BĐBP thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới

Ngày 19-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; nhiệm vụ của lực lượng BĐBP; lực lượng phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; bảo đảm về chế độ, chính sách biên phòng; kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện có dấu hiệu vi phạm tại biên giới, cửa khẩu. Nhìn chung, các đại biểu đều cho rằng, việc ban hành Luật BPVN là hết sức cần thiết nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức vào sự nghiệp bảo vệ biên giới. Báo Biên phòng giới thiệu một số ý kiến của các đại biểu tại buổi thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang): BĐBP có nhiệm vụ duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Từ năm 1996 trở về trước, khi Bộ Công an quản lý BĐBP thì Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ này. Từ năm 1996, khi giao lực lượng BĐBP thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 giao BĐBP thực hiện nhiệm vụ này và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật.

Khoản 2, Điều 31, Luật An ninh biên giới quốc gia năm 2003 đã giao BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng thực thi nhiệm vụ duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới; Khoản 2, Điều 35, Luật Quốc phòng quy định giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng trời (Luật Quốc phòng được ban hành trước Luật Công an năm 2018). Vì vậy, quy định như dự thảo Luật BPVN vừa phù hợp với thực tiễn và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tránh được những bất cập trong công tác xây dựng, bảo vệ biên giới trong tình hình mới.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế): Truyền thống hơn 60 năm qua khẳng định, BĐBP không những bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, mà còn gắn bó máu thịt, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào các dân tộc. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới vững mạnh phát triển.

Tại Chương II của dự thảo Luật BPVN quy định về nhiệm vụ biên phòng, xác định nguyên tắc và lực lượng Biên phòng, điều này hoàn toàn phù hợp, khẳng định trách nhiệm, nhiệm vụ, vị trí phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan và địa phương ở 44 tỉnh, thành phố biên giới. Trong nhiều năm qua, BĐBP cùng với chính quyền các địa phương tổ chức các chương trình phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả thiết thưc, đồng thời BĐBP tham gia các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Từ vai trò quan trọng của BĐBP, Ban Bí thư đã đưa ra chủ trương tăng cường cán bộ BĐBP về làm Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND các xã biên giới. Mới đây, Ban Bí thư tiếp tục ban hành Kết luận số 68-KL/TW về tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng tham gia vào cấp ủy huyện biên giới.

Đặc biệt, sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 để nâng cao hiệu quả thực hiện các đề án. Chính phủ, Bộ Quốc phòng cần giao cho BĐBP tham gia chương trình này để BĐBP tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trên địa bàn biên giới. Do vậy, nội dung BĐBP tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn biên giới đưa vào dự thảo Luật BPVN là phù hợp, tạo cơ sở pháp lý để BĐBP huy động các nguồn lực xây dựng biên giới vững mạnh, hoàn thành mục tiêu của chương trình.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang): Nội dung Chương III, dự thảo Luật BPVN quy định về hợp tác quốc tế về biên phòng, đây là một trong những nội dung mới, vấn đề quan trọng đã được quy định thành một chương trong dự thảo luật. Hiện nay, các tuyến biên giới, đặc biệt là tuyến biên giới đất liền cơ bản đã được hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên thực địa và hiện nay còn khoảng 16% chưa được phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Bên cạnh đó, các mối quan hệ giữa chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới với các nước láng giềng cũng ngày càng được phát triển.

Thời gian qua, công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, BĐBP đã có những đột phá và có những mối quan hệ hợp tác hiệu quả như tổ chức các chương trình giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới; “Biên cương thắm tình hữu nghị”; kết nghĩa bản - bản; đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên...

Đặc biệt, trong thời gian qua, đã có sự phối hợp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 giữa Việt Nam với các nước láng giềng, đó là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sự ổn định, phát triển trên biên giới và mở rộng ảnh hưởng tích cực trong phạm vi khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng): Có ý kiến cho rằng, quy định BĐBP kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm ở khu vực cửa khẩu, biên giới là chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng Hải quan. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Luật Hải quan, tôi thấy rằng, tất cả các hoạt động kiểm tra tại cửa khẩu, hải quan là một trình tự thủ tục hành chính, thông qua hoạt động thông quan trên cửa khẩu.

Còn dự thảo Luật BPVN quy định, chỉ áp dụng các biện pháp kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Vì vậy, hoạt động của 2 lực lượng này không chồng chéo với nhau. Thực tế ở cửa khẩu cho thấy, cách bố trí thực hiện nhiệm vụ của 2 lực lượng này hoàn toàn khác nhau.

Viết Hà (ghi)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-thuc-hien-co-hieu-qua-nhiem-vu-xay-dung-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-post430047.html