Bé 11 tuổi tử vong do mèo cào, cảnh báo nguy cơ bệnh dại

Nhiều gia đình vẫn chủ quan cho rằng vật nuôi trong nhà 'sạch sẽ', 'hiền lành', 'không sao đâu', trong khi thực tế có thể là nguồn lây truyền virus dại.

Đây không chỉ là bi kịch của một gia đình mà còn là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ lây bệnh từ vật nuôi và tầm quan trọng sống còn của việc tiêm phòng vắc xin đúng cách, kịp thời.

Lên cơn dại vì mèo trong nhà cào xước da

Vụ việc thương tâm xảy ra với một bé trai 11 tuổi ở Lào Cai khi bị mèo trong nhà cào xước da, sau đó còn liếm vào vết thương. Gia đình thấy bé không có biểu hiện gì bất thường nên không đưa đi tiêm phòng.

Tuy nhiên, khoảng 1 tháng sau, bé bắt đầu sốt, sợ nước, khó thở, co giật… gia đình đưa đến viện thì không qua khỏi sau hơn một giờ cấp cứu.

Nguyên nhân tử vong được xác định là do nhiễm virus dại, một loại virus cực kì nguy hiểm có trong nước bọt của động vật mang bệnh như chó, mèo, dơi…

Virus này xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn, cào hoặc vết thương hở bị liếm. Điều này là hồi chuông cảnh báo sâu sắc nguy cơ lây bệnh từ thú cưng và sự cần thiết của việc tiêm phòng đầy đủ.

 Chớ nên chủ quan với vết mèo cào - Ảnh minh họa nguồn Internet

Chớ nên chủ quan với vết mèo cào - Ảnh minh họa nguồn Internet

Nghỉ hè - thời điểm của nhiều tai nạn bị lãng quên

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, mỗi dịp hè, trẻ em được nghỉ học, vui chơi ở nhà hoặc về quê với ông bà. Đây cũng là thời điểm các em tiếp xúc nhiều hơn với vật nuôi trong gia đình như chó, mèo - những “người bạn” tưởng chừng vô hại nhưng có thể là nguồn mang virus dại nguy hiểm nếu không được tiêm phòng đầy đủ.

Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết thương hở do cắn, cào, liếm vết thương. Mọi người thường quen nhắc đến chó dại mà quên rằng mèo cũng có thể là nguồn mang virus lây truyền bệnh sang người. Trong thiên nhiên, ngoài chó mèo, chồn, dơi, gấu, khỉ, cáo và các động vật có vú khác cũng là nguồn nguy cơ.

Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Nguy hiểm hơn, virus dại không có thuốc đặc trị, nguy cơ tử vong gần như 100% nếu không được tiêm vắc xin kịp thời sau phơi nhiễm. Nói cách khác, chỉ có thể phòng ngừa trước và gần như không thể cứu chữa nếu để bệnh phát triển.

 Tiêm vắc xin lá chắn sống còn trước vi rút dại - Ảnh BVCC

Tiêm vắc xin lá chắn sống còn trước vi rút dại - Ảnh BVCC

Chủ động tiêm vắc xin - lá chắn sống còn trước vi rút dại

Theo các chuyên gia của Đơn vị Tư vấn và Tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh dại có thể phòng ngừa hoàn toàn nếu người bị cào, cắn được xử trí đúng cách và tiêm vắc xin đầy đủ, kịp thời. Ngay cả với những vết cào nhỏ, không chảy máu, nguy cơ vẫn tồn tại nếu vật nuôi nhiễm virus dại.

TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới Bạch Mai, Phụ trách Đơn vị Tư vấn và Tiêm chủng vắc xin khuyến nghị: Người dân tuyệt đối không chủ quan với bất kỳ vết cắn hay cào nào từ chó, mèo, kể cả vật nuôi trong nhà.

Rửa sạch vết thương ngay lập tức bằng xà phòng dưới vòi nước chảy ít nhất 15 phút. Đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại. Không nên chờ đợi triệu chứng mới đi khám, bởi khi xuất hiện triệu chứng, hầu như không thể cứu chữa.

Phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng hoặc tư vấn ngay sau khi bị động vật cắn hoặc cào, không nên tự xử lý tại nhà hoặc tham khảo các nguồn không chính thống. Bên cạnh đó, tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi theo đúng lịch của bác sĩ thú y.

Lưu ý trẻ khi chơi, tiếp xúc với chó mèo, động vật. Những người có nguy cơ bị nhiễm virus dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có virus dại… cần được gây miễn dịch bằng vắc xin dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.

Nghỉ hè, thay vì khoảng thời gian vui vẻ có thể trở thành ký ức đau thương nếu phụ huynh lơ là trước nguy cơ từ chó, mèo đối với con cái mình. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Và với bệnh dại, tiêm vắc xin là cách duy nhất để bảo vệ mạng sống.

Thúy Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/be-11-tuoi-tu-vong-do-meo-cao-canh-bao-nguy-co-benh-dai-post1557216.html