Bé bị gián bò vào tai, mẹ xử lý cách này được bác sĩ khen ngợi hết lời
Phát hiện con trai bị gián chui vào tai, người mẹ đã có cách xử lý thông minh giúp đứa trẻ tránh được sự cố thủng màng nhĩ.
Nửa đêm đang ngủ, bé Bảo Bảo (Trung Quốc) bỗng giật mình tỉnh giấc vì có thứ gì đó chui vào tai. Nghe tiếng con trai khóc, người mẹ nhanh chóng lấy đèn soi vào tai và phát hiện một con gián khá to đang nằm bên trong ống tai con.
Dù rất sợ hãi, người mẹ vẫn cố bình tĩnh nhớ lại những thao tác sơ cứu mà mình từng được học. Cô nhanh chóng tắt đèn pin, nhỏ vài giọt dầu ăn vào ống tai con trai rồi nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.
Sau khi đến viện và trình bày lại sự việc, mẹ của Bảo Bảo nhận được lời khen của các nhân viên y tế. Theo các bác sĩ, nếu tiếp tục soi đèn pin vào tai con và cố lôi con gián ra thì mọi việc càng tệ hơn. Dưới sự kích thích của ánh sáng, con gián sẽ tiếp tục bò vào chỗ tối sâu trong tai, rất có thể sẽ làm tổn thương màng nhĩ cậu bé.
Việc nhỏ dầu ăn hoặc dầu massage em bé vào ống tai sẽ làm côn trùng chết ngạt và trôi ra ngoài, do đó làm giảm tổn thương cho tai, tránh nguy cơ rách màng nhi.
Một số lưu ý khi bị côn trùng chui vào tai
-Khi xử lý côn trùng chui vào tai tuyệt đối không được sử dụng các dụng cụ để ngoáy móc như tăm bông,... Điều này vô tình đẩy côn trùng vào sâu hơn, khiến việc loại bỏ chúng càng thêm khó khăn hơn, thậm chí là rách màng nhĩ.
-Không thực hiện các phương pháp dân gian để xử lý khi bị côn trùng chui vào tai. Những phương pháp như hơ lá, xông hơi,... không chỉ không có tác dụng mà còn khiến côn trùng hoảng sợ, chạy càng sâu hơn. Nếu nghiêm trọng, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, giảm thính lực,... Đồng thời, khi gặp tình trạng này cũng không nên kích động, lo lắng vì điều này có thể khiến côn trùng chui vào sâu hơn.
-Sau khi đã lấy được côn trùng ra ngoài thì nên chú ý vệ sinh tai sạch sẽ, nhỏ thuốc đều đặn để phòng ngừa viêm nhiễm.
-Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, nhất là phòng ngủ để hạn chế tối đa việc tạo điều kiện cho kiến, côn trùng trú ngụ. Và hạn chế ngủ dưới đất bởi đây là nơi dễ xuất hiện nhiều loại côn trùng, nhất là kiến.
-Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bé bú sữa, thay quần áo, ga, áo gối thường xuyên để côn trùng không bị dụ tới.
- Sử dụng thuốc chống côn trùng: Có thể sử dụng loại thuốc đuổi côn trùng phù hợp, chẳng hạn như bình xịt không mùi hoặc chất lỏng đuổi côn trùng ở những khu vực có trẻ em sinh sống có thể làm giảm số lượng côn trùng trong nhà một cách hiệu quả và giảm nguy cơ côn trùng bay vào tai trẻ.
- Chú ý đến môi trường hoạt động của con bạn: Khi vui chơi ngoài trời, hãy đảm bảo con bạn tránh xa những khu vườn có cây cối um tùm hoặc lâu ngày không được chăm sóc. Côn trùng rất dễ ẩn náu ở những nơi này và khi trẻ lăn, chơi trên cỏ, côn trùng có thể chui vào tai trẻ.
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ: Cha mẹ có thể đội mũ hoặc khăn trùm đầu cho con khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Điều này có thể giúp giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa côn trùng với đầu và tai của trẻ. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thuốc chống côn trùng hoặc xịt thuốc chống côn trùng lên da để ngăn côn trùng tiếp cận con bạn.
Minh Hoa (t/h)