Bảy thập niên gắn bó với nghề may áo dài
Đã bước qua tuổi 80, con cái đều thành đạt, nhưng ngày ngày, bà Lê Thị Quyến (phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm) vẫn mở cửa hiệu, tiếp khách và kỳ cạch ngồi may áo bằng chiếc máy khâu cũ. Đã hơn bảy mươi năm bà Quyến gắn bó với chiếc áo dài truyền thống.
Hà Nội không thiếu những thương hiệu áo dài có tiếng, cửa hàng, cửa hiệu lộng lẫy, sáng choang. Nhưng muốn tìm về một Hà Nội cũ, nhiều người vẫn chọn những nhà may áo dài có chữ “Trạch” trong tên gọi. Đấy là những cửa hàng may áo dài có nguồn gốc từ làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa). Một trong số ấy là nhà may Vinh Trạch. Tương tự như những cửa hiệu khác ở phố cổ, cửa hàng may Vinh Trạch trên phố Lương Văn Can chỉ rộng hơn chục mét vuông. Không đèn led, cũng chẳng cầu kỳ trong trang trí mời gọi khách như những cửa hàng thời trang khác, nhà may Vinh Trạch gợi nhớ những cửa hàng thân quen của Hà Nội những năm 1990. Và ở đó, có một người cũng “cũ kỹ” - bà Lê Thị Quyến.
Sinh ra ở làng Trạch Xá, gia đình đều theo nghề may, thế nên cô bé Lê Thị Quyến “bén” đường kim mũi chỉ từ lúc nhỏ. Năm 12 tuổi, cô đã theo cha lên Hà Nội may đo áo dài. Chẳng mấy chốc, cô bé đã tự tay may được một chiếc áo dài hoàn chỉnh. “Các cụ dạy đường kim mũi chỉ từ bé, song để dựng được chiếc áo dài ưng ý không phải là dễ. Nói là mê áo dài thì cũng không đúng, nhưng khi mình làm miết trong bao nhiêu năm, thì cái nghề nó ngấm vào mình lúc nào không hay. Cần nhất là sự kiên trì, tỉ mẩn. Bây giờ nhiều người dùng máy may tà áo. Gia đình tôi vẫn giữ lối khâu tay của các cụ ngày xưa”, bà Quyến chia sẻ.
Năm 17 tuổi, khi lấy chồng, bạn đời của bà cũng là một “bậc thầy” về cắt may các loại áo dài, áo bông, áo kép... truyền thống, đó là anh thợ may Lê Thành Vinh. Cái tên Vinh Trạch sau này ra đời được ghép từ chính tên chồng bà Quyến và làng may Trạch Xá, quê hương bà. Sinh ra ở ngoại thành, nhưng gần trọn đời người gắn bó với phố cổ, khách hàng thấy dễ chịu, bởi ở bà có sự lịch lãm, phúc hậu của người Hà Nội xưa trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ, trang phục.
Bà thường mặc áo bà ba mùa hè, những ngày thời tiết se lạnh, bà thường mặc một chiếc áo nhung cổ đứng, cài khuy tết. Đến với nhà may này, người ta không chỉ “được” may trang phục, mà còn được cảm nhận rõ nét hơn về cung cách của một lớp người Hà Nội cũ.
Gắn bó với những tà áo dài từ sớm, nhưng quãng thời gian đất nước chiến tranh, nhu cầu may áo dài hầu như biến mất. Bà Quyến đi làm may cho Nhà nước. Khi có tuổi, bà trở lại toàn tâm, toàn ý với tiệm may áo dài của gia đình. Để tồn tại được, mỗi hiệu may đều phải có “chất” riêng. Với gia đình bà Quyến, đó là sự cẩn thận và tận tâm. Bà Quyến bảo, đó không chỉ là chuyện của cá nhân bà với chiếc áo, mà còn là trách nhiệm với một gia đình nhiều đời may áo dài, trách nhiệm với truyền thống một làng nghề có tiếng hàng thế kỷ nay.
Hơn chục năm nay, do sức khỏe của ông nhà yếu, một mình bà Quyến đảm đương hầu hết công việc của cửa hàng. Cửa hàng nhỏ xinh ấy bây giờ là nguồn vui sống của ông bà, bởi kinh tế dư dật, con cái đều thành đạt, trong đó, có người tiếp tục nối nghề bà, mở thêm hiệu may áo dài mới. Ở độ tuổi này đáng lẽ phải nghỉ ngơi, nhưng nếu không cầm sợi chỉ, mũi kim, không ngồi vào chiếc máy khâu cũ, bà thấy lòng dạ không được yên.
Hơn 80 tuổi, nhưng đường kim, mũi chỉ trong tay bà Quyến vẫn chuẩn xác. Bà vẫn tự tay khâu những tà áo dài. Ngoài áo dài, bà Quyến còn may đo nhiều loại áo cổ truyền khác, như áo bông trần, áo kép. Cái sự gắn bó, tận tâm với nghề, cũng không chỉ bởi những sản phẩm, mà còn do khách hàng.
Những khách hàng may áo bông trần, áo kép thường là những người có hiểu biết về trang phục truyền thống, về văn hóa cổ truyền. Tiếp xúc với họ, bà thấy vui vì vẫn có người muốn giữ lại nét đẹp sang trọng, quý phái thuở xưa. Có những ông khách ở chính phố cổ này, đã bao năm nay, vẫn nhất nhất chỉ may áo dài ở hiệu bà Quyến để tặng vợ. Tính ra, số áo dài ông may tại cửa hàng bà để tặng vợ, đã lên đến con số hàng chục chiếc. Có những hướng dẫn viên du lịch biết chuyện bà, dẫn khách Tây đến tham quan, kể chuyện. Bà cũng vui, vì được đem cái đẹp phổ biến với mọi người.
Bà Quyến có bảy người con. Giờ có thêm hai người con nữa nối nghiệp truyền thống gia đình. “Trước đây, các cô, các cậu ấy may áo dài như nghề tay trái. Nhiều lúc tôi cũng lo. Nhưng bây giờ đã chuyên tâm vào làm áo dài. Vậy là gia đình tôi đã có năm thế hệ liên tiếp làm nghề may áo dài”, bà Quyến chia sẻ.