Bé 6 tuổi tử vong vì ăn sắn luộc: Lý giải của chuyên gia và những lưu ý khi ăn sắn
Tự luộc sắn ăn, 3 bé gái đã bị ngộ độc và đau lòng khi một bé 6 tuổi đã tử vong. Chuyên gia cho rằng, độc chất trong củ sắn không phải ai cũng biết, nếu ăn theo cách này vô tình rước họa vào bản thân.
Tử vong vì ngộ độc sắn
Mới đây, sự việc 3 bé gái bị ngộ độc sắn, trong đó một bé gái 6 tuổi đã tử vong khiến cho nhiều người lo ngại. Trước đó, khi không có người lớn ở nhà, 3 bé đã tự luộc sắn ăn với nhau. Sau khi người thân về phát hiện các bé có dấu hiệu bị ngộ độc đã đưa vào cấp cứu tại khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk). Một trường hợp bị ngộ độc nhẹ được điều trị tại trung tâm, còn trường hợp nặng đã được chuyển lên BVĐK vùng Tây Nguyên. Trên đường đi bé H’Uynh đã tử vong.
Trước đó, bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cũng tiếp nhận bé 5 tuổi ở Bình Thuận vào viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn mửa liên tục, tím tái toàn thân. Xét nghiệm máu cho thấy, bé bị ngạt tế bào do các chất độc thấm vào máu và được chẩn đoán ngộ độc sắn. Ngay sau đó, bệnh nhi được cho thở oxy, truyền tĩnh mạch thuốc giải độc sodium thiosulfate, uống than hoạt tính hấp thu độc chất trong đường tiêu hóa. May mắn bé đã qua cơn nguy kịch khi được cấp cứu kịp thời.
Khi đề cập đến trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện công nghệ thực phẩm trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội) cho hay đã gặp nhiều trường hợp bị ngộ độc sắn. Sắn là món ăn dân dã nhưng gây độc vì trong chúng có chứa độc tố mà không phải ai cũng biết là axit cyanhydric (HCN). Khoảng 20 gam HCN là đủ để gây ra tình trạng ngộ độc, nếu hấp thu trên 50 gam có thể dẫn tới tử vong. Hàm lượng chất này trong sắn khác nhau phụ thuộc vào loại sắn, sắn đắng có chứa hàm lượng cao hơn loại sắn ngọt. Nếu không được chế biến đúng cách có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Một công trình nghiên cứu của BS Bạch Văn Cam (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) và BS Nguyễn Thị Kim Thoa cũng đã từng chỉ ra ngộ độc sắn cấp là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em tử vong cao, chiếm tới 10% trong ngộ độc thức ăn với tỷ lệ tử vong là 16,7%. Thời gian nhập viện trung bình sau ngộ độc là 11 giờ, sớm nhất 7 giờ và chậm nhất là 16 giờ.
Độc tố cyanhydric có trong vỏ, ruột và lá sắn. Khi ăn vào cơ thể chúng làm tế bào không hấp thu được oxi gây khó thở, ngạt cho nạn nhân. Nếu không được phát hiện, can thiệp đúng cách và kịp thời có thể gây tử vong. Thường những người bị ngộ độc sắn có những triệu chứng sau vài giờ ăn như rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, sôi bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy) và rối loạn thần kinh, hạ huyết áp, hôn mê, trụy mạch…
Những lưu ý khi ăn tránh ngộ độc nhưng nhiều người không để ý
Như đã nói ở trên hàm lượng độc chất sẽ phụ thuộc vào loại sắn. Để tránh ngộ độc các chuyên gia khuyến cáo cần chọn loại sắn ngọt. Sắn độc là loại đắng (sắn lùn, sắn cao sản) cây thấp, đốt dày, ngọn non mầu xanh nhạt, lá mầu xanh lục nhạt, cuống lá đỏ nhạt. Củ có vỏ ngoài nâu thẫm, vỏ lụa trắng chứa nhiều nước. Loại này thường được trồng nhiều vì cho sản lượng cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi chế biến cần lưu ý:
+ Lột hết vỏ ngâm vào nước vài giờ và thay nước 2 – 3 lần
+ Mở nắp nồi khi sôi để chất độc bay ra ngoài.
+ Khi ăn nên chấm đường hoặc mật.
+ Không nên ăn sắn vào buổi tối vì nếu có ngộ độc sẽ khó phát hiện và tránh ăn vào lúc đói. Sau khi luộc, sắn ăn mà thấy đắng cần bỏ đi vì càng đắng càng chứa nhiều độc chất HCN.
+ Đặc biệt mọi người cần lưu ý khi cho trẻ ăn sắn, trẻ dưới 3 tuổi tốt nhất không nên ăn. Ngoài ra, phụ nữ mang thai sức đề kháng kém cũng nên không ăn
Trong trường hợp phát hiện người bị ngộ độc sắn cần cho nạn nhân nôn hết ra rồi cho họ uống nước đường để bổ sung nước hoặc ăn mía. Để nạn nhân nằm nghiêng tránh nuốt phải các chất dịch vào phổi gây khó thở. Ngay sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.