Bảy tổn thất không được bảo hiểm bồi thường trong đầu tư xây dựng
Đây là một trong những nội dung được hướng dẫn tại Thông tư 50/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 50/2022/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số điều thuộc Nghị định 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Nghị định 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc Nghị định 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/10/2022 và thay thế Thông tư số 329/2016 của Bộ Tài chính.
Mức tiền bảo hiểm đầu tư xây dựng bắt buộc tối thiểu
Điều 7 Thông tư nêu rõ, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành.
Bao gồm toàn bộ vật liệu, chi phí nhân công, cước phí vận chuyển, thiết bị lắp đặt vào công trình, các loại thuế, phí và các hạng mục khác do chủ đầu tư/nhà thầu cung cấp.
Số tiền bảo hiểm tối thiểu với công trình trong thời gian xây dựng không thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, kể cả giá trị điều chỉnh và bổ sung (nếu có).
Đối tượng bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng là quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 119/2015/NĐ-CP và khoản 2 Điều 1 Nghị định 20/2022/NĐ-CP như: công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng; công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường; công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp...
Về phạm vi bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất phát sinh từ mọi rủi ro, trừ số trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Bảy tổn thất doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường
Điều 5, Thông tư số 50/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất sau:
Một là, tổn thất do chiến tranh, bạo loạn, đình công, hành động của các thế lực thù địch, nổi loạn, hành động ác ý nhân danh hoặc có liên quan tới các tổ chức chính trị, tịch biên, sung công, trưng dụng, trưng thu hay phá hủy hoặc bị gây thiệt hại theo lệnh của cơ quan Nhà nước.
Hai là, tổn thất do hành động khủng bố.
Ba là, tổn thất do phóng xạ hạt nhân, phản ứng hạt nhân, nhiễm phóng xạ.
Bốn là, tổn thất từ hành vi cố ý vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm (không áp dụng với bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường trong trường hợp tự vệ, cứu người, cứu tài sản hoặc sử dụng chất kích thích theo chỉ định của bác sĩ).
Năm là, tổn thất trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm theo khoản 9 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Sáu là, tổn thất do ngừng công việc thi công xây dựng hoặc tổn thất do hậu quả của ngừng công việc thi công xây dựng.
Bảy là, tổn thất đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định rõ, hợp đồng bảo hiểm chất dứt trong trường hợp: Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về việc hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong trường hợp tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng xây dựng hoặc chấm dứt hợp đồng xây dựng theo quy định pháp luật.
Đồng thời, bên mua bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày chủ đầu tư có quyết định về việc tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng xây dựng hoặc chấm dứt hợp đồng xây dựng theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm khác thực hiện theo quy định pháp luật.