê tài hoa. Nghệ sĩ Trần Tiến còn có nhiều duyên nợ với phim trường. Ông từng đóng tới 20 phim điện ảnh và truyền hình. Đặc biệt có lần nghệ sĩ Trần Tiến đã đóng phim cùng con gái Lê Vân trong phim “Tự thú trước bình minh” (1979). Ông được phong danh hiệu NSND vào năm 1993.
Người gắn bó sự nghiệp sân khấu với NSND Trần Tiến là vợ ông NSƯT Lê Mai (sinh năm 1938). Mới 16 tuổi bà rời quê Hải Phòng theo cha lên diễn kịch ở Hà Nội và trở thành diễn viên Đoàn Kịch nói Trung ương. Sau này nghệ sĩ Lê Mai chuyển sang Đoàn Kịch Hà Nội và trở thành ngôi sao sáng giá qua nhiều vở diễn. Trong thời kinh tế bao cấp bà phải làm nhiều việc để mưu sinh nuôi các con ăn học nên sức khỏe giảm sút khá nhanh (có lúc xuống tới 34kg). Bà chuyển sang làm việc hành chính. Dù vậy nhưng vẫn không xa được ánh đèn sân khấu. Khi kinh tế thị trường khởi động, sân khấu được xã hội hóa bà vẫn theo đuổi nghiệp diễn ở sân khấu nhỏ. Có không ít vở bà đã đóng cùng với con gái Lê Khanh trên sân khấu tại 51 Trần Hưng Đạo ngày đó. Sau khi về hưu bà còn đóng góp cho những vai diễn trên phim truyền hình dài tập và tạo được tiếng vang trong làng nghề. Nghệ sĩ Lê Mai được phong danh hiệu NSƯT năm 2023.
Điều thú vị song trùng niềm vui với NSƯT Lê Mai là em trai bà, nghệ sĩ Lê Chức (sinh 1947) cũng được phong danh hiệu NSND đợt này. Đài từ sân khấu Lê Chức có âm sắc giống bố Lê Đại Thanh và chị gái Lê Mai. Đây là điểm mạnh của NSND Lê Chức khi diễn xuất dưới ánh đèn sân khấu. Nhân vật của ông luôn có màu sắc riêng biệt phóng khoáng bay bổng cùng chiều sâu triết lý nhân sinh. Khi còn là diễn viên Đoàn Kịch Hải Phòng, nghệ sĩ Lê Chức nổi tiếng qua các vai chính trong các vở “Masa” (vai Victo); “Con cáo và chùm nho” (vai Edop); “Biên bản một cuộc họp đảng ủy” (vai Bí thư Xolomakhin)…
Những vai anh diễn luôn có chất thơ ẩn chứa bên trong nên đẹp về phong cách và nổi bật về đài từ giàu cảm xúc. Nét đặc trưng này còn được thể hiện đậm nét qua những kịch mục mà Lê Chức làm đạo diễn. Đó là thời kỳ anh làm Giám đốc Nhà hát Cải Lương Việt Nam trong nhiều năm. NSND Lê Chức đoạt hàng chục giải thưởng về diễn xuất, đạo diễn sân khấu cùng tác giả kịch mục. NSND Lê Chức còn nổi tiếng là người đọc lời bình phim tài liệu xuất sắc trong hàng chục năm qua.
Hương sắc những mỹ nhân dòng họ Trần-Lê
Cả ba người con gái của NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai đều theo nghiệp của gia đình. Nhan sắc và tài năng của họ đều được thừa hưởng từ cha mẹ. Vẻ đẹp rực rỡ của NSƯT Lê Vân (Trần Lê Vân-sinh năm 1958) đã chinh phục khán giả qua khuôn hình điện ảnh. Lê Vân sớm khẳng định tài năng qua một loạt phim như “Chom và Sa” (1978). Khi đó chị mới 20 tuổi và còn đang học ba lê ở Trường Múa Việt Nam. Liên tiếp sau đó là các phim “Những con đường” (1969); “Đất mẹ” (1980). Rồi bất ngờ Lê Vân nổi bật với vai chính trong phim “Chị Dậu” (1981) và sau đó là vai Duyên trong phim “Bao giờ cho đến tháng mười” (1985). Vai Duyên xinh đẹp thùy mị của Lê Vân được nhận giải Bông Sen Vàng (Nữ diễn viên xuất sắc nhất-LHP 1985).
