Bé 8 tuổi bị chứng bệnh lạ 100.000 người mới có 1-2 ca mắc
Cách đây hơn 10 ngày, bỗng nhiên bé B.L., 8 tuổi, ở Hà Nam có biểu hiện tê bì bàn chân 2 bên rồi chân yếu dần, đi không vững, sau đó lan lên 2 tay dù đầu óc, tinh thần vẫn tỉnh táo bình thường…
Ngày 4-5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) cho biết, khoa Nhi của bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bị hội chứng bệnh hiếm gặp, tỷ lệ mắc chỉ vào khoảng 1-2 ca/ 100.000 người. Cụ thể, bệnh nhi là bé trai Đ.N.B.L, 8 tuổi, ở Hà Nam.
Theo lời kể, trước khi đi viện 10 ngày, bé B.L. có biểu hiện tê bì bàn chân 2 bên, tăng dần, 4 ngày sau trẻ yếu hai chi dưới đi lại chậm, bước ngắn, dễ ngã, loạng choạng nhẹ, không sốt, không rối loạn cơ vòng.
Khi đưa vào Bệnh viện 108, các bác sĩ nhận định đây là một ca bệnh cấp tính, có tính chất tiến triển biểu hiện tình trạng yếu chi đang lan lên tay, do đó việc chẩn đoán, điều trị cần được tiến hành khẩn trương tích cực.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của ca bệnh này là triệu chứng của bệnh nhân không điển hình, có yếu cơ nhưng không rối loạn cảm giác, xét nghiệm dịch não tủy không biến đổi tuy điện cơ có hình ảnh tổn thương hủy myelin cấp.
Trước tình hình đó, các bác sĩ Khoa Nhi và Khoa Nội Thần kinh của Bệnh viện 108 đã tiến hành hội chẩn và quyết định đưa ra chẩn đoán Guillain Barre thể hủy Myelin cấp tính (viêm đa dây thần kinh cấp tính).
Guillain Barre là một bệnh lý cấp tính hiếm gặp do hệ thống miễn dịch của cơ thể sinh ra kháng thể chống lại lớp bảo vệ các dây thần kinh ngoại biên, gây tiêu hủy myelin từng đoạn dẫn đến giảm tốc độ dẫn truyền các tín hiệu thần kinh, gây yếu và liệt cơ. Bệnh có thể tiến triển nhanh, suy hô hấp, gây tê liệt toàn thân, thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Trong quá trình nằm viện, bệnh nhân được theo dõi sát tình trạng toàn thân, suy hô hấp, yếu chi và các rối loạn khác, điều trị truyền tĩnh mạch, vật lý trị liệu phối hợp và bổ sung vitamin…
Nhờ được chẩn đoán bệnh chính xác và nhanh chóng, điều trị đúng phác đồ của một bệnh hiếm gặp và nguy hiểm nên sau điều trị tích cực 5 ngày, tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ. Sau 12 ngày điều trị, trẻ được ra viện, đi lại tốt, không rối loạn cơ vòng, toàn trạng ổn định.