BĐBP đẩy mạnh học tập và làm theo Bác bằng những mô hình, việc làm thiết thực

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, các đơn vị BĐBP trên khắp nẻo biên cương đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, việc làm thiết thực, ý nghĩa. Điều đó thể hiện tình thương, trách nhiệm của người lính quân hàm xanh đối với đồng bào, đồng chí nơi biên giới, hải đảo, góp phần xây dựng biên cương ngày càng giàu mạnh.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ phối hợp với Đồn Biên phòng Dào San, BĐBP Lai Châu tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: Đức Duẩn

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ phối hợp với Đồn Biên phòng Dào San, BĐBP Lai Châu tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: Đức Duẩn

Khu vực biên giới nước ta thường có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên ít giống cây trồng, vật nuôi thích ứng được, làm giảm khả năng phát triển nông nghiệp và chăn nuôi. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống y tế, giáo dục còn hạn chế, đã khiến cho đời sống của người dân tại các khu vực biên giới trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó, dân cư sống rải rác, dân trí hạn chế và thiếu tiếp cận với các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thông tin. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ, mà còn hạn chế cơ hội phát triển kinh tế, xã hội. Những yếu tố này góp phần tạo ra tỷ lệ hộ nghèo cao trong khu vực biên giới. Chính vì vậy, việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư vào giáo dục, y tế, cũng như hỗ trợ phát triển nông nghiệp và chăn nuôi bền vững là những giải pháp quan trọng để giảm bớt khó khăn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn “ba bám, bốn cùng” với đồng bào ở khu vực biên giới, hơn ai hết, các anh hiểu những khó khăn của bà con nhân dân nơi đây. Chính vì vậy, hầu hết các mô hình, cách làm của những người lính Biên phòng đều được triển khai theo hướng đồng hành, tạo mô hình sinh kế, “cho cần câu, không cho con cá” nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, cộng đồng làng bản một cách bền vững. Trong đó, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Bộ Tư lệnh BĐBP và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ năm 201 đến nay đã có 210 xã khó khăn thuộc 26 tỉnh, thành biên giới, hải đảo đã được các đơn vị BĐBP nhận hỗ trợ, với tổng mức kinh phí huy động trên 291 tỷ đồng cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình. Sự lan tỏa của chương trình đã góp phần giúp phụ nữ vùng biên cương vươn lên thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tiêu biểu như: Kế hoạch “Hỗ trợ phụ nữ nghèo làm chủ hộ các xã biên giới phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020 (Mô hình 1+6)” của tỉnh Đắk Lắk; mô hình nuôi lợn và gà thương phẩm của tỉnh Quảng Ninh; Tổ hợp tác sản xuất nấm sạch của tỉnh Quảng Bình; mô hình Tổ liên kết “Phụ nữ dân tộc thiểu số trồng mì cao sản” và “Phụ nữ dân tộc thiểu số nuôi bò sinh sản” của tỉnh Kon Tum; 2 mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi lợn lai trắng kinh tế của tỉnh Cao Bằng... Cùng với đó, các đơn vị hỗ trợ công cụ sản xuất và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trực tiếp hướng dẫn các phương pháp sản xuất, cách thức chăm sóc, phát triển cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả và bền vững...

Cán bộ BĐBP Thái Bình trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới biển trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”. Ảnh: Hợp Khánh

Cán bộ BĐBP Thái Bình trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới biển trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”. Ảnh: Hợp Khánh

Không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, các đơn vị BĐBP cũng chú trọng hỗ trợ học sinh nghèo tiếp cận với điều kiện học tập tốt hơn, chia sẻ với ngành giáo dục, góp phần nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nguồn cán bộ cơ sở cho địa phương. Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng" do Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai từ năm 2016 đã mang lại cơ hội học tập cho hàng nghìn học sinh ở các vùng biên giới. Đến nay, các đơn vị BĐBP đã đỡ đầu hơn 30.000 lượt học sinh với tổng số tiền gần 200 tỷ đồng; nhận 338 cháu học sinh làm "Con nuôi đồn biên phòng". Sau gần 10 năm triển khai, chương trình đã góp phần không nhỏ vào sự tiến bộ vượt bậc của các em học sinh. Cụ thể, tỷ lệ học sinh đạt loại khá, giỏi ngày càng cao, đây là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của chương trình trong việc hỗ trợ học sinh vươn lên, phấn đấu không ngừng trong học tập. Đặc biệt, có 59 em đã đoạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên, trong đó, 3 em đoạt giải cấp quốc gia; gần 3.000 lượt học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường và 215 em đã thi đỗ các trường đại học, cao đẳng.

Ngoài ra, học tập và làm theo Bác, nhiều chương trình, mô hình được các đơn vị BĐBP đẩy mạnh như: Chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, 30.000 con bò giống với tổng số tiền trên 400 tỷ đồng đã được trao tặng cho đồng bào nghèo trên biên giới; thông qua Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã trao tặng gần 7.000 ngôi nhà "Mái ấm biên cương" cho các gia đình nghèo và 300 công trình dân sinh cho các xã biên giới khó khăn, với tổng số tiền trên 300 tỷ đồng, xây dựng 1.373 ngôi nhà “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”; “Quỹ hiếm muộn”... và gần 400 mô hình của các đơn vị BĐBP đã và đang triển khai ở địa bàn biên giới, vùng biển, đảo.

Cùng với đó, hàng năm, các đơn vị đồng loạt tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” với nhiều hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân, với tổng kinh phí trên 123 tỷ đồng. Trên các tuyến biên giới, các đơn vị mở 109 lớp học xóa mù chữ, lớp học tình thương với hơn 2.400 học viên; vận động hơn 7.700 học sinh trở lại trường; tặng sách vở, dụng cụ học tập trị giá 21,3 tỷ đồng; tổ chức khám, chữa bệnh cho 309.519 lượt người, cấp phát thuốc miễn phí trị giá 22 tỷ đồng...

Những hoạt động trên của những người lính quân hàm xanh không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của nhân dân ở vùng biên giới, mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của các địa phương, từ đó, thúc đẩy an ninh, ổn định và phát triển chung cho các tỉnh biên giới; góp phần làm sáng đẹp hơn hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và thắt chặt mối quan hệ quân - dân.

Tuấn Khang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-day-manh-hoc-tap-va-lam-theo-bac-bang-nhung-mo-hinh-viec-lam-thiet-thuc-post484911.html