BĐBP luôn được xác định là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Ngày 22-9, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 11 thảo luận về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN).

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, BĐBP Cao Bằng giới thiệu về hệ thống mốc quốc giới cho học sinh trên địa bàn biên giới. Ảnh: Viết Hà

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, BĐBP Cao Bằng giới thiệu về hệ thống mốc quốc giới cho học sinh trên địa bàn biên giới. Ảnh: Viết Hà

Tại phiên họp, các đại biểu đã đi sâu phân tích, thảo luận các nội dung cơ bản của dự thảo Luật BPVN như: Xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng; quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP; nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Các đại biểu khẳng định, việc ban hành Luật BPVN nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới.

Theo ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, tên gọi Luật BPVN đã được xác định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Luật BPVN điều chỉnh những vấn đề, lĩnh vực, phạm vi liên quan trực tiếp đến các quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động biên phòng liên quan trực tiếp đến chủ quyền, lãnh thổ, BGQG, cần thể hiện rõ chủ quyền, chủ thể và cao hơn nữa là quốc thể Việt Nam ngay trong tên gọi của luật là cần thiết.

Đối với quy định BĐBP chủ trì duy trì an ninh trật tự tại khu vực biên giới, cửa khẩu, ông Lê Việt Trường cho rằng, vấn đề này đã được quy định rõ ở các văn bản luật và văn bản dưới luật. Đặc biệt, điều này đã được quy định trong Luật BGQG; Luật An ninh quốc gia, đồng thời, khoản 2, Điều 35, Luật Quốc phòng quy định Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn: Duy trì an ninh trật tự xã hội ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

Quy định chế độ, chính sách về biên phòng cũng được các đại biểu quan tâm và đề nghị cần làm rõ, ghi cụ thể các chính sách về biên phòng trong dự thảo Luật BPVN để dễ thực thi, đảm bảo nguồn lực phát triển KVBG. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, do đó, nên có điều khoản cụ thể quy định chương trình này trong dự thảo Luật BPVN để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở KVBG, vừa quy định trách nhiệm của BĐBP tham gia thực hiện nhiệm vụ này.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, biên giới, biển, đảo đang là địa bàn khó khăn, gian khổ; trong đó, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng nói chung và BĐBP nói riêng luôn phải đối mặt với những khó khăn, vất vả. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng BĐBP phối hợp với các lực lượng chức năng ở địa phương bám trụ 24/24 giờ trên biên giới để phòng, chống dịch bệnh. Với việc thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn đặc thù như vậy, cần phải có chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống đồn, trạm Biên phòng; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và có chính sách cụ thể cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP như chính sách nhà ở, đất sản xuất... để cán bộ BĐBP yên tâm công tác, cùng với nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG.

Ngoài những ý kiến đóng góp về các chính sách chung, một số ý kiến khác đóng góp trực tiếp vào các câu từ, điều, khoản... của dự thảo Luật BPVN.

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP thay mặt Ban soạn thảo Luật BPVN khẳng định, sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để bổ sung, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật BPVN đảm bảo chất lượng trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thảo luận, thông qua.

Đối với quy định hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đại biên giới, KVBG, qua lại biên giới còn có ý kiến khác nhau, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh giải trình: Thực tế, quy định này không mới mà đã được quy định trong Luật BGQG, Pháp lệnh BĐBP và các hiệp định biên giới đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước láng giềng, nếu muốn dừng hoạt động ở biên giới, cửa khẩu phải có sự đồng ý của hai nước. Mặt khác, thực hiện quy định này đều nằm trong quyền hạn nhất định như: Đồn trưởng đồn Biên phòng chỉ được phép dừng hoạt động ở vành đai biên giới, Chỉ huy trưởng BĐBP được tạm dừng hoạt động ở KVBG, ở cửa khẩu quốc tế thì quyền hạn tạm dừng hoạt động phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định...

Đối với các ý kiến khác nhau về quy định BĐBP chủ trì duy trì an ninh trật tự tại KVBG, cửa khẩu, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh nhấn mạnh thêm, lực lượng BĐBP trải qua hơn 61 năm chiến đấu và trưởng thành, có 28 năm trực thuộc Bộ Công an và trên 33 năm trực thuộc Bộ Quốc phòng, dù trực thuộc bộ nào thì chức năng, nhiệm vụ của BĐBP không thay đổi; trong đó, BĐBP luôn được xác định là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG. Duy trì an ninh trật tự ở KVBG có nhiều lực lượng tham gia và liên quan đến lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Vậy nên, cần có một lực lượng chủ trì để huy động các lực lượng tham gia duy trì an ninh trật tự một cách hiệu quả.

Mặt khác, trong 3 nhiệm vụ chính là xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, Bộ Quốc phòng chủ trì về quản lý, bảo vệ BGQG, còn xây dựng biên giới do địa phương chủ trì... Vì vậy, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của lực lượng nào thì lực lượng đó chủ trì, còn các lực lượng khác tham gia phối hợp.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Hòa, BĐBP Quảng Ninh và Trạm Hội ngộ, hội đàm, BĐBP khu Phòng Thành, Quảng Tây (Trung Quốc) tiến hành tuần tra song phương. Ảnh: CTV

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Hòa, BĐBP Quảng Ninh và Trạm Hội ngộ, hội đàm, BĐBP khu Phòng Thành, Quảng Tây (Trung Quốc) tiến hành tuần tra song phương. Ảnh: CTV

Cũng tại phiên họp, đại biểu Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định BĐBP “trực tiếp truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trốn chạy vào địa bàn nội địa; truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam ra ngoài phạm vi lãnh hải Việt Nam theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên” chưa phù hợp, vì BĐBP chỉ có quyền truy đuổi, bắt giữ người ở KVBG và nội thủy, lãnh hải Việt Nam, còn khi ra ngoài khu vực này đã có các lực lượng chức năng khác thực hiện.

Để làm rõ thêm, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh phân tích, khi lực lượng BĐBP phát hiện phương tiện, đối tượng vi phạm pháp luật ở KVBG, vùng nội thủy, lãnh hải Việt Nam thì lực lượng BĐBP phải tiếp tục truy đuổi và phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn, bắt giữ, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG. Nếu không quy định điều này trong dự thảo Luật BPVN sẽ tạo khe hở để các đối tượng vi phạm pháp luật trốn thoát, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-luon-duoc-xac-dinh-la-nong-cot-chuyen-trach-trong-quan-ly-bao-ve-chu-quyen-lanh-tho-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia-post433361.html