Bẫy thu nhập trung bình: 'Dấu hỏi' lớn của kinh tế Việt Nam

Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam chuyển mình từ quốc gia có thu nhập thấp, sang quốc gia có thu nhập trung bình tương đối dễ dàng và thành công. Tuy nhiên, để chuyển sang quốc gia có thu nhập cao là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tuy nhiên, để trở thành nước có thu nhập cao, Việt Nam phải đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”. Một số quan điểm cho rằng, nhiều quốc gia có nền kinh tế đi trước, hiện vẫn đang mắc kẹt trong thu nhập trung bình. Vì vậy, để chinh phục mục tiêu này không hề bằng phẳng.

 Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách. (Ảnh: DDDN)

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách. (Ảnh: DDDN)

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam chuyển mình từ quốc gia có thu nhập thấp, sang quốc gia có thu nhập trung bình tương đối dễ dàng và thành công. Tuy nhiên, để chuyển sang quốc gia có thu nhập cao là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Việt Nam Đổi mới “thành công”

Sau gần 40 năm Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi ngoạn mục, từ quốc gia có thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đứng thứ 35 trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trước sự chuyển mình này, ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam?

- Gần 40 năm là một quá trình đủ dài để tạo ra sự thay đổi khác biệt mà chỉ bằng mắt thường cũng có thể nhận ra. Kể từ khi Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có bước nhảy vọt rất mạnh, từ một nước có thu nhập thấp, phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, chuyển mình trở thành nước có thu nhập trung bình với nền công nghiệp và thương mại đang dần hoàn thiện.

Sự thành công của kinh tế Việt Nam được thể hiện rõ qua các con số thống kê. Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2019, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,6%/năm.

Cũng trong 40 năm đó, nền kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, cho tới đợt suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2007 - 2008. Dù vậy, những khó khăn đó không làm khó được chúng ta.

Cho tới khi đại dịch COVID-19 xuất hiện (2020 - 2021), nền kinh tế thế giới và cả Việt Nam bị rung lắc dữ dội. Có lẽ, đại dịch COVID-19 chính là thử thách lớn nhất trong quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Đại dịch cũng khiến, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có phần chậm lại. Cụ thể, GDP năm 2020 tăng 2,91% và năm 2021 ghi nhận mức tăng 2,58%.

Tới năm 2022, dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát, thế nhưng, thế giới tiếp tục đối mặt với các vấn đề mới khác nảy sinh, như xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát, tiêu dùng toàn cầu suy giảm,...

Tất cả những yếu tố này đã tạo thành “cú bồi” thứ hai, tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam. Dù vậy, vượt qua những khó khăn kể trên, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng cao, với 8,02% trong năm 2022.

Tôi cho rằng, trong gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam rất chú trọng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế, cải cách chất lượng nguồn nhân lực, song song với đó, là đẩy nhanh quá trình mở cửa, hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Các giải pháp này đã tạo tiền đề cho nền kinh tế duy trì tăng trưởng ổn định và phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhanh chóng.

Năm 2020, Việt Nam chính thức gia nhập vào các nước có thu nhập trung bình. Và tới đầu năm 2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt mức 4.500 USD/người, thuộc nhóm thu nhập trung bình cao.

 Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam chuyển mình từ quốc gia có thu nhập thấp, sang quốc gia có thu nhập trung bình tương đối dễ dàng và thành công. (Ảnh: ST)

Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam chuyển mình từ quốc gia có thu nhập thấp, sang quốc gia có thu nhập trung bình tương đối dễ dàng và thành công. (Ảnh: ST)

Với sự tăng trưởng ngoạn mục trong gần 40 năm Đổi mới, theo ông, Việt Nam có thể hoàn thành được mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, tầm nhìn tới 2045 hay không?

- Hiện nay, với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt mức 4.500 USD, chúng ta đã hoàn thành được một nửa, đó là trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Để đạt được những mục tiêu còn lại, Việt Nam cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để tạo ra các xung lực đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới.

Theo một số nghiên cứu, để trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phải đạt bình quân 7%/năm, theo tôi mức tăng trưởng này khá thách thức.

Bởi, từ nay tới năm 2045 còn hơn 20 năm nữa, đây là một chặng đường dài để đưa ra dự báo. Trong 20 năm này, kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với những rủi ro, thách thức mới phát sinh và không thể dự báo từ trước, như quá trình biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt hoặc các diễn biến bất thường từ thế giới. Do đó, đưa ra dự báo ở thời điểm này có phần vội vàng.

