'BĐBP Lào Cai đồng hành cùng thôn, bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống'
Được triển khai từ cuối năm 2022, đến nay, mô hình 'BĐBP Lào Cai đồng hành cùng thôn, bản, nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống' của Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai đã mang lại hiệu quả thực tế. Không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về chính sách pháp luật về hôn nhân, kiến thức về sức khỏe giới tính, việc thực hiện mô hình đã kéo giảm rõ rệt tỷ lệ tảo hôn ở địa bàn khu vực biên giới nói chung và 2 xã thực hiện mô hình điểm nói riêng.
Theo thông tin Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai cho biết, 2 xã được thực hiện điểm mô hình “BĐBP Lào Cai đồng hành cùng thôn, bản, nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” là xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin, huyện Mường Khương. Hai xã này có 17 thôn, hơn 1.200 hộ dân thuộc 9 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 50%. Đời sống nhân dân ở địa bàn 2 xã còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, trên 68% (tính đến tháng 10/2023). Trình độ dân trí chậm phát triển, trong đó, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra chủ yếu tập trung vào các thôn, bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Ngược dòng thời gian từ năm 2021 trở về trước, hằng năm, trên địa bàn 2 xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin xảy ra từ 7 đến 10 cặp có dấu hiệu tảo hôn. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, trong đó có ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu về hôn nhân. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số, việc bỏ tiền ra cưới vợ cho con cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người làm, có thêm người cáng đáng việc gia đình. Do đó, việc cưới con dâu về nhà được diễn ra càng sớm càng tốt. Mặt khác, trình độ dân trí của một bộ phận người dân chưa cao, dẫn tới sự hiểu biết và chấp hành pháp luật còn nhiều. Ngoài ra, một số trường hợp vì lỡ mang thai nên gia đình buộc phải tổ chức đám cưới, sinh con xong khi nào đủ tuổi thì mới đăng ký kết hôn.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mạng xã hội hiện nay khiến một số em ở tuổi vị thành niên yêu sớm, dẫn tới bỏ học, lấy vợ, lấy chồng sớm. Thực trạng tảo hôn đã gây nên nhiều hệ lụy xã hội sâu xa, khiến đời sống của nhiều gia đình vốn đã nghèo khó càng trở nên thiếu thốn, khó khăn hơn. Nhiều cháu bé, con của các cặp vợ chồng tảo hôn khi đến tuổi đi học không có giấy khai sinh đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu và giáo dục của địa phương. Về mặt thể chất, các trường hợp tảo hôn đều bị tác động tiêu cực đến sức khỏe sinh sản của người mẹ, trong khi đó, do thiếu kiến thức nuôi dưỡng trẻ nên con cái của họ chậm phát triển.
Từ thực tế đó, tháng 9/2022, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai đã xây dựng mô hình “BĐBP Lào Cai đồng hành cùng thôn, bản, nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai, thực hiện điểm tại 2 xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu. Theo đó, Ban chỉ đạo thực hiện mô hình và Tổ tư vấn pháp lý đã được thành lập tại 2 xã, có phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên và xây dựng kế hoạch hoạt động.
Đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 6 hội nghị tập huấn cho 300 lượt thành viên tổ tư vấn pháp lý về phương pháp, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ tư vấn và báo cáo viên các đồn Biên phòng, phục vụ cho công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, tham mưu cho địa phương xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống tảo hôn; tăng cường rà soát, nắm tình hình thanh thiếu niên, kịp thời phát hiện các trường hợp có ý định tảo hôn để tuyên truyền, vận động, can thiệp. Cùng với đó, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, người đứng đầu các tổ chức không thực hiện nghiêm túc công tác can thiệp làm giảm thiểu tảo hôn, giảm số phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con.
Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai cũng chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới; tổ chức 13 hội nghị trực tiếp cho hơn 2.200 người tham dự là cán bộ lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể xã, bí thư, trưởng thôn, già làng, người có uy tín và nhân dân các xã biên giới. Để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, linh hoạt cũng được triển khai.
Theo đó, BĐBP Lào Cai đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện, thành phố biên giới, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống 28 đợt tại 212 thôn, bản với 8.567 lượt người nghe tuyên truyền. Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương 28 lần, tuyên truyền tại chợ phiên 320 buổi với 6.758 lượt người nghe. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình, các quy định của pháp luật về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, vận động những người có uy tín, người cao tuổi trong thôn tuyên truyền, vận động nhân dân không tổ chức lễ cưới khi con em chưa đủ tuổi kết hôn, không kết hôn với người cùng huyết thống.
Tại địa bàn thực hiện điểm của mô hình, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai đã tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền cho người dân. Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu phối hợp cùng các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ tư vấn pháp lý 2 xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu cũng tổ chức 4 đợt tuyên truyền tại 17 thôn và tuyên truyền bằng loa kéo Biên phòng, hệ thống truyền thanh của địa phương bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với cán bộ xã tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình. Cùng với đó, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức 12 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các nhà trường cho các thầy, cô giáo và các em học sinh Trường Trung học cơ sở xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin cho hơn 5.200 lượt học sinh trong độ tuổi 13 đến 15 tuổi. Đồng thời, phối hợp với 2 xã tổ chức treo 22 áp phích tuyên truyền, cấp phát các tờ rơi, sổ cẩm nang cho đoàn viên thanh niên về nội dung phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Từ khi thực hiện mô hình đến nay, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới được nâng lên, ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, nhất là về Luật Hôn nhân và gia đình có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Trong 3 năm qua, không có vụ việc tảo hôn nào xảy ra. Kết quả này đã góp một phần quan trọng vào việc thực hiện tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực biên giới.