Bayern dạy cho Barca bài học về cách thành công

Đại diện nước Đức chứng minh cho Barcelona thấy một đội bóng không cần phải chi tiêu quá mức để duy trì thành công.

Mức lương của Lionel Messi là 80 triệu euro mỗi năm chưa thuế. Điều này đồng nghĩa cầu thủ người Argentina hưởng tới 40 triệu euro mỗi năm (đã khấu trừ thuế - PV). Theo lời Chủ tịch Herbert Hainer của Bayern Munich, con số này không hề nhỏ.

Ông Hainer chia sẻ trên SportBild: "Tôi đang cố gắng hiểu làm thế nào mức lương của Messi phù hợp với Luật công bằng tài chính (FFP). Chúng tôi sẽ xem PSG làm cách nào để dung hòa với các quy tắc của UEFA. Chúng tôi tuân thủ nó đồng thời hy vọng các CLB khác cũng vậy".

 Bayern duy trì thành công lâu dài. Ảnh: Reuters.

Bayern duy trì thành công lâu dài. Ảnh: Reuters.

Không nhân nhượng

"Tôi không vội đánh giá PSG, nhưng họ phải tốn một số tiền lớn. Đó không phải là phí chuyển nhượng mà là tiền lương", ông Hainer tiếp tục. "Messi hưởng lương 40 triệu euro, thì PSG phải chi 80 triệu euro. Ngoài ra, Achraf Hakimi, Sergio Ramos, Gianluigi Donnarumma cũng tiêu tốn rất nhiều".

Trong khi PSG phải bỏ ra số tiền đáng kể để ký hợp đồng và trả tiền lương cho cầu thủ, hoạt động chuyển nhượng của Bayern Munich diễn ra một cách lặng lẽ và hiệu quả.

David Alaba rời nước Đức theo dạng chuyển nhượng tự do sau khi Bayern từ chối đáp ứng các yêu cầu hợp đồng của cầu thủ này. Jerome Boateng và Javi Martinez cũng không được đề nghị hợp đồng mới.

Giám đốc Điều hành Oliver Kahn tuyên bố Alaba và đại diện của hậu vệ người Áo đưa ra yêu cầu khác xa so với thực tế. Bayern không chấp nhận nhưng Real Madrid sẵn sàng đáp ứng.

Theo Der Spiegel, Alaba kiếm được tổng cộng 115 triệu euro với giao kèo 5 năm tại sân Bernabeu, bao gồm 17,7 triệu euro hoa hồng cho đại diện Pini Zahavi, người cha George (của Alaba - PV) và chính hậu vệ này.

Nhà vô địch Bundesliga không đưa ra lời đề nghị khổng lồ cho cầu thủ như các CLB khác. Tuy nhiên, họ vẫn đủ khả năng giữ chân những ngôi sao hàng đầu và duy trì mức lương trong tầm kiểm soát.

Nhà báo Fabrizio Romano xác nhận, không quá ồn ào, Bayern sớm đạt thỏa thuận hợp đồng mới cho Joshua Kimmich và Leon Goretzka. Điều này giúp hàng tiền vệ đội chủ sân Allianz có sự ổn định ít nhất đến năm 2025.

Nhưng cả trong các cuộc đàm phán này, ngay từ đầu, Bayern thể hiện rõ quan điểm của họ rằng cầu thủ có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở những nơi khác, nhưng sự thành công thì khó có thể đảm bảo như tại đây.

Ông Hainer nói với Kicker: “Chúng tôi sẽ không giữ cầu thủ bằng bất cứ giá nào. Họ biết những gì có thể nhận được ở Bayern, họ cũng được trả lương rất cao ở đây. Tất nhiên họ có thể giành danh hiệu ở thời điểm hiện tại và trong tương lai".

Nói cách khác, cuộc chơi là của riêng Bayern. Họ tôn trọng ngôi sao trong đội hình nhưng không quá nuông chiều. Bayern đặt ra tiêu chuẩn của họ, nếu không chấp thuận, cả hai có thể đường ai nấy đi.

 Barca không thể giữ chân Messi. Ảnh: Reuters.

