Bê bối gian lận thi vào trường nhạc gây chấn động Hàn Quốc

Hàng loạt giáo sư Hàn Quốc vướng vòng lao lý khi dạy thêm trái phép cho các thí sinh chuẩn bị thi vào trường nhạc và chấm điểm cao cho họ khi làm giám khảo.

 Giáo sư đại học ở Hàn Quốc không được phép dạy thêm. Ảnh: Yonhap.

Giáo sư đại học ở Hàn Quốc không được phép dạy thêm. Ảnh: Yonhap.

Chính phủ Hàn Quốc đang tăng cường quy định tuyển sinh đại học sau khi 13 giáo sư ở Seoul bị cáo buộc cung cấp dịch vụ dạy kèm trái phép với chi phí cao cho các thí sinh dự thi vào trường âm nhạc.

Trong quá trình tuyển sinh, một số các giáo sư trong nhóm này cũng tham gia đánh giá những thí sinh mà họ đã dạy kèm.

Hàng loạt cáo buộc

Theo University World News, việc giáo sư đại học ở Hàn Quốc tổ chức dạy thêm là bất hợp pháp.

Trong số 13 giáo sư bị cáo buộc vào ngày 10/6, có 5 người là giám khảo trong kỳ thi thực hành âm nhạc tại các trường đại học hàng đầu như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Kyung Hee và Đại học Nữ sinh Sookmyung. Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy họ đã chấm điểm cao cho những học sinh mà mình đã dạy kèm.

Đáng chú ý, trong số những người bị cáo buộc có cả cựu trưởng khoa Âm nhạc của Đại học Quốc gia Seoul. Họ bị cáo buộc thông đồng với người môi giới tuyển sinh (tạm gọi là ông A) để tổ chức 244 buổi dạy kèm tư nhân trái phép, thu về tổng cộng khoảng 94.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng).

Các giáo sư liên quan đối mặt với cáo buộc vi phạm luật quản lý các học viện tư nhân. Đồng thời cáo buộc bổ sung là cản trở hoạt động của trường đại học nếu bị phát hiện gian lận trong quá trình tuyển sinh. Những người nhận quà tặng bị cáo buộc vi phạm Luật Chống hối lộ.

Ngoài ra, hai phụ huynh đã tặng túi xách hàng hiệu và tiền mặt sau khi con họ trúng tuyển vào các trường đại học mong muốn cũng bị chuyển thông tin đến công tố viên.

Trong quá trình điều tra của cảnh sát, một số phụ huynh, vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống đại học hoặc sự nghiệp âm nhạc của con mình, đã bảo vệ các giáo sư và phủ nhận bất kỳ hành vi hối lộ nào.

Cảnh sát không tiết lộ có bao nhiêu học sinh liên quan. Tuy nhiên, các học sinh liên quan đến vụ bê bối dự kiến bị hủy bỏ kết quả tuyển sinh dựa trên kết quả điều tra của cảnh sát.

Thủ đoạn tinh vi

Theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul, ông A điều hành một trung tâm dạy kèm không được cấp phép ở khu vực Gangnam của Seoul từ tháng 1/2021 đến tháng 2/2023. Trung tâm đã tổ chức tổng cộng 679 buổi học thanh nhạc cho thí sinh.

Ông A quản lý việc lên lịch và lựa chọn thí sinh, thu phí từ 70.000-120.000 won (1,2-2,2 triệu đồng) cho mỗi buổi luyện thanh, trong khi các giáo sư thu phí từ 200.000 đến 500.000 won (3,2-9,7 triệu đồng) cho mỗi buổi học 30-60 phút. Ngoài ra, thí sinh còn phải trả phí người đệm đàn và phí thuê phòng tập cho mỗi buổi.

Các chi phí này chỉ phù hợp với những gia đình giàu có, song bên môi giới đã sử dụng danh tiếng, ảnh hưởng của các giáo sư để quảng bá. Nhờ đó, họ giành được sự quan tâm, đầu tư từ phụ huynh, học sinh.

