BBC lại 'cò mồi'
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng, trong đó có những vi phạm được đề xuất tăng mức phạt cao hơn nhiều lần hiện nay.
Không biết BBC đã đọc và biết dự thảo đề nghị tăng mức phạt ở những hành vi vi phạm nào chưa mà đã liền chụp mũ, đăng bài, trong đó viện dẫn bình luận của một độc giả cho rằng: “Dân thì đói kém. Không hỗ trợ thì thôi. Giờ lại tăng mức phạt. Mấy hôm nữa lại tăng thuế. Cái gì cũng vừa phải thôi, đừng đẩy dân vào đường cùng”, cho rằng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không chăm lo cho dân còn tăng mức xử phạt hành chính, đẩy dân vào “đường cùng”.
Còn nhớ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 30-12-2019, có hiệu lực ngày 1-1-2020, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng mức phạt các lỗi vi phạm nồng độ cồn là quá cao, khó thực hiện và bất cập vì thói quen sử dụng bia, rượu của người Việt đã trở thành “truyền thống” nên cũng khó có thể “cai nghiện” một sớm, một chiều, đặc biệt các đài phản động BBC, RFA… đồng loạt đăng nhiều bài viết phản đối, cho rằng việc làm này là “thái quá và bất cập”. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, nghị định đã mang lại hiệu ứng tích cực, được ví như “cú đấm thép” nhằm loại trừ tình trạng say xỉn mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông - vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, nguyên nhân đe dọa đến an toàn giao thông và có thể dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng. Điều này được minh chứng qua thống kê năm 2020 cho thấy, TNGT trong toàn quốc đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua với số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20% và lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm dưới 7.000 người.
Trong dự thảo lần này, Bộ GTVT đề nghị tăng mức phạt đối với những hành vi nào? Và trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến một số mức tăng mà BBC “giật tít” gây hiểu nhầm cho dư luận. Đó là nội dung dự thảo, Bộ GTVT đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng biển số giả lên gấp 10 lần. Ai cũng biết, việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng biển số giả sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là đối với vấn đề quản lý các phương tiện giao thông. Các đối tượng xấu hoàn toàn có thể lợi dụng điều này để che giấu thông tin cá nhân, vi phạm pháp luật như gây TNGT, hay dùng xe đó buôn bán hàng cấm, chở người nhập cảnh trái phép… Chúng ta còn nhớ tháng 2-2021, hình ảnh 2 chiếc xe Mercedes-Benz E300 có cùng màu sắc và cùng biển số 30E-488.16 đang dừng cạnh nhau. Sau khi vào cuộc điều tra, Công an TP. Hà Nội đã xác minh 1 trong 2 chiếc xe này sử dụng biển số giả. Quá trình mở rộng đấu tranh, cơ quan điều tra cũng làm rõ và thu giữ thêm 5 ôtô không có giấy tờ khác và đang làm biển số giả để tuồn ra thị trường. Vì vậy, cần phải xử lý thật nghiêm, thậm chí là xử lý hình sự những hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng biển số giả.
Hay đối với xe chở quá tải cũng được Bộ GTVT đề xuất tăng mức phạt lên gấp đôi hiện hành. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chỉ trong 2 tháng 7 và 8-2021, lực lượng chức năng đã sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn 22.300 phương tiện, phát hiện trên 2.800 xe vi phạm chở quá giới hạn. Đã có chứng minh khoa học cho thấy, 1 xe chở quá tải trọng gấp 2 lần cho phép, sức phá hoại đường của nó tương đương 16 xe chở đúng tải trọng; còn nếu chở gấp 3 lần, sức phá hoại tương đương 81 xe. Theo tính toán, đáng lẽ đường mới làm phải sử dụng tốt trong 10 năm đầu, nhưng do xe chở quá tải nên chưa đến 1 năm đưa vào sử dụng đã phải đại tu. Như vậy có thể khẳng định, xe chở quá tải là một trong những nguyên nhân khiến nhiều con đường trở nên mất an toàn do xuống cấp, gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Còn về góc độ an toàn, theo các chuyên gia, xe chở quá tải ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thao tác kỹ thuật của lái xe như căn đường và xử lý tình huống không chuẩn xác. Chở quá tải còn là nguyên nhân gây ra các hư hỏng đột ngột như nổ lốp, giảm hoặc mất hiệu lực của hệ thống phanh, lật xe khi vào cua… dẫn đến những vụ TNGT nghiêm trọng. Đối với người dân sống ở bên đường xuống cấp nhanh chóng vì xe quá tải, hằng ngày họ phải chịu bụi bặm, ồn ào, nguy hiểm đến tính mạng.
Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với các hành vi đua xe. Những năm trở lại đây, tình trạng tổ chức đua xe trái phép diễn ra phức tạp, các “quái xế” lộng hành ở nhiều địa phương. Theo sơ kết tình hình trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2021, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương đã trực tiếp cũng như phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện 498 vụ đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ 3.051 đối tượng, tạm giữ 2.253 phương tiện.
Trong dự thảo cũng đề nghị tăng mức phạt vi phạm về đội mũ bảo hiểm (MBH). Trong số các vụ TNGT, có nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề do nạn nhân không đội MBH. Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, số người bị chấn thương sọ não nhập viện cấp cứu phần lớn do nguyên nhân không đội MBH hoặc đội không đúng cách. Một nghiên cứu đã chỉ ra, khả năng bảo vệ của MBH chỉ đạt 30% nếu người sử dụng không đội đúng cách. Theo nhận xét của ông Jay Graham, Trường quốc tế Anh tại Hà Nội, các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, đội MBH khi tham gia giao thông làm giảm nguy cơ chấn thương vùng đầu tới 70%, nguy cơ tử vong giảm 42%.
Như vậy, trong dự thảo lần này, các hành vi vi phạm đề nghị tăng mức phạt đều xuất phát từ thực trạng, nguyên nhân gây ra TNGT của nước ta trong những năm qua, được lấy ý kiến từ nhiều chuyên gia, lực lượng chuyên trách và nhân dân trong cả nước. Để giảm thiểu TNGT ở nước ta, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thì việc tăng mức xử phạt hành chính đối với một số hành vi vi phạm được nêu trong dự thảo để tăng cường tính răn đe là cần thiết.
Sự việc nêu trên cho thấy, với các trang phản động như: BBC, VOA, RFA, RFI… bản chất “cò mồi” không thay đổi. Không phải chỉ dự thảo nghị định này mà bất kỳ chính sách mới nào của Đảng và Nhà nước ta, chúng đều có thể xuyên tạc, chống phá một cách quyết liệt, nhằm bôi đen, đưa ra đòi hỏi phi lý, tấn công vào uy tín của Ðảng và Nhà nước ta. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam cần luôn cảnh giác, hết sức tỉnh táo, vững vàng bản lĩnh, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, tin tưởng vào các chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/127946/bbc-lai-co-moi