Bayern Munich thăng hoa, tại sao bóng đá Đức thảm bại ở Nations League?
Trận thua 0-6 trước Tây Ban Nha cho thấy Đức đã chạm đáy dưới thời HLV Joachim Loew.
Trận thua 0-6 trước Tây Ban Nha không nên xem là thảm họa với người Đức. Đây là trận giao hữu "có thưởng" (Nations League), mà đã là giao hữu, chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Italy từng thua giao hữu liên miên trước khi vô địch World Cup 2006. Cách đây ít ngày, Pháp cũng thua Phần Lan - đội tuyển hàng chục năm rồi chưa dự các giải lớn ở châu Âu.
Nhưng sự sa sút của Đức không chỉ đến từ thảm bại này. 6 năm sau ngày vô địch thế giới, Đức của Joachim Loew đang đi giật lùi. Bóng đá Đức có một năm thành công khi Bayern Munich thống trị Champions League, nhưng tuyển quốc gia thì không có sự khởi sắc nào.
Bóng đá Đức xuống dốc
Trong tương quan liên hệ giữa CLB và ĐTQG, sợi dây giữa Bayern và bóng đá Đức chặt chẽ hơn cả. Ngoại hạng Anh chứng kiến bốn đội tung hoành ở Champions League (Liverpool, Arsenal, Manchester United, Chelsea), mà trước đó một năm tuyển Anh không vượt qua vòng loại EURO là chuyện bình thường, nhưng Bayern và Đức rất khác.
10 năm qua, mỗi khi Bayern thăng hoa, Đức sẽ thăng hoa và ngược lại. Bayern mang một nửa sức mạnh tuyển Đức khi bộ khung "cỗ xe tăng" đều chơi bóng tại Allianz Arena. Đội bóng có biệt danh "Die Roten" vô địch Champions League 2013, một năm sau, Đức đăng quang World Cup.
Hay giới quan sát vẫn nhắc tới Pep Guardiola như một biểu tượng khi cách tân chiến thuật của ông ở Bayern giúp Loew học hỏi, áp dụng thành công cho tuyển Đức.
Tuy nhiên, Bayern và Đức đã đi về đôi ngả từ sau năm 2016. Trong khi Bayern dù biến động, nhiều lần thay tướng nhưng đã tìm lại vinh quang vào năm 2020, Đức lại xuống theo chiều thẳng đứng. Đội bóng của HLV Loew bị loại ở vòng bảng World Cup 2018, chia tay Nations League 2019 với vị trí bét bảng và tiếp tục thua ở Nations League 2020.
Hình ảnh tuyển Đức trước Tây Ban Nha đêm qua điển hình cho sự mong manh, yếu đuối của đội tuyển mang biệt danh "cỗ xe tăng". Đức thi đấu hời hợt, tranh chấp kém cỏi và thường xuyên để mất vị trí trong phòng ngự.
Trên hàng công, những tiền đạo như Timo Werner, Leroy Sane hay Sergie Gnabry gần như không biết làm gì với quả bóng trong chân. 5/11 cầu thủ Đức ra sân hôm qua đang thuộc biên chế Bayern, nhưng không ai tái hiện được phong độ trong màu áo CLB. Manuel Neuer còn có trận đầu tiên sau 15 năm thi đấu chuyên nghiệp thủng lưới tới sáu lần.
Loew hết bài?
Chiếc ghế của Loew đã lung lay từ sau World Cup 2014. Một HLV giỏi đến mấy, dẫn dắt đội tuyển suốt 12 năm cũng sẽ tạo ra lối mòn huấn luyện. Dù vậy, Loew được giữ lại, và tiếp tục cùng Đức tiến đến cung bậc thất vọng khác.
Khi Loew công khai loại Neuer, Thomas Muller và Jerome Boateng khỏi đội tuyển và sẵn sàng "chiến" với Bayern, người ta kỳ vọng ông có thể tạo ra cách mạng cho Đức. Nhưng hai năm qua, không có bất kỳ thay đổi nào ở "cỗ xe tăng". Số trận hay ở Đức đếm trên đầu ngón tay, còn số trận dở không ngừng gia tăng.
Đội hình Đức đấu Tây Ban Nha tối qua cũng không có định hướng rõ ràng. Nếu trên hàng công, HLV Loew tạo điều kiện cho những mũi công giàu tốc độ như Gnabry, Werner, Sane, thì tuyến tiền vệ lại là những cầu thủ già nua, chậm chạp như Ilkay Gundogan hay Toni Kroos.
Thế trận trên sân cho thấy mỗi khi Tây Ban Nha tăng tốc, hàng thủ Đức lại rung chuyển. 30 phút cuối, Đức chỉ gồng mình chịu đựng những đợt công thành của "Bò tót". Đấy cũng là cách thua của Đức ở World Cup 2018. "Cỗ xe tăng" thiếu ý tưởng, tốc độ và sự đột phá để làm nên chuyện trước những đội như Mexico hay Hàn Quốc.
Bóng đá Đức có thể khan hiếm tài năng trẻ, nhưng hãy nhớ, một Muller mờ nhạt, tưởng như hết thời tại World Cup 2018 lại tỏa sáng rực rỡ dưới sự dẫn dắt của HLV Hansi Flick tại Bayern. Mà Flick chính là trợ lý của Loew tại World Cup 2014. Quan trọng vẫn là cách dùng người của HLV.
Đặt trong hệ thống phù hợp, cầu thủ sẽ tỏa sáng. Nhìn Werner, Gnabry loay hoay ở sân Estadio de La Cartuja đêm qua, dường như cách dẫn dắt của Loew không còn phù hợp.
Chức vô địch Champions League của Bayern, chiến tích vào bán kết của RB Leipzig cho thấy bóng đá Đức vẫn có nguồn tài nguyên đáng nể. Bayern đã vô địch bằng một đội hình rất Đức, trải từ ghế huấn luyện tới cầu thủ trên sân, song không phải cứ nhiều tài nguyên, ĐTQG tự khắc thành công.
Cuộc khủng hoảng của Pháp sau World Cup 2006 hay sự thụt lùi của Italy, Tây Ban Nha từ năm 2012 trở đi là minh chứng. Đội bóng nào cũng có "khoảng lặng". Dù vậy, Đức đang đi xuống không phanh với chính sự già cỗi, bảo thủ đáng lẽ phải bị dẹp bỏ sau nỗi xấu hổ ở World Cup 2018.