Khi kỳ thi tuyển sinh đại học đến gần, ông A tăng tần suất các buổi dạy kèm và thông báo cho các giáo sư về các trường đại học mà thí sinh đăng ký hoặc lịch thi thực hành. Người này yêu cầu đặc quyền bổ sung cho thí sinh trong kỳ thi thực hành.

Thông thường, các giáo sư phải ký một bản cam kết không có mối quan hệ đặc biệt với bất kỳ thí sinh nào và không tổ chức dạy thêm. Tuy nhiên, các giáo sư đã làm giả các tài liệu này.

Trong kỳ thi thực hành, các thí sinh thường được "đánh giá mù" - các giáo sư không thể nhìn thấy khuôn mặt của họ. Tuy nhiên, giám khảo vẫn có thể xác định và cho điểm cao cho học sinh của mình dựa trên tiết mục, kỹ thuật thanh nhạc, giọng hát và thứ tự thi.

"Các buổi thi được thiết kế để ngăn chặn việc nhận biết, nhưng các giáo sư thường có thể xác định được học sinh của mình ngay lập tức, đặc biệt là trong giọng hát", một giáo sư của một trường đại học lớn ở Seoul nói với University World News.

Ngay cả khi không đóng vai trò là giám khảo kỳ thi thực hành, các giáo sư vẫn có cách để "tạo điều kiện" cho thí sinh.

"Tôi đã thấy các thí sinh luyện tập trước những bài hát mà sau này được trường chọn làm bài thi tuyển sinh. Tôi cũng đã thấy những phụ huynh có mối quan hệ với các giáo sư nhận được thông tin về các kỳ thi thực hành", một cựu sinh viên của Đại học Nghệ thuật Yewon cho biết.

 Chính phủ Hàn Quốc đã sửa luật, cắt giảm chỉ tiêu đối với các trường đại học bị phát hiện gian lận tuyển sinh có hệ thống. Ảnh minh họa: SIS.

Chính phủ Hàn Quốc đã sửa luật, cắt giảm chỉ tiêu đối với các trường đại học bị phát hiện gian lận tuyển sinh có hệ thống. Ảnh minh họa: SIS.

Bộ Giáo dục thắt chặt tuyển sinh sau gian lận

Ngày 18/6, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp các giám đốc tuyển sinh của các trường đại học âm nhạc tại Seoul để thảo luận về những bất thường trong tuyển sinh.

Sau đó, Chính phủ đã sửa đổi Luật Giáo dục Đại học, áp đặt việc giảm số lượng chỉ tiêu đối với các trường đại học bị phát hiện gian lận tuyển sinh có hệ thống.

Theo thông báo của Bộ Giáo dục ngày 2/7, nếu 2 hay nhiều nhân viên đại học bị phát hiện làm sai lệch quá trình tuyển sinh một cách có hệ thống, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường đại học sẽ bị giảm tối đa 5% đối với lần vi phạm đầu tiên và tối đa 10% đối với lần vi phạm thứ 2.

Mặc dù chính phủ đã có những biện pháp mạnh tay trong việc trấn áp gian lận tuyển sinh, nhưng một giáo sư đại học Seoul cho rằng đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

“Ở các khoa Âm nhạc, nơi kỹ năng thực hành là yếu tố quyết định trong tuyển sinh, các giáo sư thường xuyên nhận được yêu cầu dạy kèm, bất chấp đó là việc bất hợp pháp. Gần như mọi giáo sư đều từng nhận được lời đề nghị như vậy ở một thời điểm nào đó”, giáo sư này cho biết.

“Người ta thường cho rằng các giáo sư âm nhạc của các trường đại học tư thục nổi tiếng ở Seoul đều tổ chức các lớp học riêng. Thậm chí các trường đại học thường làm ngơ, miễn là không bị bắt quả tang”, một giảng viên khác bổ sung.

Cảnh sát đã xác nhận điều này bằng cách phân tích danh sách các giám khảo và thí sinh của 33 trường đại học trên toàn quốc có khoa Âm nhạc.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/be-boi-gian-lan-thi-vao-truong-nhac-gay-chan-dong-han-quoc-post1489971.html