Bê bối an toàn thực phẩm ở Trung Quốc: Xe bồn nhiên liệu vận chuyển dầu ăn

Truyền thông Trung Quốc tiết lộ 'bí mật mở' trong ngành vận tải nước này khi các xe bồn chở nhiên liệu cũng được sử dụng để vận chuyển dầu ăn mà không có quy trình vệ sinh thích hợp.

Xe bồn được sử dụng để vận chuyển cả nhiên liệu và dầu ăn mà không được vệ sinh. (Nguồn: Beijing News)

Xe bồn được sử dụng để vận chuyển cả nhiên liệu và dầu ăn mà không được vệ sinh. (Nguồn: Beijing News)

Nhiều người dân Trung Quốc bày tỏ tức giận sau vụ bê bối liên quan tới một công ty thực phẩm lớn thuộc sở hữu nhà nước đã cắt giảm chi phí bằng cách sử dụng chung bồn chở nhiên liệu và dầu ăn mà không vệ sinh.

Vụ bê bối liên quan đến công ty vận chuyển ngũ cốc lớn nhất Trung Quốc Sinograin và Tập đoàn dầu ăn và ngũ cốc Hopefull đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng mất an toàn thực phẩm tại nước này.

Theo trang tin tức Beijing News, đây là một “bí mật mở” trong ngành vận tải khi các xe chở nhiên liệu hoặc chất lỏng hóa học cũng được sử dụng để vận chuyển dầu ăn, syro và dầu đậu nành mà không có quy trình vệ sinh thích hợp.

Văn phòng an toàn thực phẩm thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố thành lập một nhóm liên ngành để điều tra việc vận chuyển dầu ăn, cam kết “sẽ trừng phạt nghiêm khắc theo pháp luật” những người chịu trách nhiệm.

Đài truyền hình Trung Quốc CCTV đã gọi hành vi này là “sự coi thường cực độ đối với tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng.”

Trả lời phỏng vấn CCTV, chuyên gia an toàn thực phẩm Liu Shaowei đánh giá: “Việc sử dụng bồn chở hóa chất để vận chuyển dầu ăn chắc chắn sẽ dẫn đến tồn dư hóa chất.”

Việc sử dụng các loại dầu có tồn dư hóa chất trong thời gian dài có thể dẫn đến ngộ độc với các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy, thậm chí có thể gây ra tổn thương không thể phục hồi cho gan và thận.

Phản ứng dữ dội từ công chúng

Trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, nhiều người dân đã kêu gọi thu hồi sản phẩm dầu ăn nhiễm độc và tăng cường hoạt động giám sát.

Trước sự phẫn nộ của công chúng, tập đoàn Sinograin cho biết họ đã tiến hành kiểm tra các hoạt động và cam kết ngừng hợp tác với bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ vận tải nào bị phát hiện vi phạm các quy định an toàn.

 Một cơ sở lưu trữ của tập đoàn Sinograin, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Một cơ sở lưu trữ của tập đoàn Sinograin, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù Trung Quốc không có luật cụ thể điều chỉnh quy định về vận chuyển dầu ăn, nhưng theo hướng dẫn về an toàn thực phẩm của nước này, các nhà vận chuyển nên sử dụng “các bồn chứa chuyên dụng và các xe tải và thùng chứa dầu không ăn được đều bị nghiêm cấm cho mục đích này.”

Trong khi đó, Luật An toàn Thực phẩm của Trung Quốc yêu cầu thực phẩm “không được lưu trữ hoặc vận chuyển cùng với các mặt hàng độc hại hoặc có hại” và việc trộn các nguyên liệu thô độc hại và không ăn được là một tội hình sự có thể bị phạt tù. Những người bị kết tội gây ngộ độc thực phẩm dẫn đến tử vong có thể phải đối mặt với án tử hình.

An toàn thực phẩm - vấn đề nhức nhối tại Trung Quốc

Bất chấp mức sống tăng lên trong những thập kỷ gần đây, an toàn thực phẩm vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Trung Quốc, khi hàng chục vụ bê bối nghiêm trọng đã được truyền thông phanh phui kể từ đầu những năm 2000, khiến chính phủ phải thắt chặt quy định.

Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất là sữa bột công thức có chứa hóa chất công nghiệp độc hại melamine năm 2008 khiến sáu trẻ sơ sinh thiệt mạng và khoảng 300.000 trẻ khác bị bệnh.

 Trung Quốc tiêu hủy các sản phẩm sữa có chứa melamine tại Thâm Quyến năm 2008. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc tiêu hủy các sản phẩm sữa có chứa melamine tại Thâm Quyến năm 2008. (Ảnh: Reuters)

Một số giám đốc điều hành bị phát hiện chịu trách nhiệm về vụ việc đã bị kết án tử hình, và thảm kịch này đã gây ra sự mất lòng tin sâu sắc đối với các sản phẩm nội địa và an toàn thực phẩm ở Trung Quốc.

Việc bán và sử dụng “dầu máng xối” - hay dầu ăn tái chế từ máng xối, cống thoát nước gia đình và bẫy mỡ - nổi lên như một vấn đề lớn vào đầu những năm 2010.

Một trường hợp khác vào năm 2022, cũng được truyền thông Trung Quốc vạch trần, cho thấy bắp cải muối “bẩn” được cung cấp cho các thương hiệu mỳ ăn liền nổi tiếng.

Đây có khả năng trở thành vụ bê bối an toàn thực phẩm lớn nhất kể từ năm 2008, do khối lượng dầu được vận chuyển thường xuyên và có thể là một vấn đề lâu dài ảnh hưởng đến nhiều khu vực dân cư.

Theo một chuyên gia, vụ việc này thậm chí còn tồi tệ hơn (so với một số vụ bê bối trong quá khứ) vì người dân có thể tránh ăn dầu máng xối, chẳng hạn như không ăn ngoài hàng, nhưng không thể tránh được dầu ăn bị ô nhiễm, vì rất khó xác định và tránh trong bữa ăn hàng ngày./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/be-boi-an-toan-thuc-pham-o-trung-quoc-xe-bon-nhien-lieu-van-chuyen-dau-an-post964951.vnp