Bé 2 tuổi hồi sinh sau 4 năm bị gia đình bỏ đói
Hope, cậu bé Nigeria từng bị cha mẹ, dân làng ruồng bỏ trên phố và xem như phù thủy, giờ khỏe mạnh, có năng khiếu nghệ thuật sau 4 năm được tổ chức từ thiện cưu mang.
Hope gầy gò chỉ còn da bọc xương được Anja Ringgren Loven cho ăn và uống nước trên phố hồi năm 2016. Ảnh: Anja Ringgren Loven
Đầu năm 2016, cậu bé 2 tuổi người Nigeria khiến cả thế giới xót xa khi xuất hiện trong một bức ảnh trên mạng xã hội. Em bé thân hình còi cọc, trần truồng giữa phố đang được Anja Ringgren Loven, tình nguyện viên người Đan Mạch và cũng là người sáng lập tổ chức từ thiện DINNødhjæl, cho ăn, uống nước.
Cậu bé, được đặt tên là Hope (Hy vọng), đã bị chính gia đình và dân làng ruồng bỏ, xa lánh vì bị cho là phù thủy.
"Lúc được chúng tôi cứu, tình trạng của Hope rất khủng khiếp. Cậu bé bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và mắc nhiều căn bệnh. Hai tuần đầu khi nằm viện, cậu bé trong tình trạng nguy kịch. Chúng tôi thậm chí còn không biết em có sống nổi không", Anja kể.
Hope sau đó được Anja đưa về tổ chức từ thiện của mình để chăm sóc cùng với hàng trăm đứa trẻ bị bỏ rơi trong vòng 8 năm qua. Sau 4 năm được cưu mang và dạy dỗ, Hope đã có sự thay đổi ngoạn mục.
"Hope hiện rất khỏe mạnh và thích đi học. Thằng bé rất thông minh và đam mê của em là nghệ thuật. Hope thực sự có năng khiếu ở môn vẽ và nhiều bức tranh của cậu bé còn được đem bán. Chúng tôi gọi em là Picasso bé nhỏ", Anja nói thêm.
Hope hiện khỏe mạnh và có năng khiếu về hội họa. Ảnh: Jam Press.
Từ khi về DINNødhjæl, Hope chưa gặp lại bố mẹ và tổ chức này cũng không thể liên lạc được với bất cứ người họ hàng nào của em. Dù có khởi đầu vất vả, hiện Hope đã có thể vui vẻ xem lại bức ảnh khi em được Anja tìm thấy.
"Cậu bé thường xuyên chỉ vào bức ảnh và mỉm cười như thể em thấy tự hào lắm", Anja, hiện là đại sứ của Tổ chức Universal Peace Federation International, nói. "Nhưng tôi biết đó không phải là sự tự hào. Trẻ em sinh ra vốn đã có khả năng tha thứ và không có định kiến. Chúng tôi nuôi dưỡng Hope để thù hằn với cha mẹ, những người đã bỏ rơi em, buộc tội em là phù thủy và bỏ rơi em trên phố cho đến chết? Không, tất nhiên là không. Mê tín dị đoan là hậu quả của việc không được giáo dục một cách có bài bản, sự nghèo đói cùng cực, cuồng tín tôn giáo và tham nhũng. Không xã hội nào có thể phát triển nếu người dân bị tước đoạt các quyền cơ bản của con người như tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội".
Những lời buộc tội phù thủy thường xuất phát từ tình trạng chết chóc hoặc bệnh tật trong gia đình, mùa màng thất bát, thất nghiệp hoặc vô sinh. Trẻ em lần lượt bị biến thành vật tế thần và bị gán mác là phù thủy, và bị chính những người sống trong làng ruồng bỏ.
Hope trong vòng tay của Anja sau 4 năm được đưa về tổ chức cứu trợ do cô sáng lập. Ảnh: SWNS.
Anja và nhóm của cô đã cưu mang hơn 300 trẻ em và hiện cô chăm sóc cho 76 đứa trẻ tại DINNødhjæl, trung tâm dành cho trẻ em lớn nhất Tây Phi.
Trong số đó có những bé gái 9 tuổi từng bị tra tấn, lạm dụng tình dục và thậm chí chôn sống.
"Giáo dục là sự đầu tư mạnh mẽ nhất trong xã hội và là vũ khí mạnh nhất trước sự ngu dốt. Để giải quyết một vấn đề, bạn cần phải có sự tương tác và giao tiếp của con người, chứ không phải là sự phán xét. Chúng tôi chuyên nghiệp trong cách làm việc. Chúng tôi cần phải giúp người dân thay đổi tư tưởng và khai sáng cho họ qua các chương trình vận động chính sách ở các khu vực nông thôn", Anja chia sẻ.
Theo Ngôi sao