BĐBP tăng cường phòng, chống mua bán người

6 tháng đầu năm 2024, những kết quả đạt được trong hoạt động phòng, chống mua bán người (MBN) của BĐBP đã góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân khu vực biên giới.

Đồng bào dân tộc thiểu số bản Là Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên sinh hoạt chuyên đề nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn phòng, chống MBN. Ảnh: Trần Dũng

Đồng bào dân tộc thiểu số bản Là Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên sinh hoạt chuyên đề nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn phòng, chống MBN. Ảnh: Trần Dũng

Tội phạm MBN là một trong những loại tội phạm xâm hại nghiêm trọng nhất đến quyền con người, vẫn đang là vấn đề nóng trên toàn cầu. Tội phạm MBN không chỉ hủy hoại cuộc sống của nạn nhân (nạn nhân của tội phạm này thường rơi vào các tình trạng bị bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức, lừa đảo...), mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa, trật tự, an toàn xã hội của mỗi quốc gia. Thống kê của lực lượng chức năng cho thấy, tội phạm MBN tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc như: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh...

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP, trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Tư lệnh BĐBP với vai trò Cơ quan Thường trực phòng, chống MBN của Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống MBN năm 2024; tổng kết công tác thi hành Luật Phòng, chống MBN; giải trình Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về thực thi Luật Phòng, chống MBN; xây dựng và triển khai Kế hoạch chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ; quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 100/CT-BQP ngày 15/11/2023 của Bộ Quốc phòng về triển khai đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2024; Công văn số 1494/BQP-BĐBP ngày 23/4/2024 của Bộ Quốc phòng về tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống MBN, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và lừa đảo đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài; ban hành và triển khai các kế hoạch phòng, chống MBN; phòng, chống mại dâm; phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi trong BĐBP...

Bên cạnh đó, BĐBP đã tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm MBN, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng và hợp tác quốc tế trong phòng, chống MBN. BĐBP đã gửi 3 Công thư ngoại giao đến Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh và Cục BĐBP, Bộ Tham mưu QĐND Lào đề nghị giải cứu 5 nạn nhân quê ở Hà Tĩnh và Đắk Lắk bị bán sang Lào nhằm mục đích cưỡng bức lao động. Phối hợp thực hiện các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống MBN giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Anh và Thái Lan; hợp tác với Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Tổ chức Di cư quốc tế, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh... trong nâng cao năng lực phòng, chống MBN cho cán bộ BĐBP...

Theo Đại tá Hoàng Ngọc Thanh, cán bộ Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP, các đơn vị BĐBP phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và lực lượng liên quan đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống MBN; xuất, nhập cảnh trái phép; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới, trong đó, chú trọng tuyên truyền cá biệt đến các nhóm có nguy cơ cao bị mua bán; tuyên truyền trên biên giới, tuyên truyền ngay tại cửa khẩu, kể cả với người xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài tìm việc làm, kịp thời ngăn chặn không để người lao động bị các đối tượng lừa gạt, bán sang các casino, cơ sở game... ở Lào, Campuchia và Myanmar...

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với việc lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật được 56.117 buổi/1.589.724 lượt người tham gia; qua hệ thống loa truyền thanh địa phương và tiếng loa Biên phòng 46.925 giờ; cấp phát 40.828 tờ rơi; tổ chức 1 buổi tọa đàm, 2 hội thảo liên ngành; phối hợp với VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội xây dựng 6 phóng sự, 3 buổi tọa đàm, đăng, phát hàng trăm tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại cửa khẩu, đã kịp thời ngăn chặn 926 người lao động tự quay trở về vì họ nhận thấy nguy cơ bị mua bán khi xuất cảnh sang bên kia biên giới. Qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của nhân dân ở khu vực biên giới. Nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp các đơn vị BĐBP xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá và bắt giữ đối tượng phạm tội.

BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu 2 nạn nhân nữ (dân tộc Phù Lá, trú tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) bị lừa bán ra nước ngoài, đưa về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), ngày 30/5/2024. Ảnh: Minh Toàn

BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu 2 nạn nhân nữ (dân tộc Phù Lá, trú tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) bị lừa bán ra nước ngoài, đưa về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), ngày 30/5/2024. Ảnh: Minh Toàn

Đối với hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ, các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, vùng biển nhằm kịp thời phát hiện các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, đưa dẫn nạn nhân qua biên giới. Qua hoạt động nghiệp vụ, BĐBP đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 2.274 vụ/9.137 lượt người xuất, nhập cảnh trái phép; những trường hợp trên có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các đường dây tội phạm MBN.

Về công tác đấu tranh, xử lý, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, các đơn vị BĐBP đã tập trung lực lượng, phương tiện, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình địa bàn, trao đổi thông tin, điều tra, xác minh; khai thác nạn nhân được giải cứu, trao trả; đặc biệt, chú trọng phối hợp giải cứu nạn nhân bị bán ra nước ngoài trở về và rà soát, sàng lọc nạn nhân trong số công dân do nước ngoài trao trả và tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật. Các đơn vị BĐBP đã bắt, xử lý 208 vụ/118 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và chuyển tuyến 375 nạn nhân và người nghi là nạn nhân.

Trong đó, BĐBP chủ trì xác lập, đấu tranh 32 chuyên án, vụ án MBN; đấu tranh thành công 23 chuyên án và 4 vụ án; đang đấu tranh 5 chuyên án; bắt, khởi tố 27 vụ/80 đối tượng/giải cứu, tiếp nhận 57 nạn nhân trong các chuyên án; điều tra, xác minh và bàn giao 38 đối tượng cho lực lượng công an các cấp tiếp tục xử lý theo thẩm quyền. Giải cứu, phối hợp giải cứu 32 vụ/52 nạn nhân, người nghi là nạn nhân; tiếp nhận, rà soát, sàng lọc công dân do lực lượng chức năng nước ngoài trao trả 144 vụ, phát hiện 266 nạn nhân, người nghi là nạn nhân.

Kết quả hoạt động phòng chống MBN của BĐBP đã góp phần quan trọng bảo đảm quyền con người, bảo đảm trật tự an ninh khu vực biên giới và bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Trần Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-tang-cuong-phong-chong-mua-ban-nguoi-post479348.html