Barca không thể giữ chân Messi. Ảnh: Reuters.

Bài học cho Barca

Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra cho thấy nhiều CLB hàng đầu châu Âu phải khốn đốn thế nào. Họ đánh cược với tương lai, không ngần ngại chi mạnh tay để mang về thành công và hiện phải trả giá.

Thật vậy, kỷ nguyên thống trị của Barcelona ở Tây Ban Nha có vẻ đi đến hồi kết. Đó là hậu quả của chiến lược quản lý tài chính yếu kém trong nhiều năm liền. "Blaugrana" đang nợ 1,2 tỷ euro, với 74% thu nhập của CLB được dùng cho việc chi trả cho tiền lương.

Do đó, họ không thể giữ Messi ở lại vì quy định giới hạn lương của La Liga. Việc này mở đường cho PSG chiêu mộ ngôi sao hay nhất đội bóng theo dạng chuyển nhượng tự do.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của Barca khá bết bát, thậm chí họ còn nợ tiền những cầu thủ không còn gắn bó với đội bóng.

Arturo Vidal khoác áo Inter Milan từ lâu, nhưng Barca vẫn đang thiếu Bayern Munich số tiền 11 triệu euro từ thương vụ chuyển nhượng tiền vệ này đến Camp Nou vào năm 2018.

Chính vì thế, khó khăn đang bủa vây đội bóng xứ Catalonia. Họ từng đứng trên bờ vực phá sản và hiện tại, theo Goal, CLB phải giải phóng thêm 200 triệu euro quỹ lương cả khi Messi đã ra đi.

Đáng chú ý, trong khi Barca vừa mất đi cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử, Bayern cố gắng giữ chân tài sản quý giá nhất bất chấp những tin đồn cho rằng Robert Lewandowski đang tìm kiếm một thử thách mới trong mùa hè này.

Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội bóng xứ Bavaria sẽ không cân nhắc việc bán tiền đạo người Ba Lan vốn đang ở trạng thái sung sức. Rõ ràng tình hình tài chính của họ ổn định và không nhất thiết phải để cầu thủ này ra đi, bất kể lời đề nghị có hấp dẫn ra sao.

Bayern có chiến lược tuyển dụng hợp lý. Trước khi có thể chiêu mộ thành công Marcel Sabitzer (theo Bild, đôi bên đã đạt được thỏa thuận cá nhân - PV), họ phải tìm cách để Corentin Tolisso hoặc Michael Cuisance rời đội bóng.

Tân HLV Julian Nagelsmann cũng nhận thức được những hạn chế ở CLB và bắt đầu đưa ra cách tiếp cận chiến thuật hợp lý.

"Chuyển nhượng? Chúng tôi sẽ xem điều gì có thể xảy ra. Nếu có điều gì đó, chúng tôi sẽ công bố. Nếu không, chúng tôi sẽ làm việc với những gì chúng tôi có", Nagelsmann nói sau chiến thắng 3-2 trước Koln.

Với Bayern, có lẽ lực lượng sẵn có đủ để đảm bảo cho chức vô địch Bundesliga mùa này, bất chấp RB Leipzig đang ngày càng lớn mạnh. Tất cả điều đó nhờ vào tầm nhìn của ban lãnh đạo.

Lịch sử thành công lâu dài của Bayern là bằng chứng xác thực. Cầu thủ có thể kiếm nhiều tiền hơn ở nơi khác, nhưng Bayern cho họ cảm giác chiến thắng danh hiệu gần như mỗi năm.

Sau tất cả, khi đại dịch ảnh hưởng tới toàn cầu khiến nhiều CLB lớn lao đao, có lẽ tới lúc họ nên rút ra bài học từ chính Bayern.

Koeman: 'Tôi cũng muốn có Mbappe' HLV trưởng của Barca thừa nhận đội bóng xứ Catalunya đang gặp khó khăn tài chính và không thể cạnh tranh với PSG, Man City, Man United trên thị trường chuyển nhượng.

Hiểu Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bayern-day-cho-barca-bai-hoc-ve-cach-thanh-cong-post1255203.html