Bé 2 tuổi tử vong nghi uống nhầm xăng

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ xác định trong ruột bé có xăng. Dù đã được cấp cứu, nhưng do tình trạng nặng, bé L. đã tử vong.

 BV Nhi Thanh Hóa, nơi bé L. điều trị trước khi tử vong (ảnh: internet)

BV Nhi Thanh Hóa, nơi bé L. điều trị trước khi tử vong (ảnh: internet)

Ngày 17/9, BV Nhi Thanh Hóa cho biết, bệnh nhi Đ.T.L (SN 2019, trú tại thôn Thọ Tân, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) vừa tử vong do uống nhầm xăng.

Trước đó, sáng ngày 15/9, bệnh nhi Đ.T.L. được chuyển từ BV Đa khoa Thọ Xuân xuống cấp cứu trong tình trạng toàn thân tím tái, đặt nội khí quản nghi uống nhầm xăng.

Tại BV, các bác sĩ xác định trong ruột bé có xăng nên đã nỗ lực cấp cứu. Tuy nhiên, do tình trạng nặng nên đến 12h cùng ngày bệnh nhi không qua khỏi.

Nhận được thông tin, Công an huyện Thọ Xuân đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, ghi nhận lời khai của những người có liên quan. Tuy nhiên, phía gia đình đã từ chối giải phẫu tử thi và cam kết không có khiếu kiện gì đến cơ quan chức năng.

Theo kết quả xác minh ban đầu của cơ quan công an, vào khoảng 8h ngày 15/9, ông Lê Viết H. (SN 1977, trú tại thôn Thọ Tân, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân) sang nhà anh Đ.V.L. (bố bé L.) hút xăng từ xe máy của anh L. vào chai nhựa.

Sau đó, ông H. mang chai xăng sang nhà hoang bên cạnh nhà anh L. để đốt ong. Còn thừa một ít xăng trong chai, ông H. đã đóng nắp và ném sang sân nhà anh L. Cơ quan chức năng cho rằng, có thể bé đã uống phải chỗ xăng còn lại nên dẫn tới ngộ độc.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho rằng, gia đình không được để những hóa chất, thuốc ở tầm với của trẻ. Đặc biệt, phụ huynh không đựng hóa chất vào những chai, hộp bởi trẻ dễ nhầm thành đồ uống, đồ ăn được.

Trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất, phụ huynh phải bình tĩnh sơ cứu và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời, phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế và thông tin cho bác sĩ về hóa chất nghi ngờ trẻ đã uống để có liệu pháp phù hợp.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị ngộ độc hóa chất

- Trẻ bị đau họng, buồn nôn và nôn, môi lưỡi đỏ hoặc bị phồng rộp, chảy máu, đau tức thượng vị, đau ở mũi rồi lan ra khắp bụng.

- Trẻ khó thở, thở gấp, mặt mũi tím tái, thở cánh mũi phập phồng, co kéo cơ hô hấp ở cổ, có biểu hiện của suy hô hấp. Ngoài ra, trẻ thường rên rít lên do thanh quản bị co thắt.

- Da xanh xao nhợt nhạt, da nổi các vân tím, một số bé bị mất ý thức, hoảng loạn, la khóc, thậm chí rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh.

Cách sơ cứu khi trẻ bị ngộ độc hóa chất

Cho trẻ uống thật nhiều nước. Nước có tác dụng làm loãng nồng độ hóa chất có trong hệ tiêu hóa của bé.

Nếu trẻ không rơi vào hôn mê, phụ huynh nên tìm cách giúp trẻ nôn. Theo đó, dùng 200 – 300ml nước muối 0,9% cho bé uống, rồi dùng tay ngoáy họng để kích thích bé nôn ra hóa chất. Tuy nhiên, với những trẻ bị ngộ độc xăng, acid,… phụ huynh không được tiến hành gây nôn vì sẽ nguy hiểm cho bé. Thay vào đó, sau khi cho bé uống nhiều nước nên nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu. Không được dùng than hoạt tính để gây nôn cho bé.

- Sau khi sơ cấp cứu, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến BV để các bác sĩ rửa ruột cho bé. Đồng thời, mang theo loại hóa chất mà trẻ đã uống để bác sĩ xác định chủng loại và có phương pháp xử lý phù hơp.

.

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/be-2-tuoi-tu-vong-nghi-uong-nham-xang-2020091715544228.htm