Tuy nhiên có lẽ ít người biết Lê Vân còn xuất hiện trên sàn múa với những tiết mục solo đặc sắc. Đáng kể là vũ điệu “Kiếp phù du” do chính chị sáng tác và biểu diễn rất nổi tiếng. Lê Vân còn đóng một loạt phim khác tới năm 1996 thì chị "dừng cuộc chơi". Tuy vậy Lê Vân vẫn để lại cho khán giả thêm yêu mến chị qua nhân vật Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong phim “Đêm hội long trì” (1989). Người ta nói chị là hiện tượng điện ảnh Việt Nam quả không sai.
Sự thú vị ở cả ba chị em dòng họ Trần-Lê này đều cùng nổi bật với ống kính điện ảnh. Tuy Lê Vân sớm vẻ vang với màn ảnh rộng thì NSND Lê Khanh (sinh năm 1963) và NSƯT Lê Vi (sinh năm 1968) cũng không thua kém chị qua phim trường. Cùng ở tuổi 20 nghệ sĩ múa Lê Vi sáng láng qua bộ phim “Truyện cổ tích cho tuổi 17” (năm 1988). Đúng thời điểm Lê Vân lui về ở ẩn sau bộ phim “Lời thề” (1996) thì Lê Vi lại bùng cháy với bộ phim “Cây bạch đàn vô danh” (vai Bình-1996). Và nghệ sĩ Lê Vy cũng đoạt luôn giải thưởng Bông Sen Vàng như cô chị. Đồng thời NSƯT Lê Vi còn là nghệ sĩ múa chính của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam. Chị đoạt không ít huy chương trong các kỳ hội diễn toàn quốc.
Riêng NSND Lê Khanh trong lĩnh vực điện ảnh cũng rất bất ngờ. Chị được làm quen với điện ảnh từ khi mới 8 tuổi. Vai chính đầu tiên của Lê Khanh xuất hiện còn sớm hơn cả cô chị lẫn cô em khi ở tuổi 15. Khi đó chị đóng vai cô thanh niên xung phong trong phim “Từ một cánh rừng” (1978). Đúng một năm sau Lê Khanh về học tiếp lớp diễn viên khóa I (Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam).
Nếu nghệ sĩ múa Lê Vi dừng chân sau phim “Hai phía chân trời” (2012), thì Lê Khanh tiếp tục say sưa tham gia đóng phim. Đó là những năm tháng thăng hoa của Lê Khanh qua khá nhiều phim, nổi bật như: “Săn bắt cướp” (vai tu sĩ Băng Thanh); “Dòng sông hoa trắng” (vai Điệp); Rồi nhân vật Lan trong phim “Chuyện tình bên dòng sông”; và Kiều Loan qua phim “Chiếc mặt nạ da người”… Thậm chí sau khi về hưu NSND Lê Khanh còn đoạt giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc” (phim "Gái già lắm chiêu", 2021). Chưa hết, mới gần đây thôi năm 2022, Lê Khanh còn được nhận giải “Diễn viên điện ảnh của năm”.
Vỹ thanh
Sức làm việc của nghệ sĩ Lê Khanh thật đáng nể. Chị vừa đóng phim vừa diễn kịch với sự sáng tạo hết mình. Riêng lĩnh vực sân khấu kịch nói, Lê Khanh mới được coi là địa hạt sở trường. Hiện diện trước ống kính phim trường Lê Khanh có gương mặt ăn hình đẹp thanh tú. Nhưng khi trở về với sân khấu chị lại thể hiện một ánh sáng khác lạ.
Với nét đẹp sang trọng và mê đắm khác thường. Lê Khanh sớm khẳng định tài năng qua vai Juliet (Romeo và Juliet). Sau đó sự nghiệp của chị ngày càng rực rỡ và nhận được nhiều Huy chương Vàng qua hơn 40 vở diễn. Lê Khanh là nghệ sĩ tài năng vào bậc nhất ở sân khấu kịch Việt Nam. Chị được phong danh NSƯT và NSND vượt cấp. Hiện nay Lê Khanh giữ kỷ lục khi được phong danh NSND ở tuổi 38.
Điều thú vị NSND Lê Khanh cũng có giọng đọc bình luận hay giống như NSND Lê Chức vậy. Chị đã từng được mời đọc thơ với dàn nhạc giao hưởng quốc gia. Lê Khanh luôn làm mới mình ở nhiều lĩnh vực kịch nghệ và thể hiện sự sáng tạo độc đáo. NSND Lê Khanh là một ngôi sao nghệ thuật lớn đại diện tiêu biểu cho dòng họ Trần-Lê trong cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh nước nhà.
Có thể nói, họ là một gia đình nghệ thuật nhiều NSND và NSƯT thành danh hiếm có ở nước Việt Nam.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/bay-sac-cau-vong-nghe-thuat-tai-hoa-i717854/