Bé 12 tuổi mắc uốn ván do giẫm phải đinh

Trong khi đi chăn bò, em M.A.H giẫm phải đinh. 2 ngày sau em lên cơn co giật, cứng toàn thân, cứng hàm…

Theo lời kể của gia đình, bé H. giẫm vào đinh có vết thương vào ngón 5 chân phải.

Do chủ quân, chỉ nghĩ chảy máu đơn thuần, em không sơ cứu và không đi khám ở trạm y tế xã.

Hai ngày sau bà ngoại phát hiện, thì em bị co giật, cứng toàn thân.

Qua quá trình thăm khám, BS CKII Phạm Thu Hường – Trưởng Khoa Nhi cho biết, đây là một trường hợp uốn ván giai đoạn toàn phát – tiên lượng nặng, do không được sơ cứu vết thương và tiêm phòng uốn ván sớm.

Bệnh nhân được điều trị thuốc huyết thanh kháng uốn ván liều tấn công, thở máy, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, an thần liều cao.

Được biết, hoàn cảnh gia đình của em H vô cùng khó khăn, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng xa, em ở cùng bà ngoại đã già yếu.

Vì thế, trong quá trình điều trị tại khoa phòng, do hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, khoa phòng gồm các bác sĩ, điều dưỡng và các mạnh thường quân đã quyên góp, ủng hộ bệnh nhân về tinh thần và vật chất để bệnh nhân an tâm chuyển lên Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương điều trị do tình trạng bệnh nặng .

Bệnh nhân được chăm sóc xử trí và sau đó chuyển lên BV Nhiệt đới Trung ương điều trị

Bệnh nhân được chăm sóc xử trí và sau đó chuyển lên BV Nhiệt đới Trung ương điều trị

Tại BV Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được bác sĩ đánh giá là ca bệnh hiếm gặp ở tuổi thanh thiếu niên.

Bệnh uốn ván là một nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, đặc trưng bởi tăng trương lực cơ và các cơn co cứng, gây ra bởi một độc tố protein mạnh là tetanospasmin do Clostridium tetani tiết ra.

Ở dạng nha bào, vi khuẩn có thể tồn tại nhiều năm trong một số môi trường và kháng với nhiều loại thuốc khử khuẩn, không bị tiêu diệt khi bị đun sôi 20 phút.

Nha bào uốn ván có trong đất, cát bụi, phân trâu, bò, ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt khuẩn kỹ, sắt thép gỉ...

Nha bào uốn ván xâm nhập cơ thể qua vết thương, sau đó thoát nha bào thành thể hoạt động, giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công các bản vận động thần kinh - cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền co cứng đó xuất hiện các cơn co giật.

Bệnh nhân bị tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim. Uốn ván có tỷ lệ tử vong rất cao 25 - 90%, đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%.

Để phòng tránh uốn ván khi bị vết thương, đặc biệt vết thương bẩn cần xử lý đúng cách, rửa vết thương bằng nước sạch để trôi chất bẩn; rửa lại vết thương bằng nước ôxy già từ 3-4 lần.

Sát trùng bằng cồn iod tại vết thương và quanh vết thương; dùng băng vô khuẩn để băng vết thương, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để khám và tiêm phòng uốn ván.

H.Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/be-12-tuoi-mac-uon-van-do-giam-phai-dinh-n189246.html