Tuy nhiên, trong 5 - 6 năm tới, tức là tới năm 2030, nếu vẫn giữ được nhịp tăng trưởng như hiện tại và không có biến động mạnh giống như đại dịch COVID-19, tôi tin rằng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá theo đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Tôi kỳ vọng, trong giai đoạn này (2025 - 2030), GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định trong khoảng 6 - 7%/năm.

Tuy nhiên, để đạt duy trì tốc độ tăng trưởng từ 6% - 7% đến năm 2030 , Việt Nam cần phải lưu ý một số rủi ro đang âm ỉ tồn tại và phải tìm ra các giải pháp khắc phục, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ các rủi ro này.

Thứ nhất là các rủi ro đến từ thế giới, như căng thẳng địa chính trị, xung đột vũ trang, lạm phát,... Các rủi ro này có thể gây ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, gây biến động giá cả đầu vào trong sản xuất. Từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế đối ngoại cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở trong nước.

Thứ hai là các rủi ro cố hữu của nền kinh tế. Ví dụ, Việt Nam chưa thực sự bứt phá nhiều trong một số cải cách thể chế để tạo ra sự đổi mới sáng tạo, tạo ra năng suất và hiệu quả tốt hơn.

Quá trình chuyển dịch nền kinh tế sang những mô hình tăng trưởng mới, gắn với tăng trưởng xanh vẫn còn tương đối chậm. Chưa kể, nền kinh tế dựa vào tín dụng và hệ thống ngân hàng rất là lớn, hơn 50% nguồn lực cung cấp vốn cho nền kinh tế dựa vào hệ thống tín dụng. Điều này cho thấy, chúng ta chưa đa dạng hóa được các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển dài hạn.

 GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang dao động từ 4.300 - 4.500 USD/người, xếp thứ 6 trong ASEAN. (Ảnh: ST)

GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang dao động từ 4.300 - 4.500 USD/người, xếp thứ 6 trong ASEAN. (Ảnh: ST)

Cẩn trọng với “bẫy thu nhập trung bình”

Một số quan điểm cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất của Việt Nam để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, đó chính là “bẫy thu nhập trung bình”. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?

- Hiện nay, các tổ chức nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước chưa có sự thống nhất về các số liệu thống kê. Tuy nhiên, nhìn chung, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang dao động từ 4.300 - 4.500 USD/người, xếp thứ 6 trong ASEAN.

Trong khu vực ASEAN, hiện mới có 2 quốc gia vượt bẫy thu nhập trung bình thành công, đó là Singapore (khoảng 88.000 USD/người) và Brunei (khoảng 35.000 USD/người).

Ba quốc gia khác có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam, nhưng vẫn mắc kẹt ở mức thu nhập trung bình, bao gồm Malaysia (khoảng 13.000 USD/người), Thái Lan (gần 8.000 USD/người) và Indonesia (khoảng 5.200 USD/người).

Cả ba nền kinh tế này đi trước chúng ta khá lâu, nền kinh tế của họ cũng được đánh giá thị trường hơn, cởi mở hơn, nhưng tới nay họ vẫn loay hoay tìm cách vượt bẫy thu nhập trung bình. Điều này cho thấy, quá trình vượt qua bẫy thu nhập trung bình không phải là dễ.

Quay trở lại với Việt Nam, chúng ta đang có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khá lớn.

Thứ nhất, mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua, song vẫn dựa trên mô hình tăng trưởng cũ, phụ thuộc vào tài nguyên, nhân công giá rẻ, FDI,...

Trong khi đó, các mô hình tăng trưởng mới, như tăng trưởng xanh, tăng trưởng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, mô hình tăng trưởng dựa trên thực lực của nền kinh tế, đặc biệt là nền sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế.

Thứ hai, chúng ta đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế, nhưng chưa đủ mạnh. Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí khó cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Năng suất lao động, ý thức và trình độ lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với khu vực Đông Nam Á.

Chưa kể, trong 10 năm nữa, Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Nếu chúng ta không tận dụng được khoảng thời gian hiện nay, giai đoạn “dân số vàng” để nâng cao trình độ, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng của người lao động Việt Nam, thì rất khó để vượt bẫy thu nhập trung bình.

Tóm lại, liệu Việt Nam có thể trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 vẫn còn nhiều dấu hỏi. Cá nhân tôi không thể trả lời dứt khoát được liệu đạt được hay không đạt được.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam có thể nhận thức đúng đắn các rào cản đang gặp phải, để tạo ra sự cải cách triệt để hơn, quyết tâm thực hiện hơn, và có những chính sách sáng tạo, đột phá trong gian tới, chúng ta mới vượt được bẫy thu nhập trung bình.

Xin cảm ơn ông!

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bay-thu-nhap-trung-binh-dau-hoi-lon-cua-kinh-te-viet-nam-post310406.html