Bé 6 tuổi gặp tình trạng nguy hiểm sau khi ngã dập đầu

Trước nhập viện 3 ngày, em bé ở Phú Thọ bị ngã đập đầu xuống nền cứng nhưng gia đình không đưa đến bệnh viện kiểm tra, điều trị.

Các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, cho biết đã tiếp nhận bệnh nhi L.T. (6 tuổi, trú tại xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn) trong tình trạng đau đầu nhiều, kèm theo nôn.

Người nhà cho hay trước vào viện 3 ngày, trẻ bị ngã, đập đầu xuống nền cứng nhưng chưa điều trị gì.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh tụ máu ngoài màng cứng thùy trán phải, đường vỡ xương đỉnh phải. Sau đó, gia đình được các bác sĩ giải thích, tư vấn cho bệnh nhi chuyển tuyến trên để điều trị, tránh để lại biến chứng nặng nề.

 Bệnh nhi được chẩn đoán tụ máu ngoài màng cứng, vỡ xương đỉnh phải. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhi được chẩn đoán tụ máu ngoài màng cứng, vỡ xương đỉnh phải. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Đinh Đại Lâm, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, tụ máu ngoài màng cứng là tình trạng bệnh lý thần kinh đáng ngại. Chúng thường xuất hiện khi vùng đầu bị chấn thương, va đập hoặc bị u não, đột quỵ xuất huyết não gây ra khối máu tụ. Hiện tượng tụ máu não có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Bác sĩ Lâm khuyến cáo người lớn cần bảo vệ chính mình khỏi những chấn thương vùng đầu, đặc biệt trẻ nhỏ cần phải có người lớn theo dõi hoặc hướng dẫn an toàn. Khi không may gặp chấn thương vùng đầu, bệnh nhân cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

"Việc phòng bệnh vẫn luôn tốt hơn chữa bệnh, người dân nên có những biện pháp bảo vệ mình từ việc nhỏ nhất để tránh gây những hậu quả đáng tiếc", bác sĩ Lâm nói.

Dịp vào hè, trẻ nhỏ thường có thời gian thoải mái, vui chơi nhiều hơn, do đó, nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn sinh hoạt, hóc dị vật, trượt ngã... thường gia tăng. Phụ huynh nên quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đồng thời dặn dò, giáo dục trẻ về ý thức tự bảo vệ chính mình, các mối nguy hiểm; Các cửa sổ, ban công phải có rào chắn an toàn, bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ bị vấp, ngã.

Bên cạnh đó, vào mùa nắng nóng, nhiệt độ, độ ẩm trong không khí khá cao là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như vi khuẩn, siêu vi… bùng phát.

Lúc này, trẻ em dễ mắc bệnh vì sức đề kháng còn yếu kém, đặc biệt ý thức tự phòng bệnh chưa cao khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Các loại bệnh truyền nhiễm mùa hè đã có vaccine phụ huynh nên lưu tâm là sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, thủy đậu, tay chân miệng...

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/be-6-tuoi-gap-tinh-trang-nguy-hiem-sau-khi-nga-dap-dau-post1478964.html