Bay thẳng Việt – Mỹ: Có thực sự dễ 'ăn'?

Đường bay thẳng Việt – Mỹ rất hấp dẫn nhưng là giấc mơ đầy cạm bẫy với các hãng bay nội bởi bài toán kinh tế không dễ giải.

Thị trường hàng không Việt những ngày gần đây được hâm nóng bởi tin “Bamboo Airways bay thẳng Việt - Mỹ”. Nhưng theo chuyên gia hàng không, giấy phép của Bamboo Airways là thuê chuyến quốc tế đặc biệt, không phải thường lệ và các chuyến bay này thì Vietnam Airlines đã bay từ năm 2020, đến giờ đã 17 chuyến.

Thực tế, hai năm trở lại đây, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways… đều nuôi mộng mở đường bay đến Mỹ và dùng nó để quảng bá cho năng lực của mình. Tuy vậy đây là đường bay vô cùng cạnh tranh và bài toán lợi nhuận luôn làm các hãng đau đầu bởi có thể lỗ hàng triệu USD mỗi năm.

Bay là lỗ

Chia sẻ với VTC News một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhận định không dễ để bay thẳng Việt Nam đến Mỹ trong bối cảnh hiện tại. Nguyên nhân do rào cản lớn về kỹ thuật tàu bay và thương mại.

Từ 2020 Vietnam Airlines đã bay 17 chuyến từ Việt Nam đến Mỹ theo hình thức thuê chuyến. (Ảnh: VNA)

Từ 2020 Vietnam Airlines đã bay 17 chuyến từ Việt Nam đến Mỹ theo hình thức thuê chuyến. (Ảnh: VNA)

Hiện nay chưa có loại máy bay nào bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ mà chở được đủ khách và hàng. Phương án bay dừng một điểm thì chi phí, thời gian bay tăng lên rất nhiều và tính cạnh tranh của sản phẩm chưa đủ cao.

Ngoài yếu tố kỹ thuật, bài toán đau đầu nhất đối với hãng hàng không khi tính toán mở đường bay thẳng đến Mỹ là làm sao cạnh tranh được về giá.

Bài toán thương mại đã được đặt ra từ cả chục năm trước. Vietnam Airlines từng tính toán trong giai đoạn 2005-2006, nếu hãng này bay đến Mỹ bằng Boeing 777-200, mỗi năm Vietnam Airlines có thể lỗ khoảng 100 triệu USD.

Trường hợp khai thác 2 dòng máy bay siêu hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu là A350-900 và B787-9, mức lỗ có thể giảm xuống thấp nhất là 5 triệu USD và cao nhất khoảng 30 triệu USD/năm trong thời gian đầu khai thác.

Tuy vậy mọi nghiên cứu đều cho thấy, bay đến Mỹ đường bay dài hơn bay đến châu Âu 4 giờ bay, trong khi giá vé chênh lệch không đáng kể, mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn và Vietnam Airlines chắc chắn sẽ phải cân nhắc việc tăng tần suất bay đến châu Âu lên hay mở đường bay đến Mỹ.

Nhiều chuyên gia về hàng không cũng khẳng định, khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ không hề dễ và Mỹ không thực sự là một thị trường tiềm năng. Tính toán cho thấy, phải 5-10 năm, các hãng mới có thể hòa vốn.

Nhìn lại lịch sử đường bay này, có hai hãng hàng không nước ngoài từng thử sức là United Airlines và Northwest Airlines. Tuy vậy cả hai đã phải dừng khai thác vì không tìm ra lời giải cho bài toán kinh tế.

“Hỏi vì sao Vietnam Airlines chưa bay đến Mỹ, cũng cần hỏi tại sao các hãng hàng không Mỹ có thể bay đến Việt Nam rồi mà họ không bay? United Airlines đã bay đến TP.HCM từ năm 2007, sau 5 năm đã chấm dứt đường bay. Delta Airlines cũng đã bay tới TP. HCM và cũng phải đóng đường bay rất nhanh sau đó”, nguyên Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành thẳng thắn khi được hỏi vì sao chưa mở đường bay thẳng đến Mỹ.

Hiểu sao về chuyến bay của Bamboo Airways?

Ngày 21/9, tại New York (Mỹ), Bamboo Airways chính thức công bố đường bay thẳng Việt - Mỹ và ra mắt Aviaworld (liên doanh của Aviareps AG) với vai trò Tổng đại lý chính thức của hãng tại thị trường Mỹ. Đại diện Bamboo Airways cho biết đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh, thực hiện những bước tiến mới nhằm mở đường bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt - Mỹ.

Bamboo Airways vừa bay thẳng Việt – Mỹ cũng theo dạng "bay charter”. (Ảnh: BBA)

Bamboo Airways vừa bay thẳng Việt – Mỹ cũng theo dạng "bay charter”. (Ảnh: BBA)

Bamboo Airways cũng đã thực hiện chuyến bay thẳng đến Mỹ vào tối 23/9 dưới hình thức thuê chuyến đặc biệt quốc tế (international special charter) để phục vụ cho các dịch vụ lữ hành, hồi hương.

Những động thái của Bamboo Airways khiến nhiều người tin rằng đường bay thẳng không dừng thương mại thường lệ kết nối Việt Nam - Mỹ đã mở ra với hãng. Tuy vậy, chuyên gia về hàng không cho biết, chuyến bay thẳng Việt - Mỹ mà Bamboo Airways vừa thực hiện là những chuyến bay “charter” với mục đích nhân đạo, không phải chuyến bay thương mại, không được phép bán vé máy bay rộng rãi, và chỉ được phép chở đúng số lượng hành khách thuê chuyến bay đó.

Theo Vietnam Airlines, với hình thức “bay thuê” như vậy, từ 7/5/2020 - 24/9/2021, Vietnam Airlines đã thực hiện 17 chuyến bay thẳng chặng Việt - Mỹ để đón công dân về nước. Trong đó, chuyến bay thẳng đầu tiên chở công dân về nước tránh dịch vào 7/5/2020. Hành trình chiều đi bay thẳng từ Hà Nội đến San Francisco không cần dừng tiếp nhiên liệu. Máy bay khai thác là Boeing 787-10.

Vẫn theo chuyên gia, các chuyến bay thường lệ khác biệt hoàn toàn với các chuyến bay thuê chuyến đặc biệt quốc tế mà một số hãng hàng không Việt đang được nhà chức trách Mỹ cấp phép.

Theo đó, chuyến bay thường lệ được thực hiện đều đặn theo lịch bay mà hãng hàng không công bố, không hạn chế mọi đối tượng hành khách và mở bán vé rộng rãi tại website, ứng dụng di động, phòng vé,... của hãng bay. Tất cả hành khách đều có thể tự tra cứu lịch bay, tùy chọn đặt chỗ, mua vé với mức giá phù hợp theo nhu cầu cá nhân trên các chuyến bay thường lệ.

Trong khi đó, các chuyến bay thuê chuyến đặc biệt quốc bị giới hạn về lịch bay, đối tượng, mục đích như đưa công dân Việt. Các chuyến bay này chỉ được phép khai thác trong khoảng thời gian quy định, sau khi kết thúc hãng hàng không phải xin phép lại từ đầu.

Bay thẳng đến Mỹ, có phải cứ thích là được?

Chia sẻ với VTC News, đại diện hãng Vietnam Airlines cho biết, để bay thẳng đến Mỹ, các hãng hàng không cần đáp ứng một loạt thủ tục về pháp lý, bao gồm được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (DOT) cấp phép bay thương mại Mỹ; được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp phép khai thác; đề nghị cấp quyền cất và hạ cánh tại mỗi sân bay mà hãng dự kiến khai thác.

Cùng đó, các hãng còn phải được Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ cấp phép (TSA); hoàn tất hàng loạt các thủ tục khác với Cơ quan quản lý thu nhập nội địa Mỹ, Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ; thông báo lịch bay, kế hoạch ứng phó khẩn nguy... đến các cơ quan hữu quan của Mỹ.

Trong số này, việc cấp phép của DOT, FAA và TSA được coi là 3 điều kiện đặc biệt quan trọng nhất.

Hiện tại, các hãng hàng không Việt mới chỉ có cấp phép của DOT, chưa có giấy phép của FAA và TSA nên chắc chắn chưa thể sớm cất cánh bay thẳng thường lệ đến Mỹ.

Trên thực tế, việc được Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ (TSA) cấp phép được coi là bước cuối cùng và quan trọng bậc nhất do thủ tục ở khâu này đặc biệt khắt khe.

Theo đó, TSA sẽ phải sang khảo sát sân bay ở Việt Nam, đảm bảo phía Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh của phía Mỹ hay không mới xem xét các bước tiếp theo. Việc cấp phép của TSA cũng chính là cơ sở để Cục hàng không Mỹ (FAA) cấp phép khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Vietnam Airlines đã bắt đầu tiến hành thủ tục tại các cơ quan chức năng của Mỹ từ tháng 11/2016 và đã được DOT cấp Giấy phép khai thác từ tháng 8/2019. Hiện nay Hãng đã hoàn thành phần lớn các giai đoạn đánh giá xin cấp phép bay thường lệ theo yêu cầu của FAA. Khi được TSA phê chuẩn, giấy phép của cơ quan này sẽ là cơ sở để FAA cấp phép cho Vietnam Airlines.

Hòa Bình

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bay-thang-viet-my-co-thuc-su-de-an-ar638728.html